Giới trẻ phát sốt với ảnh chụp chân dung chuyên nghiệp do AI tạo ra: "Đẹp như chụp ở studio"
Chỉ cần một vài tấm ảnh selfie, AI sẽ tự động tạo ra các ảnh chụp chân dung với chất lượng ảnh ngang ngửa với ảnh chụp bởi nhiếp ảnh gia con người.
Miaoya, hay Vịt tuyệt vời, là một trong những ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phổ biến nhất trên siêu ứng dụng xã hội WeChat của Tencent tại Trung Quốc hiện nay.
Nó cho phép người dùng tải lên một ảnh chụp khuôn mặt cùng một album ảnh tối thiểu gồm 20 hình mới được chụp gần đây. Sau đó, ứng dụng này sẽ sử dụng AI để xử lý thành một bộ ảnh chân dung cách điệu, bao gồm ảnh ID tiêu chuẩn và ảnh chân dung chuyên nghiệp.
Để có được ảnh chân dung này, người dùng chỉ cần bỏ ra một khoản tiền là 9,9 nhân dân tệ, tương đương 1,4 USD. Nhà phát triển của Miaoya là một công ty ít được biết đến với tên gọi là Weixu Internet Technology. Ứng dụng này nổi tiếng đến mức kể từ khi được tung ra vào ngày 17/7 vừa qua, một số người dùng đã chấp nhận đợi hơn 24 giờ để có được bức chân dung của họ khi máy chủ của Miaoya rơi vào tình trạng quá tải.
Zhang Yichang, sống ở tỉnh Chiết Giang, cho biết cô đã sử dụng Miaoya để tải lên 20 bức ảnh của chính mình. Cô tỏ ra ấn tượng với kết quả đầu ra của Miaoya.
“Tôi nghĩ rằng kết quả rất gần với ảnh được chụp bởi studio”, cô cho biết.
Không chỉ riêng Miaoya , 45ai, một ứng dụng xử lý ảnh bằng AI đơn giản khác cũng tạo ra lượng truy cập khổng lồ sau khi ra mắt vào tuần trước tại Trung Quốc. Một trong những kiểu ảnh mà ứng dụng này cung cấp dựa trên Barbie, nhân vật tưởng tượng được miêu tả trong bộ phim hài giả tưởng ăn khách cùng tên vừa ùa ra mắt gần đây.
Trong một bài đăng trên nền tảng thương mại điện tử xã hội của Trung Quốc - Xiaohongshu vào ngày 25/7, 45ai cho biết họ đang gặp một số vấn đề kỹ thuật do lưu lượng truy cập quá cao và đưa ra một số giải pháp cho người dùng.
Ứng dụng xử lý ảnh bằng AI tạo cơn sốt mới trên toàn cầu
Không chỉ riêng tại Trung Quốc, các ứng dụng xử lý ảnh bằng AI tạo sinh khác cũng đang gây sốt toàn cầu, đơn cử như ứng dụng mang tên Remini, vốn có thể biến những bức ảnh selfie trên smartphone thành những bức ảnh chân dung chuyên nghiệp.
Ứng dụng này thậm chí đã truất ngôi ứng dụng Threads của Meta và vươn lên vị trí số một tại Mỹ trên bảng xếp hạng App Store của Apple. Ra mắt vào năm 2019, Remini có khả năng tăng cường độ rõ nét của ảnh, chẳng hạn như làm cho hình ảnh mờ trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, vào năm 2022, ứng dụng này đã bổ sung thêm tính năng ứng dụng AI tạo sinh. Mặc dù Remini được tải xuống miễn phí, nhưng ứng dụng này cũng yêu cầu người dùng đăng ký để có quyền truy cập vào tất cả các tính năng.
Theo đó, người dùng bắt đầu bằng cách tải lên 8 đến 12 ảnh của chính họ và chọn giới tính của họ. Sau đó, họ chọn một “hình ảnh mẫu” bắt chước phong cách và bố cục mà họ muốn — với các danh mục từ “thông thường” và “hợp thời trang” đến “du lịch” và “phong cách công sở”.
Danh mục “phong cách công sở” các người mẫu trong trang phục công sở và tạo ra những bức ảnh chụp chân dung chuyên nghiệp. Sau đó, có một chức năng vuốt cho phép người dùng Remini chọn lựa các hình ảnh yêu thích nhất của họ.
Đáng nói, ứng dụng AI này hoạt động hiệu quả tới mức, nhiều người dùng GenZ thậm chí đã đặt câu hỏi: Tại sao phải trả tiền để thuê một nhiếp ảnh gia, khi AI đã làm tốt ngang ngửa? Theo đó, hashtag #Remini hiện có hơn 1,4 tỷ lượt xem trên TikTok với những người sáng tạo nội dung đặt câu hỏi tại sao họ nên “trả tiền cho những bức ảnh chụp cận cảnh trong khi AI thực hiện chúng miễn phí?”
Tuy nhiên, không phải người dùng nào cũng ấn tượng với chất lượng mà các ứng dụng xử lý ảnh bằng AI này đem lại. Trong khi các bức ảnh chụp chân dung bằng AI khá ấn tượng, một số hình ảnh có khiếm khuyết về hình thể. Chẳng hạn, công nghệ AI hiện tại vẫn chưa giải quyết dứt điểm các lỗi như bàn tay có quá nhiều hoặc quá ít ngón tay.
Trong khi đó, một số người dùng khác hoặc không thực sự hài lòng với chất lượng ảnh đầu ra của các ứng dụng AI như Miaoya hay 45ai, hoặc cho rằng các bức ảnh quá ‘ảo’ và thiếu thực tế.
“Tôi đã chi 1,4 USD và đợi trong 11 giờ, tuy nhiên Miaoya lại tạo hình ảnh đầu ra tập trung nhiều vào phần mỡ phình ra trên áo ngực của tôi ở cánh tay phải, xương đòn không đối xứng và một bên mí mắt cao và một bên thấp,” một người dùng Xiaohongshu viết trong một bài đánh giá ứng dụng Miaoya.
Lucy Liu, 27 tuổi, cư dân Thượng Hải, đã thử chụp ảnh theo phong cách Barbie của ứng dụng 45ai sau khi bạn của cô gửi mã mời. Sau hơn 24 giờ chờ đợi, cô không hài lòng với kết quả.
“Tôi gần như không thể nhận ra mình nữa. Tôi có cảm giác rằng mình đang nhìn ảnh của người khác. Tôi thích những bức ảnh sống động và gần gũi với cuộc sống. Tôi không cần một bức ảnh trông giả tạo,” cô nói.
Tham khảo Insider / SCMP