“Giữ” được công nhân tại nhà máy: Chống sụp đổ mô hình “3 tại chỗ”

07/08/2021 10:50 AM | Kinh doanh

Vào ngày 28 tháng 7 vừa qua, Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) đã tổ chức hội thảo cho các thành viên để chia sẻ kinh nghiệm về mô hình 3 tại chỗ. Trong đó, các vấn đề xoay quanh người lao động tại các nhà máy luôn được nhấn mạnh để giúp duy trì mô hình “3 tại chỗ”.

Mô hình “3 tại chỗ” cho phép doanh nghiệp duy trì sản xuất  để hoàn thành các đơn hàng và không làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất. Tuy nhiên, mô hình này đang vấp phải nhiều hạn chế. Doanh nghiệp cần có nguồn lực tài chính, năng lực logistics để sắp xếp chỗ ăn, ngủ, nghỉ cho công nhân và đảm bảo việc ra vào của hàng hóa trong điều kiện nhà máy “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Trong điều kiện như vậy, nhằm duy trì được mô hình này, những người chủ doanh nghiệp cũng cần đứng từ góc nhìn của những người lao động để đảm bảo quyền lợi của họ. Mặt khác, điều đó cũng giúp mô hình này tránh được “sụp đổ” khi mà người lao động cảm thấy thỏa mãn với điều kiện sinh hoạt. 

“3 tại chỗ” nhưng vẫn đảm bảo tính tự do, quyền lợi cho người lao động 

Các nhà máy cần cho phép công nhân tự do và tình nguyện đồng ý tham gia vào mô hình “3 tại chỗ” - ăn, ngủ, nghỉ tại xưởng. Theo Luật Lao động Quốc tế, việc hạn chế quyền tự do di chuyển của người lao động chỉ được áp dụng để đối phó với hoàn cảnh đặc biệt trong trường hợp xảy ra khủng hoảng cấp tính và phải được giới hạn về thời gian, áp dụng chặt chẽ và phù hợp với điều kiện khách quan. 

Trong trường hợp như hiện nay, việc đối thoại và tham vấn thường xuyên giữa cấp quản lý, người lao động và đại diện của công đoàn là vô cùng cần thiết. Các chủ đề thảo luận có thể bao gồm tình hình kinh doanh, điều kiện làm việc, rủi ro sức khỏe, tiền lương và tiền thưởng, điều kiện tại chỗ  và hỗ trợ y tế, kế hoạch ăn uống và những khó khăn có thể phát sinh trong “3 tại chỗ”. Người lao động cần được thông báo hàng ngày về các diễn biến mới nhất hàng ngày cũng như được lắng nghe tâm tư nguyện vọng vào bất cứ thời điểm nào. 

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA), một số công nhân trong các nhà máy tại đây đã chủ động đề nghị chấm dứt việc lưu trú tại doanh nghiệp. 

Dù đã tình nguyện tham gia vào mô hình “3 tại chỗ”, song một số công nhân vì nhiều lý do khách quan cần phải dời nhà máy.  Các chủ doanh nghiệp nên tính trước  những trường hợp như vậy và có những cách thức hỗ trợ người lao động, chẳng hạn như thu xếp công tác di chuyển từ nhà máy. Doanh nghiệp có thể từ chối công nhân không đảm bảo việc test COVID-19 vào lại xưởng nhưng phải cho phép bất kỳ nhân viên nào rời khỏi xưởng nếu họ muốn.

Đối với các công nhân cần phải chăm sóc cho gia đình, mô hình “3 tại chỗ” vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, những hỗ trợ từ phía doanh nghiệp cần được cải thiện như đảm bảo duy trì liên lạc với gia đình, hay các chính sách hỗ trợ gia đình các công nhân trong thời gian này. Ngoài ra, các công nhân cũng cần được cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng và các phương tiện giải trí. 

Duy trì các điều kiện an toàn và sức khỏe cho người lao động

Nhiều cơ sở nhà máy theo “3 tại chỗ” không được xây dựng để cho công nhân lưu trú lâu dài. Chủ doanh nghiệp có nghĩa vụ đảm bảo chỗ ở của công nhân trong thời gian “3 tại chỗ” an toàn và không có rủi ro về sức khỏe. Việc các công nhân dành toàn thời gian sinh hoạt tại nhà máy đồng nghĩa với việc rủi ro trong lao động cũng tăng cao hơn. 

Chính vì vậy, doanh nghiệp cần có những điều chỉnh thích hợp để đảm bảo an toàn cho họ. Chỗ làm việc cũng cần được cải tạo để phòng ngừa rủi ro và đảm bảo an toàn lao động với sự tham gia của đại người lao động hoặc các ủy ban An toàn và vệ sinh lao động. 

Ngoài ra, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến sức khỏe tinh thần của người lao động. 

Trong điều kiện sinh hoạt toàn thời gian tại nhà máy, người lao động cũng có thể gặp vấn đề về tâm lý dẫn đến mất cảnh giác trong đảm bảo an toàn lao động. Cũng cần chú ý đảm bảo tổ chức công việc đúng giờ làm việc và nghỉ ngơi theo quy định của Bộ luật lao động.

Duy trì “3 tại chỗ” đòi hỏi sự hỗ trợ kịp thời và đầy đủ  từ cơ sở y tế trong việc xét nghiệm, cách ly, vận chuyển và điều trị cho các ca bị nhiễm. Sự sẵn sàng và năng lực của các dịch vụ y tế địa phương là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”. Từ đó có thể áp dụng triệt để việc phân loại các vùng theo màu “xanh, đỏ, vàng” để đảm bảo hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong chính các nhà máy. 

Đặng Sơn

Cùng chuyên mục
XEM