Gọi vốn thay founder, không nắm cổ phần nào nhưng CEO vẫn được Shark Liên đồng ý rót 10 tỷ đồng để thực hiện khát vọng giữ gìn thương hiệu nước mắm 300 năm của người Việt
Shark Đỗ Liên cũng là vị cá mập duy nhất đồng ý rót vốn trong thương vụ này.
Tập 2 Shark Tank Việt Nam mùa 3 mới phát sóng gần đây ghi nhận sự xuất hiện của Thạc sỹ Marketing Thùy Trang, CEO dự án Làng Chài Xưa. Trang đến chương trình để kêu gọi 10 tỷ đồng cho 5% cổ phần công ty, với mong muốn khôi phục văn hóa làm nước mắm truyền thống của vùng Phan Thiết.
Khác với các startup từng xuất hiện trước đây, Làng Chài Xưa thực tế là một cụm dự án, bao gồm 4 mô hình chính:
- Nhà hát Fisherman Show, kể về cuộc sống mưu sinh bám biển của người dân
- Bảo tàng Nước mắm Làng Chài Xưa, bảo tàng nước mắm đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam
- Thương hiệu Nước mắm Tĩn, thương hiệu có lịch sử 300 năm tại Phan Thiết, là cái nôi của nước mắm Việt Nam
- 2 nhà hàng Mũi Né Xưa & Mũi Né Deli, phục vụ khách du lịch
Thành lập từ năm 2017, đến nay các cụm dự án này đều đã hoàn thiện. Với số vốn kêu gọi là 10 tỷ đồng đầu tư, Trang dự định sẽ tập trung hoàn toàn vào hoạt động quảng cáo sau 2 năm phát triển sản phẩm.
Về số liệu tài chính, nữ CEO cho biết doanh thu năm 2017 của Làng Chài Xưa là 15 tỷ, năm 2018 là 25 tỷ và nửa đầu năm 2019 là 20 tỷ. 60% doanh thu đến từ 3 mô hình đầu tiên, 40% doanh thu đến từ việc kinh doanh thương hiệu nước mắm Tĩn.
Về hiệu quả, năm 2017, Làng Chài Xưa chịu mức lỗ khoảng 10-15% nhưng sang đến 2018, lãi ròng đã là 10%, dự kiến 2019 mức lãi tăng lên 15%.
Đặc biệt mô hình này có tài sản cố định là diện tích đất thuộc sở hữu của founder, rộng 1,6ha, trong đó giá trị tại thời điểm mua là hơn 30 tỷ đồng.
4 cá mập rút lui, chỉ còn Shark Liên ở lại
Với các số liệu tài chính tương đối khả quan, mô hình đã đi vào hoạt động, lại có tài sản đảm bảo, Làng Chài Xưa tưởng như là một dự án khiến các Shark phải chiến đấu quyết liệt để tranh mồi. Nhưng chính tiết lộ của CEO Thùy Trang đã làm dàn cá mập hoàn toàn bất ngờ.
"Em là CEO nhưng không có cổ phần dự án, chỉ có 1 mình chủ đầu tư nắm 100% vốn, không có cổ đông nào nữa. Tuy nhiên em có thể quyết định mọi việc vì em là người đi cùng với chủ đầu tư từ những viên gạch đầu tiên của dự án. Trước khi tham gia Shark Tank, em đã được chủ đầu tư ủy quyền quyết định mọi việc trong chương trình", Trang giãi bày.
Tuy nhiên, lý do CEO không phải founder, không phải người chủ thực sự của dự án khiến Shark Hưng nhanh chóng ra quyết định rút lui đầu tiên.
"Theo sát là một chuyện, điều hành là một chuyện, đai diện pháp luật là một chuyện nhưng quyết định tỷ lệ sở hữu lại là chuyện khác. Hơn nữa chúng tôi thường làm việc với founder thực sự, chứ không phải người được chủ đầu tư ủy quyền tới Shark Tank", Shark Hưng thẳng thắn khẳng định.
Trong khi đó, Shark Dũng, Shark Thủy thấy đây không phải lĩnh vực các Shark quan tâm nên cả 2 cùng từ chối. Shark Việt cho rằng dự án hay nhưng CEO trình bày "lắp bắp", khiến ông không cảm thấy yên tâm khi đầu tư.
Lúc này, chỉ duy nhất Shark Đỗ Liên muốn đồng hành cùng startup. "Cá mập bà ngoại" của Shark Tank thừa nhận rất thích ý tưởng giữ gìn bản sắc dân tộc, phát triển thương hiệu "quốc hồn quốc tuý" là nước mắm. Shark Liên đề nghị 10 tỷ đồng cho 25% cổ phần, thay vì 5% cổ phần như lúc đầu, trong đó Shark sẽ giúp đem thương hiệu nước mắm Việt Nam lên kệ các siêu thị Châu Âu.
Sau quá trình thương thuyết, màn gọi vốn khép lại với 10 tỷ đồng cho 15% cổ phần, định mức mà ở đó, Shark Đỗ Liên cho rằng "cả tôi và bạn có thể cùng nhau giữ khát khao của bạn".