'Giàu nứt đố đổ vách' như 'Tứ đại thương gia' xưa: Ai cũng tài sản kếch xù, có người sở hữu 20.000 căn nhà mặt phố

14/10/2022 15:07 PM | Sống

Vào cuối thế kỷ 19, mảnh đất miền nam nổi lên bốn đại thương gia có gia sản kếch xù, được mệnh danh là “Tứ đại phú hộ”. “Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Hoả” không chỉ giàu nhất miền Nam mà còn thuộc vào hàng giàu nhất Đông Dương lúc bấy giờ.

1. Nhất Sỹ 

Nhất Sỹ tên thật là Lê Phát Đạt, thuở nhỏ có tên là Sĩ, là ông ngoại của Nam Phương hoàng hậu và là người đứng đầu trong tứ đại phú hào giàu nhất miền Nam ngày xưa.

Có nhiều giai thoại về sự giàu có của người đàn ông này. Tương truyền, ngôi nhà lầu đồ sộ của Huyện Sĩ tại Tân An được cất trên thế đất hàm rồng nên gia đình ông trở nên giàu có, danh vọng bậc nhất thời đó. Còn học giả Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa (NXB TP.HCM, 1991) lại cho rằng Huyện Sỹ "phất lên" nhờ "trúng đất".

'Giàu nứt đố đổ vách' như 'Tứ đại thương gia' xưa: Ai cũng tài sản kếch xù, có người sở hữu 20.000 căn nhà mặt phố - Ảnh 1.

Theo Vietnamnet, trong thời kì giàu có bậc nhất, gia đình Huyện Sỹ nắm trong tay toàn bộ vùng đất trù phú ở Gò Công, Long An, Tiền Giang. Ở miền Tây, ruộng đất của Lê Phát Đạt được ví như "cò bay mỏi cánh không hết".

Năm 1934, gia đình ông Huyện Sỹ đã tặng cho cháu gái Nguyễn Hữu Thị Lan, tức Nam Phương Hoàng Hậu một triệu đồng tiền mặt, tương đương với 20.000 lượng vàng làm của hồi môn. Ông còn xây dựng các công trình tôn giáo, tự nguyện hiến đất và 1/7 tài sản của mình để xây dựng nên nhà thờ Huyện Sỹ.

Người ta đồn rằng, độ giàu có của Huyện Sỹ còn lớn hơn rất nhiều lần so với vua Bảo Đại. Năm 1990, ông qua đời, còn vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài cũng mất sau đó 20 năm.

Ngày nay, nếu có dịp đi qua góc đường Tôn Thất Tùng - Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM), bạn sẽ thấy tọa lạc ở đây là một nhà thờ uy nghiêm, cổ kính. Đó là Nhà thờ Huyện Sĩ nhằm tưởng nhớ người đã bỏ 1/7 gia sản của mình ra để xây dựng và cung hiến.

2. Nhì Phương

Người thứ hai trong 4 đại phú hộ là ông Đỗ Hữu Phương - con trai đại địa chủ thời bấy giờ là Bá Hộ Khiêm. Cha của ông là người có tầm nhìn xa trông rộng, biết làm ăn buôn bán nên tài sản đếm không xuể. Gia đình ông không những sở hữu đất đai mà còn có cả hàng trăm căn nhà mặt tiền cho thuê.

'Giàu nứt đố đổ vách' như 'Tứ đại thương gia' xưa: Ai cũng tài sản kếch xù, có người sở hữu 20.000 căn nhà mặt phố - Ảnh 2.

Dù sinh ra ở vạch đích song Đỗ Hữu Phương không giống với những cậu ấm cô chiêu thời đó. Dưới sự giáo dục nghiêm sắc từ gia đình, ông rất chịu khó học hành, có tầm hiểu biết, giỏi ngoại ngữ và có kiến thức văn hóa. Cũng vì thế, thay vì theo con đường kinh doanh của gia đình, ông đi theo nghiệp làm quan.

Trên đường quan lộ, Đỗ Hữu Phương thăng tiến như diều gặp gió. Sau khi cha ông là Bá Hộ Khiêm qua đời, ông được thừa hưởng khối tài sản kếch xù từ cha. Tuy nhiên, nhắc đến sự giàu có của ông không thể không nhắc đến công lao của vợ ông - con của một vị quan lớn trong triều nhà Nguyễn.

Hai vợ chồng bá hộ Phương xây dựng một cơ ngơi đồ sộ, giàu có nức tiếng. Nhiều tài liệu ghi lại rằng đất đai của hai vợ chồng bá hộ Phương có hơn 2.200 ha, thóc lúa nhà ông nhiều đến nỗi chất thành núi, không có chỗ để nên được bán với giá tốt để thu tiền. Người ta đồn rằng của cải của ông Phương nhiều đến nỗi mấy đời ăn cũng không hết.

3. Tam Xường

Tam Xường là ông Lý Tường Quan, người bán lương thực, thực phẩm, thịt cá xuất khẩu. Sau đó, ông mua đất xây cất biệt thự tại vùng Chợ Lớn để cho thuê và bán. Giới kinh doanh lưu truyền rằng gần một nửa dân miền tây ngày đó ai cũng từng mua nhu yếu phẩm của ông Tường Quan.

'Giàu nứt đố đổ vách' như 'Tứ đại thương gia' xưa: Ai cũng tài sản kếch xù, có người sở hữu 20.000 căn nhà mặt phố - Ảnh 3.

Là một người khôn khéo, biết lấy lòng quan lại nên ông giàu lên rất nhanh, nổi tiếng khắp vùng. Không có nhiều tài liệu ghi chép về nhân vật này, tuy nhiên, người ta đồn nhau rằng độ giàu có của ông chỉ xếp sau Nhất Sỹ, Nhì Phương.

Bá hộ Xường có dinh thự rất lớn, sau này trở thành từ đường nhà họ Lý, nay nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông, dinh thự ấy được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Ông qua đời năm 1896. Sau khi ông mất, hầu hết tài sản bị con cháu ăn xài, tiêu phí hết.

4. Tứ Hoả

Tứ Hoả là danh xưng của ông Hứa Bổn Hỏa (1845 – 1901), người gốc Hoa. Có khá nhiều lời đồn đoán về sự giàu có của người đàn ông này. 

Sách báo năm xưa viết rằng Hứa Bổn Hỏa xuất thân nghèo khổ, có đôi quang gánh làm nghề buôn bán phế liệu. Cứ tưởng cái nghề nhặt từng hào, từng xu này sẽ khiến chú nghèo mạt kiếp, thế nhưng số phận đã cho người đàn ông này một cơ hội đổi đời.

Trong một lần đi gom ve chai, chú may mắn tìm ra túi vàng hay món đồ cổ quý hiếm nằm trong đống đồ cũ và dùng vật tìm được để lấy vốn làm ăn. Nhờ có khối óc nhìn xa trông rộng, nhạy bén với thương trường và tính quyết đoán nên sự nghiệp của chú phất lên nhanh chóng.

'Giàu nứt đố đổ vách' như 'Tứ đại thương gia' xưa: Ai cũng tài sản kếch xù, có người sở hữu 20.000 căn nhà mặt phố - Ảnh 4.

Tuy nhiên, giai thoại vẫn mãi là giai thoại. Người đời chỉ có thể ngầm hiểu rằng người đàn ông này cũng đi từ hai bàn tay trắng mà tạo dựng nên sự nghiệp, vẫn phải cần mẫn làm ăn, và nhờ sử dụng lợi thế của bản thân mình trong quá trình kinh doanh để trở nên giàu có.

Còn sự thật về con đường làm giàu của chú Hỏa đến nay vẫn chưa ai thực sự tỏ tường. Theo báo Tuổi trẻ, bài viết "Sự thật về Hui Bon Hoa và Chú Hỏa" của tác giả Chen Bickun với những tư liệu được cung cấp từ dòng dõi của chú Hỏa đang sinh sống ở Paris (Pháp), tiết lộ rằng lúc mới sang Việt Nam, chú Hỏa đã làm việc với một chủ người Pháp. Nhờ siêng năng và tốt bụng nên ông chủ Pháp đã giúp ông mở tiệm cầm đồ để khởi nghiệp kinh doanh.

Tiệm cầm đồ đầu tiên của Chú Hỏa là căn nhà nằm ở góc đường Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Bình ngày nay, còn văn phòng làm việc cho ông chủ người Pháp ở trước cửa tiệm bên kia đường, trên một khu đất vẫn còn trống. Sau khi tích lũy được một số tiền, chú Hỏa đổ vốn vào ngành bất động sản. Lúc thành phố đang có kế hoạch xây dựng chợ Bến Thành, chú mua toàn bộ vùng đất mới san lấp quanh vị trí xây chợ. Đến khi chợ Bến Thành xong, trong phút chốc, chú trở thành ông chủ của 20.000 khu đất.

Khi công việc làm ăn phát triển, chú Hỏa thành lập Công ty bất động sản Hui Bon Hoa, nắm giữ hơn 40% bất động sản thành phố Hồ Chí Minh thời đó và sở hữu hơn 20.000 căn nhà ở các vị trí đắc địa nhất (cũng có tài liệu ghi hơn 30.000 căn nhà). Cũng nhờ có cơ ngơi khổng lồ như vậy, chú Hỏa nổi tiếng khắp Đông Dương về sự giàu có.

(Tổng hợp nhiều nguồn)

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM