Giữa đại dịch Covid-19 vẫn gọi được vốn hơn 1 triệu USD, startup eDoctor tham vọng trở thành "trợ lý sức khỏe" của người dân Việt Nam

25/05/2020 14:00 PM | Kinh doanh

Theo Co-founder Huỳnh Phước Thọ, với những tiến bộ của công nghệ và kinh nghiệm mà eDoctor tích lũy suốt hơn 6 năm; hiện việc khám bệnh từ xa/khám tổng quát tại nhà là hoàn toàn khả thi – hiệu quả. Những thành quả của những mô hình tương tự khiến họ rất tự tin vào thành công của mình.

Vào cuối tháng 3/2020, eDoctor đã nhận được rất nhiều sự quan tâm trong giới khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam, khi thông tin họ nhận được hơn 1 triệu USD từ 4 quỹ đầu tư quốc tế là CyberAgent Ventures, Genesia Ventures (Nhật Bản), Bon Angels và Nextrans (Hàn Quốc) được giới truyền thông lan truyền. Có thể, 1 triệu USD không phải là số tiền lớn mà một startup công nghệ Việt huy động được, nhưng trong thời buổi dịch bệnh Covid-19, thì đó lại là con số mơ ước của nhiều người.

Vậy tại sao eDoctor lại được giới đầu tư ưu ái như thế? Thông qua buổi trò chuyện của với Huỳnh Phước Thọ - Co-Founder kiêm Phó Giám đốc của startup này, theo chúng tôi, có 3 nguyên do chính sau: Đầu tiên, mô hình như của eDoctor đã có những bước phát triển thành công trên thế giới; thứ hai, ekip của doanh nghiệp này biết cách địa phương hóa để phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam; thứ ba, eDoctor có một ekip ‘xịn xò’ về công nghệ cũng như chuyên môn.

Khởi đầu không suôn sẻ với mô hình tư vấn từ xa


Hiện tại, 2 trong những dịch vụ nổi bật nhất của eDoctor chính là lấy mẫu xét nghiệm tại nhà rồi khách hàng có thể xem kết quả xét nghiệm trên ứng dụng eDoctor và đặt lịch khám tại các phòng khám hoặc bệnh viện được liên kết. Tuy nhiên, đây không phải những ý tưởng kinh doanh đầu tiên của đội ngũ các founder của eDoctor.

"eDoctor được thành lập và hoạt động từ cuối năm 2014, cung cấp dịch vụ tư vấn khám chữa bệnh qua tổng đài điện thoại, rồi sau đó thực hiện qua ứng dụng trên di động, đây cũng là một trong những startup tiên phong cung cấp dịch vụ Telemedicine tại Việt Nam.

Tuy nhiên việc thiếu hụt nguồn lực chuyên môn do không có đủ bác sĩ, cũng như nhiều hạn chế về mặt công nghệ hỗ trợ khiến cho startup gặp khó khăn trong việc hoàn thiện mô hình kinh doanh, cũng như duy trì xuyên suốt dịch vụ", Huỳnh Phước Thọ cho biết.

Giữa đại dịch Covid-19 vẫn gọi được vốn hơn 1 triệu USD, startup eDoctor tham vọng trở thành trợ lý sức khỏe của người dân Việt Nam - Ảnh 1.

Các founder và thành viên trong Ban giám đốc.

Nhận thấy vẫn còn quá sớm để có thể triển khai thành công mô hình khám chữa bệnh từ xa, team eDoctor liền chuyển sang thử nghiệm - xây dựng 2 ý tưởng khác là lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và đặt lịch khám online như chúng ta đã đề cập ở trên.

Sau 6 năm phát triển, nền tảng công nghệ eDoctor đang cung cấp 4 dịch vụ cơ bản: các gói xét nghiệm và tầm soát bệnh tật lấy mẫu tại nhà, đặt lịch khám tại các phòng khám hoặc bệnh viện trên 6 tỉnh/ thành phố, giải pháp khám và chăm sóc sức khỏe cho cán bộ nhân viên các doanh nghiệp, dịch vụ chăm sóc tại nhà. Kèm theo đó là mạng lưới các bác sĩ được kết nối qua ứng dụng di động, có thể tư vấn cho người dùng 24/24 các vấn đề liên quan đến sức khỏe.

Khi được hỏi, vì sao khách hàng phải đặt lịch khám qua eDoctor mà không đặt lịch trực tiếp qua phòng khám, Thọ cho rằng: "Khi đặt lịch khám qua eDoctor, ngoài không phải chờ đợi như bình thường, thì khách hàng sẽ được hưởng dịch vụ tốt mà phòng khám đã cam kết với eDoctor; quan trọng nữa, các kết quả khám chữa bệnh đều được số hóa và lưu trữ trên nền tảng của eDoctor, tạo sự tiện lợi trong việc lưu trữ, quản lý và sử dụng sau này".

Là một startup công nghệ trong lĩnh vực y tế còn nhiều khó khăn, eDoctor cũng đã từng chật vật trong việc xây dựng niềm tin và tìm kiếm khách hàng. Trong chương trình Shark Tank 2019, không ngạc nhiên khi eDoctor tiết lộ: dù doanh thu 6 tháng đầu năm của họ vào khoảng 10 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp vẫn đang chịu lỗ vì chi phí cho marketing chiếm đến 25% doanh thu.

Sau Covid-19, eDoctor sẽ đẩy mạnh hoạt động Telemedicine và Dịch vụ y tế tại nhà


Bên cạnh đó, những tưởng, là doanh nghiệp làm trong lĩnh vực y tế, eDoctor sẽ hưởng lợi lớn trong mùa Covid-19, nhưng theo Huỳnh Phước Thọ thì điều đó không hẳn là chính xác. Do nhiều đối tác là phòng khám của eDoctor phải tạm dừng hoặc thu hẹp hoạt động trong thời gian cao điểm chống dịch, khiến việc đặt khám thông qua nền tảng eDoctor bị tạm dừng.

Tuy nhiên, bù lại cho việc suy giảm các hoạt động offline trong thời gian dịch Covid-19, eDoctor đã nhận được gấp 3 lần các yêu cầu dịch vụ tư vấn thông qua ứng dụng di động, cũng như tăng trưởng đến 200% số lượt người sử dụng ứng dụng eDoctor.

Giữa đại dịch Covid-19 vẫn gọi được vốn hơn 1 triệu USD, startup eDoctor tham vọng trở thành trợ lý sức khỏe của người dân Việt Nam - Ảnh 2.

Dịch vụ xét nghiệm tại nhà của eDoctor.

"Dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc ứng dụng nhiều công nghệ hơn trong lĩnh vực y tế và tôi nghĩ đây là thời điểm đúng để việc khám chữa bệnh từ xa hay Telemedicine hoặc các dịch vụ y tế tại nhà theo nguyên lý y học gia đình được phát triển rộng rãi.

Hiện tại, sự phát triển của công nghệ đã khiến cho việc khám chữa bệnh từ xa, hoặc tại nhà trở nên dễ dàng hơn; mặc dù, việc khám chữa bệnh từ xa qua video call cũng chỉ có thể giới hạn ở những bệnh nhẹ, bệnh thường gặp hoặc theo dõi các bệnh mãn tính như trước đây.

Chất lượng và độ phân giải của camera ngày một cao, các thiết bị y tế trở nên nhỏ gọn, dễ sử dụng cho cả người bệnh lẫn nhân viên y y tế với phần mềm tích hợp vào mobile là những lực đẩy quan trọng cho các dịch vụ y tế từ xa hoặc tại nhà", Co-Founder này nhận định.

eDoctor đã và đang nâng cấp chức năng phòng khám trực tuyến trên ứng dụng di động, tích hợp nhiều công nghệ hỗ trợ người dùng và bác sĩ, như việc kết nối với thiết bị đo các chỉ số nhịp tim, huyết áp, điện tim,…cùng với việc xét nghiệm tại nhà, kết nối hồ sơ bệnh án điện tử. Đồng hành cũng eDoctor sẽ là đội ngũ gần 1.000 bác sĩ và điều dưỡng viên đã cộng tác cùng họ trong suốt 6 năm qua.

Một khi đã hoàn thiện được hệ sinh thái trong lĩnh vực y tế đồng nghĩa với phân chia lại nguồn lực một cách hợp lý, eDoctor tin là mình có thể góp phần xóa bỏ cảnh quá tải đang xảy ra hàng ngày ở các bệnh viện lớn tại các thành phố quan trọng khắp Việt Nam. Đồng thời có thể trở thành trợ lý chăm sóc sức khỏe toàn diện ‘tận răng’ cho bất cứ người dân Việt Nam nào đó tận nhà, nâng cao chất lượng cuộc sống cho toàn dân.

Con cưng của giới khởi nghiệp quốc tế và Việt Nam


Chia sẻ về việc lên Shark Tank 2019 để kêu gọi vốn, Huỳnh Phước Thọ tiết lộ, không phải eDoctor đã hết tiền nên mới đi kêu gọi vốn, mà bởi họ muốn tăng tốc để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam vì thấy một vài startup cùng mô hình trong Đông Nam Á đang lăm le làm điều đó.

"Thật ra chúng tôi không phải là startup chỉ biết đốt tiền, nếu thế thì không phải sau 6 năm chúng tôi mới đi gọi vốn đầu tư mà sẽ gọi vốn ngay từ những năm đầu. Đội ngũ founder của eDoctor đã xác định tinh thần đầu tư lâu dài khi phát triển trong lĩnh vực này, vì y tế là nơi cần thời gian để gây dựng niềm tin và cải thiện chất lượng.

Làm startup trong lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu như ngành y tế, chúng tôi buộc phải luôn học hỏi, tích lũy và không ngừng tìm kiếm nhân sự có thể thấu hiểu và làm cầu nối giữa chuyên môn y khoa và công nghệ", Huỳnh Phước Thọ trần tình về việc bị các Shark nhận định eDoctor là ‘startup đang đốt tiền’.

Giữa đại dịch Covid-19 vẫn gọi được vốn hơn 1 triệu USD, startup eDoctor tham vọng trở thành trợ lý sức khỏe của người dân Việt Nam - Ảnh 3.

Website của eDoctor.

Nguyên do khiến eDoctor được nhiều nhà đầu tư uy tín hay Facebook (tài trợ 80.000 USD năm 2016) và Google (tài trợ 50.000 USD năm 2017) để mắt đến là bởi họ có một đội ngũ ‘xịn xò’. Đó là Vũ Thanh Long và Đặng Công Nguyên – 2 gương mặt lão luyện trong làng công nghệ Việt Nam, là Huỳnh Phước Thọ - Tiến sĩ ngành Vi sinh từ Singapore,…

Tuy nhiên, đây vừa là điểm mạnh vừa là điểm yếu của họ, bởi trong một tổ chức nếu có nhiều cá tính và cái tôi lớn quá lại không tốt. Cơ cấu cổ đông và quản lý doanh nghiệp là 2 vấn đề mà Shark Dzung đã đề cập khá nhiều trong buổi pitching trên Shark Tank 2019.

Thêm nguyên do nữa giúp eDoctor chiếm được lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước là đã có những mô hình tương tự mà eDoctor hướng tới đã thành công ở châu Á, ví dụ như tại Trung Quốc và Indonesia.

Tại Trung Quốc, WeDoctor và Ping An Heathcare đang là 2 ‘kỳ lân’ của giới khởi nghiệp y tế - công nghệ. WeDoctor – được Tencent thành lập vào năm 2010, hiện có 210 triệu người dùng ở Trung Quốc – liên kết với 3.200 bệnh viện và 360.000 bác sĩ. WeDoctor đang có kế hoạch IPO vào thời gian tới và họ đã kêu gọi được khoảng 500 triệu USD tiền đầu tư từ các quỹ khác nhau. Hiện WeDoctor được định giá khoảng 5,5 tỷ USD. Còn Ping An Heathcare đã thu về tầm 1,1 tỷ USD từ việc IPO vào năm 2018.

Tại Indonesia, Alodokter – thành lập năm 2014, đã thành công kêu gọi 33 triệu USD vốn đầu tư từ các vòng gọi vốn Serie C. Hiện startup này có 20 triệu lượng truy cập 1 tháng, cùng mạng lưới 20.000 bác sĩ và 1.000 bệnh viện.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM