Gói 120.000 tỉ đồng mới giải ngân 105 tỉ, đại biểu chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã nêu nhiều nguyên nhân dẫn tới việc giải ngân gói hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hiện đang chậm
Sáng 6-11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện lời hứa trong các kỳ họp Quốc hội trước đó.
Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng
Chất vấn về lĩnh vực ngân hàng, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An giang) nêu cử tri và nhân dân kỳ vọng lớn ở gói tín dụng 120 ngàn tỉ đồng hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tuy nhiên đến nay con số giải ngân đang rất thấp. "Nhu cầu là rất lớn nhưng tỉ lệ giải ngân thấp, vậy đâu là khó khăn, vướng mắc. Thời gian tới ngành ngân hàng có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân" - đại biểu Trần Thị Thanh Hương chất vấn.
Trả lời đại biểu, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng việc triển khai gói tín dụng 120 ngàn tỉ đồng nhằm tiến tới mục tiêu đạt 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, sau khi có Nghị quyết của Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể, NHNN đã ban hành văn bản hướng dẫn, có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố (TP) quan tâm, xây dựng và công bố danh mục dự án thuộc diện được cho vay theo chương trình này.
Về các tổ chức tín dụng, NHNN đã yêu cầu ban hành quy trình nội bộ để thực hiện việc cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội thuộc gói tín dụng 120 ngàn tỉ đồng. Theo Thống đốc NHNN, đến nay, có 18/63 tỉnh, TP đã gửi danh mục dự án tham gia chương trình. Trong đó, có 53 dự án với nhu cầu vốn vay khoảng 27 ngàn tỉ đồng. Lãnh đạo NHNN cũng cho biết đến nay, con số giải ngân chỉ mới đạt 105 tỉ đồng, tại 3 địa phương.
Thừa nhận việc giải ngân còn hạn chế, Thống đốc NHNN cho biết nguyên nhân do nguồn cung nhà ở thuộc đối tượng của gói tín dụng còn hạn chế, trong khi nhu cầu rất lớn. "Cùng với đó, để đi đến quyết định vay vốn mua nhà, người dân xem xét, cân nhắc rất kỹ lưỡng" - bà Nguyễn Thị Hồng nói.
Ngoài ra, theo lãnh đạo NHNN, có nhiều ý kiến phản ánh về điều kiện được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội chưa phù hợp, như quy định liên quan đến việc đóng thuế thu nhập cá nhân.
Trước Quốc hội, Thống đốc NHNN cũng nhấn mạnh đây là chương trình thực hiện trong thời gian dài, tới 10 năm, các khoản vay bất động sản thường kéo dài, giải ngân theo thời kỳ nên kết quả đến nay còn thấp.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 120 ngàn tỉ đồng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đã kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, sớm công bố dự án thuộc chương trình để hệ thống ngân hàng tích cực triển khai. Phía NHNN cũng phối hợp bộ ngành khác để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Phạm Thắng
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn TP Hà Nội) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc về trách nhiệm trong việc chậm ban hành các văn bản liên quan đến quản lý tài sản công và giải pháp khắc phục.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh chúng ta đã có Luật Quản lý tài sản công năm 2017, Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn và Bộ Tài chính đã ban hành 15 Thông tư liên quan.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết lĩnh vực tài sản công liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, từ cấp xã lên đến cấp Trung ương nên phạm vi quản lý rất lớn. Việc quản lý tài sản công thể hiện trách nhiệm của người được giao quản lý tài sản công đối với việc phát huy và sử dụng hiệu quả của tài sản công. Bộ Tài chính đang đề xuất Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa Luật Quản lý tài sản công để hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Theo ông Hồ Đức Phớc, pháp luật về quản lý tài sản công hiện nay còn chưa bao phủ hết các vấn đề trên thực tiễn. Bộ trưởng lấy dẫn chứng về việc mua tài sản tư để trở thành tài sản công, trong đó có việc mua các dự án BOT.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết trên thực tế, một số dự án BOT được phê duyệt, triển khai nhưng sau đó có sự thay đổi về quy hoạch, hướng tuyến, dẫn đến phương án tài chính hoàn vốn của nhà đầu tư tư nhân gặp khó khăn. Với các dự án BOT này, Nhà nước có thể mua lại để triển khai thu phí hoàn vốn, hoặc sử dụng nguồn ngân sách để bù đắp, tuy nhiên trong luật hiện hành chưa có các quy định về mua tài sản tư để đưa về Nhà nước quản lý.
Do đó, Bộ Tài chính đang tham mưu Chính phủ, đề xuất sửa đổi Luật Quản lý tài sản công để bổ sung các quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.