Giới chuyên gia cùng bàn về cuộc đua trong ngành bán dẫn: Sự tự chủ công nghệ sẽ đảm bảo quyền lợi và an ninh quốc gia

03/06/2024 15:00 PM | Kinh doanh

Ít ai biết tới, những thiết bị công nghệ chúng ta đang sử dụng hàng ngày được lắp ráp bởi những con chip nhỏ với tốc độ xử lý dữ liệu nhanh chóng. Sức mạnh của thiết bị bán dẫn này đã dẫn tới cuộc đua giữa các quốc gia nhằm cạnh tranh giành thị phần bán dẫn toàn cầu.

Trong buổi tọa đàm "Vẽ lại bản đồ bán dẫn toàn cầu: Việt Nam ở đâu?" do công ty Nhã Nam tổ chức, các chuyên gia là ông Phùng Việt Thắng – Giám đốc công ty Intel Việt Nam, ông Nguyễn Việt Hải – Giám đốc Công nghệ Công ty Sirius Network Solution và ông Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Trung tâm CESS đã chia sẻ những cơ hội, thách thức của ngành bán dẫn toàn cầu – dù đây vẫn là lĩnh vực mới mẻ tại Việt Nam. Ông Hải cho rằng cơ hội công việc liên quan tới ngành bán dẫn ở Việt Nam còn rất ít ỏi, dù ngành bán dẫn rất tiềm năng.

Giới chuyên gia cùng bàn về cuộc đua trong ngành bán dẫn: Sự tự chủ công nghệ sẽ đảm bảo quyền lợi và an ninh quốc gia- Ảnh 1.

Tầm quan trọng của Chính phủ trong việc phát triển bán dẫn

Khi bàn về vai trò của nhà nước trong ngành thiết bị bán dẫn, ông Thắng cho rằng Nhà nước có vai trò quan trọng đối với ngành thiết bị bán dẫn. Để diễn giải rõ hơn quan điểm của mình, ông cho biết nhà nước có sự hỗ trợ, năng lực tài chính và nguồn nhân lực để phục vụ cho ngành bán dẫn.

Giới chuyên gia cùng bàn về cuộc đua trong ngành bán dẫn: Sự tự chủ công nghệ sẽ đảm bảo quyền lợi và an ninh quốc gia- Ảnh 2.

Ông Phùng Việt Thắng

Bên cạnh đó, môi trường hoạt động công ty bán dẫn dựa vào tầm nhìn chiến lược lâu dài. Điều đó được đảm bảo bằng chính sách pháp lý rõ ràng và hỗ trợ nguồn lực tối ưu từ phía Chính phủ.

Ở một góc độ khác, ông Hải lại nhận định: "Trong những năm gần đây, bất kỳ sự tham gia nào của nhà nước đều không hiệu quả hoặc đi ngược lại thị trường."

Theo ông, sự phát triển ngành bán dẫn còn liên quan tới sức mạnh, an ninh của quốc gia. Một số quốc gia còn dùng sự ảnh hưởng của mình tác động lên quốc gia khác

Bàn về vai trò của các quốc gia trong thị trường bán dẫn toàn cầu, ông Thắng cho biết, sự tự chủ trong công nghệ nói chung và ngành bán dẫn nói riêng đảm bảo quyền lợi, an ninh quốc gia. Trong cuộc đua đó, chính phủ đưa ra chính sách, hoạt động nhất định để giành được thị phần lớn nhất.

Thay vì tự chủ về công nghệ, ông Hải cho rằng sự can thiệp của chính phủ chỉ quan trọng trong từng giai đoạn nhất định. Nhưng sau đó, yếu tố quan trọng hơn vẫn là thị trường, phải có thị trường thì mới có thể phát triển tất cả các ngành.

Ông cho biết: "Cuộc đua về tiền trị giá hàng tỷ đô la cuối cùng dẫn tới câu hỏi: Cách chi tiêu số tiền đó có dẫn dắt được thị trường hay không."

Theo ý kiến của ông Hải, khi một quốc gia cố gắng đạt được sự tự chủ công nghệ là đang đi ngược lại chuỗi cung ứng toàn cầu khi mà các mắt xích trong chuỗi cung ứng phải phụ thuộc lẫn nhau để cùng tạo nên sản phẩm. Rất khó để tự quốc gia đó làm hết được tất cả các bước trong quy trình.

Dù các chuyên gia có ý kiến khác nhau về tầm quan trọng của chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn, tuy nhiên theo các chuyên gia, cần đánh giá thật kỹ tác động của chính phủ qua các chính sách ban hành để có hướng xử lý phù hợp.

Cuộc đua bán dẫn ở quy mô quốc gia

Các diễn giả cho rằng, xét về cấp độ quốc gia, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ được phát triển, đầu tư ở đâu và ảnh hưởng tới quốc gia như thế nào sẽ thay đổi hoàn toàn bản đồ bán dẫn của cả quốc gia.

Những xu hướng như chuyển đối số, trí tuệ nhân tạo đã chuyển đổi quá trình tự động hóa. Khi tự động hóa diễn ra, sẽ có những thay thế như cảm biến, điện tử… và toàn bộ đều liên quan tới bán dẫn.

Về ưu điểm của sản xuất thiết bị bán dẫn, có thể kể tới giá thành rẻ, mở rộng quy mô sản xuất lớn và thiết kế nhỏ gọn đã dẫn tới sự bùng nổ ngành bán dẫn. Đặc biệt, những con chip về Ai, mô phỏng não người, điện tử… sẽ thay đổi rất nhiều tương lai con người trong 10 năm tới.

Bán dẫn là mặt trận lớn, không chỉ ở riêng công ty đa quốc gia, mà còn là giữa các quốc gia để đưa thiết bị bán dẫn vào sử dụng rộng rãi. Năng lực nghiên cứu khoa học cơ bản là nhân tố quyết định trong sự hình thành công cụ và hệ thống sản xuất con chip bán dẫn.

Theo bản Báo cáo về Thị trường bán dẫn toàn cầu của MCSS, thị trường thiết bị bán dẫn được định giá 110 tỷ USD, với sản lượng chuỗi về thiết kế, chế tạo và ATP vẫn chủ yếu từ các nước Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu. Doanh thu bán dẫn tính theo end-use (người dùng cuối cùng) năm 2022 dẫn đầu ở lĩnh vực truyền thông với 172,3 tỷ USD, tiếp đó tới máy tính với 150,7 tỷ USD và ngành công nghiệp ở vị trí thứ 3 với 83,1 tỷ USD.

Theo đó, nhu cầu sử dụng thiết bị bán dẫn được dự báo sẽ tăng lên trên toàn thế giới, gắn liền các xu hướng công nghệ khác. Thiết bị bán dẫn sẽ đẩy nhanh tốc độ về xử lý dữ liệu từ cá nhân cho tới trung tâm.

Trong khi đó, nhu cầu ngày càng cao về 5G, băng thông dẫn tới yêu cầu số hóa ngày càng cao. Đây là động lực thúc đẩy ngành bán dẫn ngày càng phát triển trong tương lai.

Thanh Huyền

Cùng chuyên mục
XEM