Gỗ Trường Thành bán chui cổ phiếu, Chủ tịch hiện tại là ai?

12/06/2022 09:15 AM | Kinh doanh

CTCP Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) công bố đã bán 12,6 triệu cổ phiếu quỹ từ tháng 8/2020 đến tháng 3/2021 thông qua khớp lệnh. Sau giao dịch, doanh nghiệp còn nắm giữ 15.815 cổ phiếu quỹ.

Đây là cổ phiếu do TTF nhận từ ông Võ Trường Thành (cựu Chủ tịch HĐQT của công ty) để khắc phục một phần thiệt hại trong năm 2020. Từ tháng 8-12/2020, Gỗ Trường Thành đã bán 8,89 triệu đơn vị, đến tháng 3/2021 bán tiếp 3,7 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, quá trình bán cổ phiếu nhận từ ông Võ Trường Thành, doanh nghiệp không công bố thông tin bán cổ phiếu quỹ theo quy định.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu,  Tổng giám đốc TTF lý giải bản chất việc chuyển giao cổ phiếu từ cựu Chủ tịch HĐQT là sự bồi thường thiệt hại của cổ đông. Ban lãnh đạo cho rằng nghiệp vụ này không phải mua bán cổ phiếu quỹ giữa 2 bên theo giao dịch mua bán thông thường.

Việc  thu hồi tài sản của lãnh đạo cũ đã được doanh nghiệp lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản tháng 3/2017. Đây là hành động nhằm khắc phục hậu quả do quản lý yếu kém bằng cách chuyển giao quyền sở hữu của bản thân và người có liên quan cho công ty.

Gỗ Trường Thành do chính ông Võ Trường Thành sáng lập nên. Tuy nhiên, những sai lầm trong đầu tư giai đoạn 2007-2008 đã khiến công ty rơi vào trạng thái phải tái cư cấu. Năm 2016, công ty vướng bê bối lớn khi hàng tồn kho bị kiểm kê thiếu hụt 980 tỷ đồng và trích lập các khoản phải thu khó đòi, lộ khoản lỗ khủng.

Sau khi ông Võ Trường Thành rời đi, nhóm cổ đông do ông Mai Hữu Tín dẫn đầu tiếp quản công ty. Ông Mai Hữu Tín đồng thời ngồi ghế Chủ tịch HĐQT TTF từ tháng 6/2019.

Dưới thời ông Mai Hữu Tín, Gỗ Trường Thành đang dần thoát khỏi cảnh nợ nần, dự kiến công ty sẽ xử lý hoàn toàn hàng tồn kho trong quý 2/2022.

Hoạt động kinh doanh của Gỗ Trường Thành đã có lãi trở lại 4 quý liên tiếp. Quý 1/2022, doanh nghiệp báo cáo doanh thu thuần 536 tỷ đồng, tăng 72%; lãi sau thuế 15 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 40 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Gỗ Trường Thành bán chui cổ phiếu, Chủ tịch hiện tại là ai? - Ảnh 1.
Doanh nhân Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT TTF.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TTF đang được giao dịch với giá 9.150 đồng sau khi đóng cửa phiên 10/06. Cổ phiếu TTF bị HOSE đưa vào diện cảnh báo từ 21/04/2022 theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết.

Về Chủ tịch TTF Mai Hữu Tín, ông Tín sinh năm 1969, là một doanh nhân kín tiếng và được biết đến là một “Shark” thực sự. Thông qua Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư U&I do ông Tín làm Chủ tịch HĐQT, doanh nhân này thực hiện nhiều phi vụ đầu tư, giải cứu các doanh nghiệp thua lỗ, trong đó Gỗ Trường Thành là một phi vụ điển hình.

Các khoản đầu tư của U&I khiến doanh nhân Mai Hữu Tín trở thành nhân vật chủ chốt tại nhiều doanh nghiệp với đủ mọi ngành nghề. Hiện ông đang là Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kiên Long (KLB), Thành viên HĐQT kiêm Trưởng ban Kiểm toán nội bôi Công ty cổ phần Cao su Phước Hoà (PHR), Chủ tịch HĐQT CTCP Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF), Thành viên HĐQT Tổng Công ty sản xuất – XNK Bình Dương (PRT), Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư U&I, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mai và Cộng sự.

Đó là những gì người ta biết về ông Mai Hữu Tín, nhưng ít ai biết rằng doanh nhân quê Bình Dương này là “Shark” của hàng chục startup lớn nhỏ trên cả nước. Tại thời điểm tháng 10/2021, ông Tín cùng lúc là Chủ tịch HĐQT của 53 doanh nghiệp lớn nhỏ hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, xây dựng, logistics, dịch vụ, tài chính, bán lẻ, nông nghiệp, truyền thông và công nghiệp…

Riêng mảng kinh doanh bất động sản, các công ty thành viên của U&I phát triển khá nhiều dự án đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tiêu biểu như: Khu dân cư Chánh Nghĩa (TP Thủ Dầu Một), Khu đô thị Uni Mall Center (TP Thuận An), Khu dân cư Thuận Giao (TP Thuận An), Khu đô thị Hài Mỹ New City (TP Thuận An), Khu dân cư Golden Town Bình Chuẩn (TP Thuận An), Khu dân cư The Seasons Lái Thiêu (TP Thuận An), Khu đô thị Golden Mall (TP Dĩ An), Khu dân cư U&I Thới Hòa – Avenue City (TX Bến Cát),…

Ông Mai Hữu Tín còn được biết đến là Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới. Ông Tín đã giành được chức vô địch Vivonam toàn quốc từ khi còn là học sinh lớp 12. Ông Tín cũng từng được biết đến với vai trò Đại biểu Quốc hội khoá 12, lãnh đạo Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung ương hội LHTN Việt Nam khoá VII (2014-2019), Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương khoá I (2014-2019), Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa IV.

Khởi nghiệp năm 29 tuổi với số vốn 300 triệu đồng, trong đó 200 triệu đồng từ tiền đi vay, U&I Group là từ viết tắt của cụm từ Bạn và Tôi trong tiếng Anh, được thành lập bởi ông Mai Hữu Tín và bà Đoàn Ngọc Tố Uyên, những doanh nhân người Bình Dương.

Năm 2004, ông hoàn thành luận án Tiến sĩ quản trị kinh doanh ở Mỹ. Đến nay, một trong những thương vụ M&A đình đám của ông Mai Hữu Tín là mua lại công ty sản xuất bồn nước Toàn Mỹ năm 2007 rồi kết hợp với giám đốc Toàn Mỹ để làm công ty truyền thông Trí Việt.

Một thương vụ khác được ghi nhận là mua lại Giấy Sài Gòn năm 2013. Sau giai đoạn tăng trưởng vượt bậc, năm 2007, Giấy Sài Gòn rơi vào thời kỳ khó khăn khi suy thoái kinh tế ập đến, các nhà đầu tư rút vốn. Năm 2011, đối tác Daio Paper Nhật Bản cũng muốn thoái lui do khó khăn tài chính từ tập đoàn mẹ.

Cùng với đó là chi phí lãi vay đến thời điểm đáo hạn, khi lãi suất ngân hàng lên đến 20%/năm. Năm 2013, ông Tín mua lại toàn bộ cổ phần và nợ của Daio Paper, với tỉ lệ sở hữu 42,3%, tương đương 416 tỷ đồng.

Tại Gỗ Trường Thành (TTF), cú sốc hàng tồn và khoản phải thu năm 2016, cùng những hệ luỵ đã thách thức rất nhiều nhà đầu tư tham gia giải cứu, trước khi nhóm ông Tín vào cuộc. Tuy nhiên, sau tất cả chỉ còn một mình ông Tín ở lại để vực dậy công ty.

Hiền Anh

Cùng chuyên mục
XEM