Giới trung lưu Việt ngày càng giàu hơn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa Việt Nam vượt xa Thái Lan, Anh và Đức vào 2030
“Thu nhập và tài sản ngày càng gia tăng của tầng lớp trung lưu Việt ngày càng củng cố những nỗ lực tiến sâu hơn vào thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam. Trong khi các công ty đa quốc gia phương Tây đang vật lộn với những thách thức từ kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị, đây có thể là thời điểm thuận lợi để Việt Nam tập trung nỗ lực thu hút thêm nữa các dòng vốn FDI trong khu vực nội khối châu Á”, sếp HSBC Việt Nam gợi ý.
Thị trường tiêu thụ nội địa của Việt Nam là một đấu trường quan trọng đối với các công ty đa quốc gia khi tiến vào thị trường này, ông Joonsuk Park - Giám đốc Khối Kinh doanh Quốc tế, Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp HSBC Việt Nam - chia sẻ.
Nghiên cứu của HSBC cho thấy đến năm 2030, thị trường tiêu dùng nội địa của Việt Nam sẽ vượt xa các thị trường Thái Lan, Anh và Đức.
Theo ông Joonsuk, Việt Nam hiện đã thành công trở thành một thị trường cận biên hàng đầu tại châu Á và là một nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu. Các công ty đa quốc gia cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có đặc quyền được tự do tiếp cận 15 trong số các thị trường nhóm G20.
Chính phủ Việt Nam đã tích cực tìm cách tận dụng các Hiệp định tự do thương mại (FTA) như một công cụ quan trọng tạo nền tảng thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu của đất nước. Việt Nam hiện có 15 FTA và nhiều hiệp định khu vực bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Những nỗ lực thậm chí còn rõ nét hơn khi Việt Nam, ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đã cam kết và kiên trì thực hiện các FTA quan trọng bao gồm Hiệp định tự do thương mại Anh - Việt Nam, RCEP và CPTPP.
Ông Joonsuk cho biết, phần lớn các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam là các công ty trong nội khối châu Á. Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam bao gồm điện thoại di động, hàng điện tử, máy móc nói chung, hàng may mặc, giày dép, sản phẩm gỗ,… và đối với tất cả các lĩnh vực này, các công ty đa quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore đóng vai trò không thể thiếu.
"Việc thu hút các doanh nghiệp đa quốc gia trong nội khối châu Á cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam không chỉ nâng tầm giá trị gia tăng của các sản phẩm xuất khẩu, mà đồng thời có lợi cho việc mở rộng cả chiều sâu và chiều rộng của thị trường tiêu thụ nội địa", ông Joonsuk nói thêm.
Hiện tượng các khoản đầu tư vào Việt Nam giảm nhẹ trong năm 2022 so với cùng kỳ, lãnh đạo HSBC Việt Nam cho rằng Covid đã khiến nhiều công ty đa quốc gia trên toàn cầu trì hoãn các quyết định đầu tư, trong khi việc sớm mở cửa đất nước vào cuối năm 2021 ngay lập tức chưa thể thu hút dòng vốn FDI trở lại.
"Việc lập kế hoạch và quyết định đầu tư đơn giản là cần có thời gian, chưa kể đến việc Việt Nam cũng đã trở nên chọn lọc hơn khi nhắm đến các khoản đầu tư có giá trị gia tăng cao hơn, chứ không hoàn toàn dễ dàng như trước đây", ông Joonsuk nói.
Dẫu vậy, quan điểm trung và dài hạn của các công ty về Việt Nam vẫn vững chắc. Nhiều nhà đầu tư FDI hiện tại và tiềm năng đều có cùng quan điểm rằng Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ có hệ sinh thái sản xuất đã được thiết lập, chi phí cạnh tranh, số lượng công nhân lành nghề ngày càng tăng, sự hỗ trợ pháp lý tiến bộ, tài sản và thu nhập của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, cũng như lợi thế từ việc tận dụng chiến lược Trung Quốc+1.
HSBC dự đoán rằng GDP Việt Nam sẽ tăng 5,8% vào năm 2023. Việc thu hút trở lại dòng vốn FDI vào thị trường Việt Nam có tầm quan trọng thiết yếu đối với cả tăng trưởng xuất khẩu và thị trường tiêu thụ nội địa.
Bên cạnh đó, thu nhập và tài sản ngày càng gia tăng của tầng lớp trung lưu Việt ngày càng củng cố những nỗ lực tiến sâu hơn vào thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam. Trong khi các công ty đa quốc gia phương Tây đang vật lộn với những thách thức từ kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị, đây có thể là thời điểm thuận lợi để Việt Nam tập trung nỗ lực thu hút thêm nữa các dòng vốn FDI trong khu vực nội khối châu Á.
Có nhiều biện pháp có thể được áp dụng để tăng cường dòng vốn FDI và chính phủ cũng hiện đang có nhiều nỗ lực để tiến hành. Nhiệm vụ lúc này là phải tăng tốc gấp đôi tốc độ tiến hành để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào các khung pháp lý. Việt Nam rõ ràng đang trên hành trình chuyển đổi để trở thành một thị trường mới nổi. Đầu tư FDI tích cực sẽ hỗ trợ đẩy nhanh hành trình đó.
"May mắn thay, chỉ số PMI tháng 2 vừa qua đã quay trở lại mức 50, báo hiệu sự hồi phục của những đơn đặt hàng xuất khẩu mới", Giám đốc Khối Kinh doanh Quốc tế, Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp HSBC Việt Nam chia sẻ.