Một bộ phận giới trẻ Hàn Quốc khốn cùng sau đại dịch Covid-19, tìm đủ mọi cách sinh tồn kể cả thử nghiệm thuốc
Khi những cơ hội việc làm dập tắt trong mùa dịch, tầng lớp đáy xã hội Hàn hướng tới "việc nhẹ lương cao" bằng cách chấp nhận những viên thuốc hay mũi tiêm còn đang thử nghiệm.
Cô Lee Ho Jung là một phụ nữ trẻ 23 tuổi thuộc tầng lớp đáy xã hội điển hình của Hàn Quốc. Tiền phí dịch vụ điện thoại sắp đến hạn trả trong khi chi phí điều trị bệnh da liễu vô cùng đắt đỏ khiến cô Lee phải cố gắng xoay sở hàng tháng. Hạn mức tín dụng của cô đã hết với hàng loạt những khoản trả góp.
Tài khoản của cô Lee chỉ còn có 50.000 Won, tương đương 45 USD.
Thông thường những người trẻ như cô Lee vẫn có thể sống sót được nhờ công việc bán thời gian như rửa bát đĩa, phục vụ quán bar hay siêu thị. Thế nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến tất cả những cơ hội sinh tồn này dập tắt. Không riêng gì cô Lee, rất nhiều bạn trẻ Hàn nằm ở dưới đáy xã hội đã bị cắt đứt nguồn thu nhập vì đại dịch và lâm vào cảnh khốn cùng.
Không còn lựa chọn, cô Lee đã chấp nhận công việc thử nghiệm thuốc, vốn đang là xu thế bùng nổ cho những người nghèo ở Hàn khi họ không còn đường kiếm sống.
"Mỗi khi túng thiếu tôi lại nhận làm người thử thuốc cho các cuộc nghiên cứu. Công việc này giúp tôi kiếm được khá nhiều tiền trong thời buổi khó khăn", cô Lee thừa nhận khi được trả 400 USD cho một thử nghiệm thuốc trị viêm da trong 12 tháng qua.
Bản thân cô cũng cho biết đã đăng ký tham gia thử nghiệm giai đoạn 2 với số tiền hơn 1.500 USD, nhưng đại dịch đã khiến chương trình bị tạm hoãn.
Trên thế giới, việc nhiều người chấp nhận trở thành "chuột bạch" nhằm kiếm tiền đã chẳng có gì mới. Tại Hàn Quốc, việc tiêm vào người hay nuốt những viên thuốc đang thử nghiệm đã trở thành cơ hội kiếm sống còn sót lại với giới sinh viên nghèo hay những bạn trẻ thất nghiệp nằm dưới đáy xã hội. Việc nhẹ lương cao này chẳng đòi hỏi bằng cấp, không quá khó khăn và thu nhập thì hơn hẳn nghề rửa bát thuê hay làm ở quán bar.
Dù biết đang đánh bạc với mạng sống nhưng những người nghèo tại Hàn Quốc chẳng còn mấy lựa chọn. Nền kinh tế Hàn Quốc dù dần khôi phục sau đại dịch nhưng những người trẻ nghèo khó lại nằm ngoài sự phục hồi này. Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Hàn đang xoay quanh mức 7%, cho thấy một bộ phận rất lớn thanh thiếu niên Hàn Quốc thất nghiệp và khốn cùng.
"Bạn chỉ việc nằm đó 3 ngày 2 đêm và đợi lấy máu. Bạn có thể thoải mái chơi điện thoại và vẫn kiếm được tiền. Phần lớn những người muốn công việc này là người thất nghiệp hoặc đang cần tiền gấp. Dù cố bỏ nhưng họ cuối cùng vẫn sẽ quay lại thử nghiệm tiếp để kiếm tiền", Bác sĩ Jeong Hyung Jun của Liên đoàn các tổ chức hoạt động y tế vì quyền lợi sức khỏe Hàn Quốc nhấn mạnh.
Dạo quanh các khu nhà ga hay những trang web tuyển dụng việc làm của Hàn Quốc, các tờ rơi về "việc nhẹ lương cao" thí nghiệm thuốc xuất hiện nhan nhản. Chúng đều hứa hẹn thanh toán số tiền kha khá trong thời gian ngắn mà không cần bằng cấp hay trình độ gì, một điều quá hấp dẫn với những bạn trẻ Hàn đang khốn khó.
Tất cả vì sinh tồn
Anh Park Hyo Seo, một thanh niên 23 tuổi vừa mới kết thúc nghĩa vụ quân sự đang tìm kiếm việc làm thêm. Ban đầu anh nhắm đến công việc thu ngân của một cửa hàng nhưng chúng có đến 30 ứng cử viên cạnh tranh, dù đây là công việc bán thời gian. Thế rồi anh nhìn thấy tờ quảng cáo "việc nhẹ lương cao" với khoảng 2.650 USD thanh toán nếu chịu làm chuột bạch thí nghiệm. Không chần chừ gì hất, anh Park chấp nhận ngay.
Số tiền trên mà anh Park kiếm được từ làm chuột bạch thí nghiệm còn cao hơn cả mức lương hàng tháng trông coi kho hàng anh từng làm trước đó, vốn chỉ vào khoảng 1.700 USD.
Ban đầu anh Park khá lo lắng khi phải tiêm thuốc trong 9 ngày rồi bị rút máu hàng ngày, thế nhưng với số tiền kiếm được, anh chấp nhận rủi ro này. Thậm chí anh đã phải nói dối gia đình rằng mình đi lên thành phố một thời gian để làm việc.
Một trường hợp khác là anh Kim Tea Kang nay đã 36 tuổi nhưng có kinh nghiệm kiếm tiền nhờ làm chuột bạch từ thời sinh viên. Trong suốt quãng thời gian đại học, anh Kim đã tham gia 5 cuộc thí nghiệm và vẫn tiếp tục cho đến tận bây giờ.
"Tiền học phí quá đắt đỏ và tôi chẳng còn lựa chọn nào khác", anh Kim giải thích khi cho biết mình nhận được 500-700 USD cho mỗi lần làm "chuột bạch".
Giáo sư Kim Nam Hee của trường đại học luật quốc gia Seoul đề ra nghi vấn về tính đạo đức của những thí nghiệm này khi cho biết những người chịu làm vật thí nghiệm sẽ chịu mọi rủi ro còn các công ty dược phẩm nhận lấy mọi lợi ích.
Dẫu vậy, giới trẻ dưới đáy xã hội Hàn thì chẳng quan tâm đến điều đó với hàng đống hóa đơn phải thanh toán hàng tháng.
"Chuyện này chẳng khác gì mọi người hy sinh sức khỏe bản thân để đổi lấy tiền vậy", anh Park thừa nhận.