Gỗ: Xuất khẩu gần 7 tỷ USD, nhập nguyên liệu mất 6,9 tỷ USD

25/05/2016 16:28 PM | Kinh tế vĩ mô

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm chế biến lớn nhất trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu vượt xa các quốc gia trong khu vực, nơi được coi là có ngành chế biến xuất khẩu phát triển trước Việt Nam.

Theo ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia Phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends, không có gì đáng để tự hào với thành tích 7 tỷ USD xuất khẩu của ngành gỗ năm 2015 bởi kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu lên đến…6,9 tỷ USD, và Việt Nam phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Số liệu lạc quan của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, chỉ có 14% doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là doanh nghiệp FDI, số còn lại chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của Việt Nam cho đến nay vẫn sử dụng công nghệ chế biến còn tương đối lạc hậu, giá trị gia tăng còn hạn chế.

Với quy mô DN xét về hai khía cạnh vốn và người lao động, ông Tô Xuân Phúc cho biết nếu xét về quy mô vốn, 93% DN của Việt Nam là DN nhỏ và siêu nhỏ, còn xét theo quy mô lao động, gần 50% là DN siêu nhỏ và cũng gần 50% là DN nhỏ.

Khi nói nhiều về hội nhập, chúng ta thường nói đến cơ hội mà không mấy để ý đến rủi ro. Hội nhập thụ động không những đặt các DN vào vị trí bất lợi trong các giao dịch thị trường mà còn tiềm ẩn các rủi ro khi tham gia các thị trường xuất khẩu.

Trong chiến lược phát triển quy hoạch ngành gỗ, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ là 7 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2015 đã đạt xấp xỉ 7 tỷ USD. Đây là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó không thể không nhắc đến khung khổ pháp luật và chính sách đối với ngành gỗ.

Mặc dù ngành gỗ đang hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới, chất lượng hội nhập của ngành chế biến gỗ vẫn còn những hạn chế. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ Việt Nam, mặc dù giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam lên tới gần 7 tỷ USD năm 2015 nhưng chưa có một sản phẩm nào có nhãn hiệu “Made in Viet Nam” dán trên sản phẩm.

Đến nay các DN chỉ làm nhiệm vụ gia công chế biến, với giá trị thặng dư tích lũy nhờ lao động giá rẻ, công nghệ chế biến không phát triển và sử dụng nhiều nguyên liệu thô, lợi ích dựa vào số lượng hơn là chất lượng, DN cũng chưa tạo được thế chủ động trong hội nhập thị trường. Bên cạnh đó, các tương tác trực tiếp với thị trường xuất khẩu chủ yếu được thực hiện trực tiếp bởi người mua nước ngoài.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), bối cảnh hội nhập cần thiết có những chính sách hỗ trợ có căn cứ, có hệ thống bài bản để hỗ trợ ngành gỗ phát triển. Đàm phán hội nhập là một câu chuyện, thực thi là một câu chuyện khác, nếu không có sự hỗ trợ tốt cho các DN sẽ không tận dụng được cơ hội trong hội nhập.

“Cần có nghiên cứu để có đề xuất đầy đủ về biện pháp chính sách giúp DN ngành gỗ tận dụng cơ hội hội nhập, đối mặt với rủi ro và vượt qua rủi ro. Việc phát triển ngành gỗ không chỉ đơn thuần là sự phát triển của các DN trong ngành, mà còn liên quan đến môi trường và an sinh xã hội,” bà Nguyễn Thị Thu Trang nói.

Theo Nguyễn Tuân

Cùng chuyên mục
XEM