Giấy phế liệu hỗn hợp - có chăng nên suy xét khách quan hơn hai từ ‘phế liệu’

26/10/2018 13:30 PM | Kinh doanh

Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành dự thảo về việc loại bỏ giấy phế liệu hỗn hợp - nguyên liệu được sử dụng chủ yếu để sản xuất giấy bao bì khỏi danh mục các nguyên liệu được phép nhập khẩu dường như đã gây “lao đao” cho không ít doanh nghiệp ngành giấy, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong khuôn khổ Hội Thảo "Giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam" tổ chức bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam tại Hà Nội vừa qua, vấn đề giấy phế liệu nói chung và loại giấy hỗn hợp (giấy mixed) đã được các chuyên gia nêu lên quan điểm trung lập và lên tiếng kêu gọi cái nhìn thông cảm hơn cho loại nguyên liệu này.

Giấy phế liệu hỗn hợp - không ít thách thức nhưng vẫn đầy tiềm năng

Hiện nay, giấy phế liệu hỗn hợp đang là nguyên liệu chính để sản xuất các loại giấy bao bì. Trong khi đó, nhu cầu giấy bao bì tiêu thụ trong nước và xuất khẩu có mức tăng trưởng rất lớn, khoảng 15%/năm, cao hơn nhiều so với mức trung bình của toàn ngành. Nếu đầu vào cho sản xuất giấy bao bì tăng cao sẽ đẩy giá thành phẩm lên cao, có thể ảnh hưởng dây chuyền đến những ngành khác. Cụ thể, phế liệu giấy hỗn hợp được bán với giá từ 90-100 đô một tấn, trong khi đó, giấy phế liệu các loại khác như giấy gợn sóng (OCC) lại có giá 150 đô một tấn. Chênh lệch về chi phí giữa việc thu mua hai loại giấy này không hề nhỏ. Nói về việc này, ông Phan Chí Dũng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương nêu quan điểm: “Điều này có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành công nghiệp giấy nói riêng và nhiều ngành sản xuất, dịch vụ có liên quan nói chung.”

“Nếu nhập khẩu phế liệu không phục vụ cho bất cứ hoạt động sản xuất nào thì rất đáng lo ngại việc biến Việt Nam thành bãi rác. Khi phế liệu nhập khẩu là nguyên liệu sản xuất quan trọng, lại là mặt hàng được giao dịch toàn cầu thì tính chất đã khác", ông Phan Chí Dũng phân tích

Trong khi bài toán cho nguồn nguyên liệu trong nước vẫn chưa có lời giải, bởi hoạt động thu gom phế liệu vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chưa được tổ chức quy mô lớn như các nước tiên tiến và việc phân loại phế liệu cũng chưa được chú ý thực hiện. Theo các báo cáo từ hội thảo, có đến 70% các doanh nghiệp giấy Việt Nam, từ doanh nghiệp nội đến ngoại đều đang sử dụng nguồn nguyên liệu giấy hỗn hợp. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước chỉ mới thu gom được dưới 40% lượng giấy tiêu thụ tại Việt Nam, trong khi mức trung bình thế giới là 56%. Số lượng thu gom trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu đầu vào nên việc nhập khẩu là tất yếu.

Thực tế, sản xuất giấy thành phẩm từ nguyên liệu tái chế vì hoạt động này giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên, giảm chất thải ra môi trường, giảm chi phí sản xuất. Được biết, Ông Nguyễn Văn Hiện, Tổng Giám đốc của công ty TNHH Giấy Việt Trì, chia sẻ rằng: “Dùng bột giấy trong sản xuất thì tiêu thụ rất nhiều nguồn nguyên liệu khác. Trung bình, để thu được 1 tấn bột giấy phục vụ cho sản xuất, cần sử dụng 5 tấn gỗ; 1,500l dầu cùng nhiều hóa chất phụ gia khác. Mặt khác, ngành giấy là một ngành kinh tế có sự phù hợp tự nhiên với mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó, việc tái chế nguyên liệu được chú trọng cao nên việc các doanh nghiệp chú trọng sản xuất từ nguyên liệu giấy hỗn hợp là hợp lý.”

Theo số liệu 6 tháng đầu năm 2018 thì số lượng giấy mix chiếm 37% trong tổng số lượng giấy phế liệu nhập khẩu. Nếu không được phép nhập khẩu giấy hỗn hợp thì doanh nghiệp bị thiệt hại khoảng 37 triệu đô/năm

Giải vây cho giấy phế liệu hỗn hợp

Ông Phạm Đình Thưởng, Chuyên gia Phân tích Chính sách khi nói về vấn đề nhập khẩu phế liệu đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, ông đề xuất hạn chế đối tượng có thể tham gia nhập khẩu giấy phế liệu, đặc biệt là các đối tượng nhập khẩu không đúng mục đích. “Nếu đúng mục đích thì không vì lý do gì để hạn chế vì chúng ta phải tạo thuận lợi cho thương mại”, ông Thưởng chia sẻ. Bên cạnh đó, thay vì cấm hoàn toàn việc nhập khẩu giấy phế liệu hỗn hợp, Nhà nước cần có một quy định cụ thể về số lượng nhập cho phép. Như vậy sẽ phù hợp hơn với cả hai mục đích phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường.

Cũng theo ông Thưởng, việc Chính phủ siết chặt quản lý đột ngột khiến doanh nghiệp rơi vào thế bị động, đồng thời gây ra phản ứng dây chuyền đến một chuỗi các ngành công nghiệp khác như ngành công nghiệp bao bì, ngành công nghiệp xuất khẩu... "Thay đổi chính sách nhất là các chính sách ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp cần có đánh giá tác động và có lộ trình" – Ông Thưởng đề xuất thêm.

Tại phiên thảo luận, các doanh nghiệp cũng thể hiện tinh thần cam kết, luôn ủng hộ và thực hiện chủ trương phát triển bền vững, gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ môi trường

Các chuyên gia cũng ủng hộ đề xuất cơ quan chức năng quản lý số lượng phế liệu nhập khẩu theo năng lực sản xuất của doanh nghiệp, tức phải đảm bảo các doanh nghiệp nhập giấy về để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại quy định về tỷ lệ tạp chất theo kinh nghiệm các nước, vì quy định hiện tại của Việt Nam xem ra khá chặt, đặc biệt khi so với quy định quốc tế. Theo đó, quy định về tỷ lệ tạp chất của Việt Nam ở mức 0% với chất cấm, 2% các loại tạp chất khác được xem là khá chặt, trong khi Mỹ là 2% chất cấm và 3% tạp chất khác.

Nhằm tránh bị “vu oan” là rác thải, nhiều quan điểm đề xuất đổi tên gọi giấy tái chế là giấy thu hồi và lên tiếng kêu gọi góc nhìn khách quan hơn cho nguồn nguyên liệu này. Về phía doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp cũng nhận thức được tầm quan trọng của môi trường trong sản xuất để bài toán môi trường – sản xuất của ngành giấy sẽ nhận được nỗ lực tích cực từ nhiều phía.

A.D

Cùng chuyên mục
XEM