Góc tối phía sau những “công việc trong mơ” trên MXH nghề nghiệp đình đám LinkedIn: Đỉnh cao sự nghiệp hay Đỉnh điểm lo âu?

19/01/2024 14:19 PM | Kinh doanh

Từng là “cứu tinh” giúp nhiều người kiếm được công việc mơ ước và khám phá những "bí mật ngành nghề" ít khi được chia sẻ trên các nền tảng khác. Linkedin dần trở thành cơn ác mộng cho những người làm công ăn lương.

Mạng xã hội "nhiều góc tối"

Dù cũng là "mạng xã hội", nhưng Linkedin từ lâu đã trở nên khác biệt so với phần còn lại, là nơi duy nhất mà cá nhân có thể tự tin chia sẻ về công việc và chuyên môn của mình một cách tích cực.

Người dùng Facebook và Instagram sẽ khoe khoang mọi thứ về cuộc sống hào nhoáng của mình, nhưng họ sẽ không bao giờ đả động đến một ngày làm thêm giờ không lương, bày tỏ lòng biết ơn đối với công ty vừa sa thải họ, cũng như thảo luận rộng rãi về những "drama nơi công sở" và nhận nhiều phản hồi tích cực và cơ hội việc làm tiềm ẩn như tại Linkedin.

Với nội dung và đối tượng người dùng đặc trưng, Linkedin nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và liên tục đứng trong Top 10 mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Ranked: The World's Most Popular Social Networks, and Who Owns Them

Microsoft đã mua lại LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD vào năm 2016, khi nền tảng này đang vượt xa Twitter về số lượng người dùng và lợi nhuận. Năm 2022, Linkedin mang về 13,8 tỷ USD, gấp 2,5 lần kỷ lục doanh thu cao nhất của Twitter.

Con số ấn tượng này làm nổi bật giá trị mà người dùng mang lại cho LinkedIn, biến họ thành tài sản quý giá nhất trong hệ sinh thái.

Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố trên Cyberpsychology sau khi quan sát 1.780 người dùng ở Mỹ trong độ tuổi từ 19 đến 32, chỉ ra mối tương quan giữa việc sử dụng LinkedIn và xu hướng trầm cảm cộng với rối loạn lo âu.

Tình hình kinh tế không ổn định trong vài năm qua khiến Newsfeed của Linkedin tràn ngập bài đăng từ những lao động đã mất việc, xen kẽ với những trường hợp có việc mới hoặc thăng chức, vô tình tạo nên "áp lực đồng trang lứa", khi mà nhiều người vẫn thành công bất chấp thị trường đang rất khó khăn.

Đằng sau những “công việc trong mơ” trên Linkedin: Đỉnh cao sự nghiệp hay Đỉnh điểm lo âu - Ảnh 2.

Tương tự như những nền tảng xã hội khác, LinkedIn nuôi dưỡng một văn hóa so sánh và tự nghi ngờ. Và vì nội dung thiên về công việc, các cá nhân thường chỉ trưng bày những thành công của họ, góp phần tạo ra một góc nhìn sai lệch so với thực tế, ảnh hưởng đến sự tự tin và giá trị cá nhân của đa số người xem.

LinkedIn - Công cụ "chống lại" người dùng?

Với kỳ vọng kết nối với hàng trăm cơ hội việc làm, LinkedIn đã thúc đẩy người dùng ra sức xây dựng một tài khoản chuyên nghiệp, cung cấp tất cả những điểm mạnh và liên tục cập nhật thành tích trên mạng xã hội này.

Nhưng trên thực tế, LinkedIn đóng vai trò như một "kho CV" khổng lồ, nơi mà các tài khoản tuyển dụng trả phí có thể dễ dàng truy cập danh sách những ứng viên tiềm năng một cách nhanh chóng.

Đằng sau những “công việc trong mơ” trên Linkedin: Đỉnh cao sự nghiệp hay Đỉnh điểm lo âu - Ảnh 3.

Khuyến khích người dùng cung cấp mọi thông tin từ học vấn, lịch sử làm việc cho đến các từ khóa liên quan, LinkedIn dễ dàng chuẩn hóa toàn bộ người dùng của mình theo kỹ năng và kinh nghiệm, tối ưu hóa quá trình tuyển dụng và mang về khoảng doanh thu khổng lồ từ các khách hàng doanh nghiệp.

Ngoài ra, LinkedIn còn làm trầm trọng hơn sự bất cân xứng thông tin giữa người dùng và nhà tuyển dụng tiềm năng. Trong khi người dùng sẵn sàng tiết lộ nhiều thông tin cá nhân trên hồ sơ của họ thì tin tuyển dụng thường giấu đi những thông tin quan trọng như mức lương và kỳ vọng công việc, tạo ra sự mất cân bằng trong quá trình trao đổi.

Không những thế, LinkedIn còn nuôi dưỡng một văn hóa "tôn thờ doanh nghiệp", nơi cá nhân thường tận tụy khen ngợi sếp và công ty một cách bất chấp để duy trì hình ảnh chuyên nghiệp.

Lợi dụng mối quan hệ một chiều này, chủ doanh nghiệp cũng như cách quản lý liên tục thúc đẩy nhân viên cống hiến hết mình, vượt qua giới hạn của bản thân và có khả năng gây tổn hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất.

Chẳng hạn như một bài đăng của CEO yêu cầu người trẻ tuổi "làm ít nhất 18 giờ một ngày, trong 4-5 năm" đã nhận được 5.000 lượt thích và một người sáng lập khác chia sẻ hình ảnh nhân viên của mình bất tỉnh trên đường đi làm vì thiếu ngủ nhận được hơn 11.000 lượt thích.

Đằng sau những “công việc trong mơ” trên Linkedin: Đỉnh cao sự nghiệp hay Đỉnh điểm lo âu - Ảnh 4.

Dù vẫn đóng vai trò cầu nối cho các cơ hội nghề nghiệp, nhưng ảnh hưởng của Linkedin đối với việc định hình các kỳ vọng nghề nghiệp và tiếng nói xã hội đã và đang làm dấy lên lo ngại cho nhiều người dùng. Rất nhiều tài khoản giờ đây chỉ tập trung vào khoe mẽ sự thành công, tạo nên một nhân cách khác hẳn so với phong cách hằng ngày.

Bất chấp tình trạng này, LinkedIn vẫn giữ vị trí hàng đầu trong mạng lưới chuyên nghiệp, được coi là tiêu chuẩn cho quá trình tuyển dụng và là thước đo sự thành công của nhiều cá nhân cũng như tổ chức.

Đại dịch và giai đoạn kinh tế trì trệ vừa qua đã hình thành nên một thế giới đầy hỗn loạn, kết hợp với sự phát triển của LinkedIn, khát vọng nghề nghiệp và nhận thức xã hội dần trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi người dùng phải đầu tư nhiều thời gian để thực sự xác định giá trị mà họ muốn tiếp nhận khi sử dụng LinkedIn.

Thanh Sang

Cùng chuyên mục
XEM