Giới đầu Mỹ tư hoảng loạn sau “vụ sụp đổ Thế kỷ” của SVB

12/03/2023 21:39 PM | Kinh doanh

Nhiều người trong số những người gửi tiền tại SVB là những công ty mới thành lập và đang lo ngại sẽ không đủ khả năng trả lương trong tháng 3 này, dẫn tới 1 làn sóng phá sản hoặc sa thải rộng rãi trong lĩnh vực công nghệ.

Hàng loạt tên tuổi lớn ở Thung lũng Silicon và lĩnh vực tài chính đang kêu gọi Chính phủ Mỹ can thiệp sau “vụ sụp đổ Thế kỷ” của Ngân hàng Silicon Valley (SVB). Ngân hàng này đã bị cơ quan quản lý Mỹ buộc đóng cửa, sau khi khách hàng rút 42 tỷ USD, tương đương 25% tổng số tiền gửi của ngân hàng chỉ trong 1 ngày.

Theo Bloomberg, với khoảng 209 tỷ USD tài sản, Ngân hàng SVB đã trở thành ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ.

Nhà đầu tư mạo hiểm và từng là giám đốc điều hành công nghệ David Sacks, đã kêu gọi chính phủ liên bang thúc đẩy một ngân hàng khác mua tài sản của SVB, nhằm ngăn chặn khủng hoảng lây lan. Chia sẻ quan điểm này, nhà đầu tư Bill Ackman cho rằng, chính phủ không có nhiều thời gian để khắc phục một sai lầm “sắp không thể sửa chữa được nữa”.

Giới đầu Mỹ tư hoảng loạn sau “vụ sụp đổ Thế kỷ” của SVB - Ảnh 1.

Ngân hàng SVB buộc phải đóng cửa sau khi khách hàng rút 42 tỷ USD, tương đương 25% tổng số tiền gửi chỉ trong 1 ngày. Ảnh: CNN

Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã thông báo chi trả 250.000 USD cho mỗi người gửi tiền, và có thể bắt đầu thanh toán sớm nhất là vào đầu tuần tới. Tuy nhiên, đại đa số khách hàng của SVB là các DN có số tiền gửi tại ngân hàng nhiều hơn hạn mức này.

Tính đến tháng 12/2022, hơn 95% tiền gửi của ngân hàng không được bảo hiểm theo hồ sơ quy định. Nhiều người trong số những người gửi tiền này là những công ty mới thành lập và đang lo ngại sẽ không đủ khả năng trả lương trong tháng 3 này, dẫn tới 1 làn sóng phá sản hoặc sa thải rộng rãi trong lĩnh vực công nghệ.

Nhà phân tích Alexander Yokum tại Công ty nghiên cứu CFRA đánh giá, tại thời điểm này, SVB đang ở trong tình trạng khá tồi tệ. Việc mua lại dường như có thể xảy ra bởi vì SVB từng là một ngân hàng rất hấp dẫn và khách hàng của họ cũng vậy. Đó là một mô hình kinh doanh tuyệt vời.

“Nếu danh mục đầu tư chứng khoán của SVB được định vị khác đi một chút, nghĩa là không quá dài hạn, để trái phiếu không giảm nhiều thì họ sẽ ổn. Tuy nhiên bài học từ SVB cho thấy, bạn cần nhận thức rõ về danh mục đầu tư chứng khoán của mình và đảm bảo rằng bạn sẽ không bị rơi vào tình huống tồi tệ như vậy”, vị này đánh giá.

Nhiều ngân hàng đã tìm cách trấn an thị trường, bằng cách đưa ra tuyên bố nhấn mạnh sự khác biệt giữa họ và SVB về tài sản và cơ sở người gửi tiền. Trong một động thái trấn an, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngay ngày hôm qua đã gặp gỡ các quan chức của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED), Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ để thảo luận về SVB. Bà Cecilia Rouse, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng cho biết, Bộ trưởng Tài chính đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến của SVB.

“Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, hệ thống ngân hàng của Mỹ đang ở một vị trí khác về cơ bản so với một thập kỷ trước. Những cải cách được đưa ra sau đó thực sự mang lại khả năng phục hồi mà chúng ta mong muốn. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào các cơ quan quản lý của mình”, theo bà Cecilia Rouse.

Kể từ khi được thành lập cách đây 40 năm, SVB đã trở thành trung tâm tài chính trong ngành công nghệ, đặc biệt là đối với các công ty khởi nghiệp (Start-up) và các nhà đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên SVB đã phải đối mặt với các vấn đề về dòng tiền trong năm nay, khi nguồn tài chính khởi nghiệp cạn kiệt và tài sản của chính SVB bị khóa trong các trái phiếu dài hạn. Chưa đầy 18 tháng trước, SVB được định giá hơn 44 tỷ USD./.

Thu Hoài

Từ khóa:  svb
Cùng chuyên mục
XEM