Giới chuyên gia luận bàn biến số nền kinh tế: TS Trương Văn Phước "tiếc" vì Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh hơn, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng thà "chậm" mà "chắc"

10/06/2024 09:55 AM | Kinh tế vĩ mô

Tổng kết lại chia sẻ về những biến số trong nền kinh tế hiện nay, các chuyên gia chia thành hai nhận định đối lập: TS Trương Văn Phước bày tỏ sự lạc quan rằng nền kinh tế Việt Nam có thể đi nhanh hơn rất nhiều, trong khi TS Lê Xuân Nghĩa thận trọng cho rằng nền kinh tế đang đi "chậm" mà "chắc".

Chiều 6/6, tại diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2024 với chủ đề: "Ứng biến trong vạn biến" tổ chức bởi Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam và Báo Đầu tư, các chuyên gia đã cùng thảo luận về các kịch bản kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trước khi đi tìm cách "ứng biến" với các "vạn biến" có thể xảy ra với nền kinh tế Việt Nam, các diễn giả đã cùng đưa ra quan điểm về các yếu tố "vạn biến" từ bên ngoài thế giới có thể tác động tới nền kinh tế.

Cho rằng thế giới có vạn biến cần phải lưu ý, Tiến sĩ Trương Văn Phước đưa ra một quy luật tự nhiên: Mất cái này thì được cái kia. Quy luật này được áp dụng với các chính sách tài khóa, tiền tệ ở thế giới ngoài kia khi những nhà hoạch định nhận thức rõ hệ quả đi kèm với những chính sách này là lạm phát.

Mặc dù Việt Nam đã ban hành những nghị quyết thể hiện sự tiến bộ như Nghị quyết 43, nhưng Việt Nam còn cách thế giới một khoảng khá xa.

Ông cho rằng, với những điều kiện ở tình hình hiện tại, thị trường đáng lẽ nên khởi sắc nhiều hơn. Lấy triết lý "Dĩ bất biến ứng vạn biến" của chủ tịch Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam, ông cho rằng lẽ ra nội tại nền kinh tế Việt Nam cần có những ứng xử linh hoạt hơn.

"Ai sẽ ứng biến trong vạn biến của xã hội ngày nay? Đối tượng ứng biến ở đây là thị trường. Vậy thị trường có ứng biến được hay không?", ông Phước đặt câu hỏi.

Ông Phước bày tỏ: "Thị trường bây giờ rất lạc quan, không có gì phải bi quan hết". Theo dự báo của ông, tới tháng 7 Mỹ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất bởi sự kiện cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Theo đó, thị trường kỳ vọng đô la Mỹ phải giảm giá dẫn đến chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ so với các loại tiền tệ khác) sẽ giảm xuống 100.

Đưa ra kỳ vọng đồng Việt sẽ không mất giá quá nhiều, tiến sĩ Phước "tiếc" bởi đồng Việt giảm giá tới 5% trong vòng 3 tháng.

"Lẽ ra khi cân đối mọi thứ, đồng Việt Nam không thể mất giá như thế. Tỷ giá đáng lẽ phải ổn định khi lãi suất Việt Nam cao hơn lãi suất bên Mỹ, và lạm phát Việt Nam thấp hơn lạm phát Mỹ", ông Phước lý giải những lý do.

A white sheet with black text  Description automatically generated

Dự báo tỷ giá đồng USD so với nội tệ các nước 2024-2025

Đồng tình với tiến sĩ Phước, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng chúng ta cần thận trọng khi càng "vạn biến" thì chúng ta càng "nhất biến". Tiến sĩ tin rằng, sự hõn loạn sẽ là một nhân tố mới của bình thường mới. Thế giới sẽ luôn có sự biến đổi. Việc của chúng ta là lựa chọn những điều quan trọng để tập trung.

Theo ông Nghĩa, thế giới đang dần đi theo chủ nghĩa đa cực, và vấn đề nghiêm trọng hiện nay toàn cầu đang phải đối mặt là biến đổi khí hậu. Các quốc gia phải ngồi lại với nhau, tập trung toàn lực để chống biến đổi khí hậu.

Lấy ví dụ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu phải báo cáo phát thải nhà kính, ông Nghĩa bình luận: "Trong khi ở các nước phát triển họ đã phát thải hơn trăm tỷ tấn carbon, thì họ lại áp dụng đạo luật phát thải lên các nước đang phát triển gần đây với lượng phát thải không đáng kể. Tôi gọi đây là "chủ nghĩa tư bản văn minh"".

Ông Nghĩa lạc quan khi cho rằng sớm muộn nền kinh tế cũng sẽ và đang phục hồi.

Tuy nhiên, khác với quan điểm của tiến sĩ Phước về việc Việt Nam có thể tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, ông Nghĩa bày tỏ sự thận trọng khi kỳ vọng nền kinh tế sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 4.5-6%, khó lên được mức 7-8%.

Theo đó, người dân đã dần làm quen với trật tự bình thường mới sau đại dịch với tốc độ tăng trưởng đều đặn, từ từ. Minh chứng cho sự thay đổi đó tới từ cách chi tiêu, lối sống hàng ngày tiết kiệm hơn so với trước đại dịch.

Giới chuyên gia luận bàn biến số nền kinh tế: TS Trương Văn Phước "tiếc" vì Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh hơn, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng thà "chậm" mà "chắc"- Ảnh 2.

Theo ông Nghĩa, giá cả những mặt hàng như dầu khí, thực phẩm, năng lượng sẽ không có sự biến động quá lớn, vì đây là những mặt hàng thiết yếu.

Mặt khác, một vấn đề nữa được ông Nghĩa đặt ra là những ách tắc trong thị trường Bất động sản, thị trường có giá trị lớn trong nền kinh tế ước tính lên tới hàng triệu tỷ trong nền kinh tế. Đây cũng là kênh tích tụ tài sản nhanh nhất.

A screen shot of a graph  Description automatically generated

Dù là ngành được định giá cao với giá trị tài sản lớn, song theo phân tích dữ liệu, cổ phiếu nhóm ngành Bất động sản chỉ nhích nhẹ 1,54%; mức độ tăng kém xa so với những ngành khác như ngân hàng, bán lẻ...

Đối mặt với những thách thức của thị trường Bất động sản, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa kiến nghị nên tìm mọi cách để giải tỏa thị trường, cũng với những chính sách pháp lý để tháo gỡ khó khăn. Mặt khác, ông cũng cho rằng lãi suất là yếu tổ quan trọng nhất quyết định thị trường Bất động sản có thể phục hồi hay không.

Với giải pháp "tự thay đổi chính mình" để phù hợp với xu thế lớn, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa tổng kết các nhân tố "vạn biến" qua 3 ý: Tính đa cực, Kinh tế xanh – Biến đổi khí hậu và Xử lý những vấn đề của thị trường Bất động sản.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, khi kiểm soát được 3 vạn biến này, kinh tế sẽ tăng trưởng vững vàng hơn.

Diễn đàn Cấp cao cố vấn Tài chính năm 2024 với chủ đề "Ứng biến với vạn biến" có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, trong đó có sự tham vấn của 2 chuyên gia là tiến sĩ Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng. 

Phiên thảo luận được diễn ra dưới sự điều phối của ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư.

Thanh Huyền

Cùng chuyên mục
XEM