Giữa ngàn sóng gió, "ông lớn" đầu ngành dệt may vẫn lên mục tiêu doanh thu gần tỷ USD vào năm 2025, thành điểm đến "trọn gói" cho thời trang xanh
Vinatex còn đề mục tiêu trở thành nhà cung cấp sản phẩm dệt kim phổ thông trọn gói với quy mô sản xuất 30.000 – 35.000 tấn vải/năm.
Thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 14,422 tỷ USD, giảm 21,42% so với cùng kỳ năm 2022.
Thực tế, tình hình hiện tại đang khó khăn với tất cả các ngành nghề. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2023, có tới 6/7 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có kim ngạch trên 5 tỷ USD đều giảm, giảm sâu nhất là lắp ráp điện tử, điện thoại, chế biến gỗ, thuỷ sản, dệt may, da giày.
Là ngành đóng góp nhiều cho nền kinh tế, dệt may dù khó khăn vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều bên trong ngoài nước. Đơn cử, Saigontex 2023 ghi nhận quy mô triển lãm gấp 3 lần năm 2022, đồng thời đạt quy mô lớn nhất kể từ năm 1991.
Bổ sung sau thành công của SaigonTex 2023, SaigonFabric Summer 2023 (diễn ra hôm 26-29/7/2023) cũng dự hội tụ hơn 100 doanh nghiệp nội địa sẽ giới thiệu những nguồn sợi, vải, nguyên phụ liệu của Việt Nam; trao đổi với gần 200 nhà cung cấp từ Trung Quốc, Đức, Hồng Kông, Pakistan, Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan danh mục sản phẩm của ngành như: vải, sợi, nguyên phụ liệu dệt may; máy móc và thiết bị sản xuất; phần mềm quản lý công nghệ...
Tại đây, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng công bố kế hoạch đến năm 2025, tỷ lệ tăng trưởng bình quân về doanh thu và lợi nhuận hợp nhất đạt từ 8-12%, trong đó doanh thu đạt 21.800 tỷ đồng.
Năm 2022, Vinatex đạt gần 18.300 tỷ đồng doanh thu, tiến sát mức đỉnh đạt được vào năm 2018 và 2019. Nếu duy trì mức tăng trưởng 8%/năm thì DN này có thể đạt được con số 21.800 tỷ đồng vào năm 2024 - 2025.
Vinatex còn đề mục tiêu trở thành nhà cung cấp sản phẩm dệt kim phổ thông trọn gói với quy mô sản xuất 30.000 – 35.000 tấn vải/năm; từng bước nâng cao sản lượng sợi dùng trong nội bộ với mục tiêu 50% sợi nội bộ và 50% vải dệt kim được sử dụng cho ngành may với sản lượng 60 – 70 triệu sản phẩm may mặc/năm, duy trì sản xuất quy mô lớn dựa trên lợi thế của thiết bị công nghiệp và là mắt xích sản xuất trong chuỗi cung ứng với tốc độ tăng trưởng kinh doanh cao hơn mức tăng của nhu cầu dệt may thế giới từ 3 – 5%/năm.
Trong chiến dịch đó, một cuộc cách mạnh mới đang lên ngôi – “xanh hoá” ngành dệt may. Bởi, dệt may là ngành lớn thứ hai trong thị trường thương mại toàn cầu, theo các chuyên gia kinh tế thì thị trường ước đạt 1.230 tỷ USD vào năm 2024. Tuy nhiên, dệt may cũng là ngành bị đánh giá là ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Mặt khác, những năm gần đây, thời trang nhanh phát triển tạo ra xu hướng sử dụng hàng dệt may trong thời gian ngắn hơn trước, vứt bỏ nhiều hơn. Trên khắp thế giới, cứ mỗi giây lại có một xe tải chở hàng dệt may được chôn lấp hoặc đốt. Sản lượng dệt may toàn cầu tăng gần gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2015 và mức tiêu thụ quần áo và giày dép dự kiến sẽ tăng 63% vào năm 2030.
Do đó, “xanh hoá” ngành không chỉ là xu hướng mà còn là con đường bắt buộc mọi quốc gia phải đi qua, kể cả Việt Nam. Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã có những quy định liên quan đến việc đảm bảo tính bền vững, tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh hàng may mặc.
Đi đầu là châu Âu với “Thỏa thuận xanh” cùng hàng loạt những quy định về chuỗi cung ứng và tuân thủ báo cáo phát triển bền vững đã được đưa ra, dự có hiệu lực áp dụng trong 1-2 năm tới. Châu Âu cũng chính là thị trường tiêu thụ sản phẩm dệt may lớn nhất thế giới.
Tại Việt Nam, Vinatex cho biết đã xây dựng chiến lược phát triển dài hạn với mục tiêu đến năm 2030 trở thành một điểm đến trọn gói cho sản phẩm thời trang xanh, Tập đoàn đã và đang tăng cường thực hiện các giải pháp như: đầu tư cho sản xuất, ổn định và chủ động nguồn nguyên liệu; đẩy mạnh công tác phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu thời trang trên thị trường; tuân thủ quy định của các thị trường xuất khẩu chính đối với khía cạnh môi trường và trách nhiệm xã hội.
Vinatex cũng tập trung vào ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm giảm sử dụng năng lượng, giảm phát thải, giảm sử dụng lao động, tăng năng suất và chất lượng; sản xuất xanh, xây dựng hệ thống sản xuất và kinh doanh tuần hoàn...