Giàu kinh tế, nhưng nghèo văn hóa, đây là dấu hiệu của người không bao giờ có thể tiến bộ xa hơn
Công dân của kỷ nguyên tiến bộ thì không chỉ cần sống tốt, mà còn phải sống đẹp từ tài năng, bản lĩnh cho tới văn hóa ứng xử.
01.
Hẳn là không ít người từng đi xe khách, xe buýt, xe công cộng và gặp trường hợp đau đầu nhức óc vì vô số âm thanh huyên náo của mỗi người xung quanh. Có tiếng nhạc, có tiếng chơi game, có người lại nói chuyện điện thoại, cộng thêm tiếng loa đài từ chủ xe… Đó đúng là một cơn ác mộng đối với màng nhĩ.
Hoặc là khi bạn vào một nhà hàng, quán ăn và bắt gặp những đứa trẻ chạy ầm ầm ào ào trong đó, bố mẹ không trông nom mà mặc cho chúng đuổi nhau, gào thét, nghịch ngợm khắp nơi. Dù có tức giận đến mấy, bạn cũng chẳng thể động vào chúng, vì bố mẹ chúng sẽ bảo rằng: “Ôi, nó là trẻ con, có biết gì đâu mà so đo làm gì”.
Thậm chí có những bậc cha mẹ còn cho con nhỏ đi vệ sinh ngay giữa đường, giữa hè phố. Họ hoàn toàn không suy nghĩ tới việc những hành khách qua lại xung quanh có thể bị bẩn vì nước tiểu của con họ bắn ra, hay mùi xú uế bốc lên, làm mất mỹ quan của khu vực.
Đó là hành động của những “đứa trẻ không biết lớn” luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ. Nội tâm không được tu dưỡng, họ chưa bao giờ tự hỏi hành vi của mình sẽ mang tới bao nhiêu phiền toái cho những người xung quanh. Biết rằng trong thời kỳ phát triển kinh tế, người ta chú trọng nhiều hơn tới cách làm giàu, nhưng những thường thức cộng đồng và nét văn hóa tối thiểu để hình thành bản lĩnh con người cũng không nên bị bỏ qua.
Một người thật sự nhận được nền giáo dục tiến bộ, có tu dưỡng phẩm đức sẽ luôn biết và tự giác tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật trong mỗi hành vi của mình và tuyệt đối không cố ý gây rắc rối cho người khác. Nếu phép lịch sự tối thiểu cũng không có, họ rất khó có thể tiến xa hơn trong xã hội ngày càng hội nhập với thế giới văn minh.
02.
Cách đây khoảng 1 tuần, một người đàn ông Trung Quốc 28 tuổi, tên là Lu Chao, đã bị cáo buộc tội gây rối trật tự công cộng và yêu cầu bồi thường 17.200 USD (tương đương gần 400 triệu đồng) cho một hãng hàng không khi ném các đồng tiền xu vào động cơ máy bay để cầu may. Hành vi này bắt nguồn từ một suy nghĩ dân gian, nhiều người cho rằng, lần đầu ngồi máy bay nên ném 6 đồng tiền xu với hàm ý “lục lục đại thuận”, hy vọng cả chuyến đi được an lành thuận lợi.
Tuy nhiên, “thuận” ở đâu chưa thấy, tai vạ đã tới ngay vì hành vi này đã gián tiếp gây tổn hại hơn 17.600 USD cho hãng hàng không này khi họ buộc phải tạm dừng mọi hoạt động của chuyến bay đó để kiểm tra lại động cơ, sắp xếp chỗ nghỉ và các chuyến bay thay thế cho những hành khách bị chậm trễ khác.
Người đàn ông này không phải trường hợp đầu tiên, cũng chưa chắc đã là trường hợp cuối cùng của những hành vi thế này. Vì một lời đồn dân gian, họ dường như sẵn sàng bỏ qua mọi nguy hiểm tiềm tàng có thể xảy ra khi ném đồng xu vào động cơ máy bay như vậy. Khi máy bay vận hành ở độ cao cách mặt đất hàng trăm, hàng nghìn cây số, rất có thể chính những đồng xu này sẽ trở thành hung thần dẫn tới các thảm kịch.
Một đồng xu cầu may cũng tương đương với một con dao tự tử. Hậu quả để lại không chỉ ảnh hưởng tới một mình chủ nhân đồng xu đó, mà còn liên lụy tới vô số sinh mạng và tài sản khác. Giữa kỷ nguyên tri thức như ngày hôm nay, tại sao vẫn có những người không hiểu một sự thật đơn giản đến vậy?
Độ cao tri thức của những người này ở đâu thì chúng ta không thể biết, nhưng mức độ ý thức của họ chắc chắn thiếu hụt nghiêm trọng.
03.
Nhà triết học Pháp lừng danh Jean Jacques Rousseau từng nói: “Vô kỷ luật là một loại thiên tính, có văn hóa là một sự lựa chọn.” Người hiện đại đề cao sự tự do, sống theo ý mình, nhưng vẫn phải tự do trong một khuôn khổ nhất định.
Khi nói về vấn đề này, một blogger cũng từng kể rằng, ngày xưa ở ký túc xá của cô ấy có một nữ sinh hút thuốc. Sống cùng nhau nhiều năm, cô chưa từng thấy nữ sinh ấy hút thuốc ở nơi sinh hoạt chung bao giờ.
Nếu cần, người bạn đó sẽ vào phòng tắm để hút, sau đó bật quạt thông gió và mở cửa thông khí, đợi đến khi mùi thuốc bay hết mới ra ngoài. Tất cả tàn thuốc đều được đựng trong vỏ lon coca và bỏ vào túi rác cẩn thận, sau đó cô bạn ấy cũng là người chủ động dọn dẹp phòng tắm rồi vứt rác luôn.
Khi cần thức đêm ôn bài, cô bạn ấy cũng mua một chiếc đèn bàn với ba mức độ sáng khác nhau. Để mọi người trong phòng vẫn có thể ngủ, nữ sinh này luôn điều chỉnh độ sáng của đèn về mức thấp nhất.
Cuối đoạn clip, blogger này đã nhận định, có những người đã tồn tại nét văn hóa từ sâu trong xương tủy.
Mặc dù chúng ta có thể tự do làm chủ mọi hành động cũng như lời nói của mình, nhưng với người có học thức, có văn hóa và ý thức cộng đồng, họ sẽ lo lắng suy xét xem những hành vi tự do của họ có gây ra tác động xấu tới người khác hay không, để từ đó kiềm chế và xây dựng một khuôn khổ cho riêng mình.
Ngược lại, có những người lúc nào cũng lấy “tự do ngôn luận, tự do hành vi” để ngụy biện cho vô số phiền phức, khó chịu và bất mãn mình gây ra cho cộng đồng xung quanh. Từ những hành động nhỏ như vậy, người ta có thể dễ dàng nhận ra tố chất không cao của chủ thể.
Mọi người đều sinh ra trong tự do, nhưng phải sống trong khuôn khổ. Nếu không có khuôn khổ, cuộc sống sẽ trở nên buông thả, sa đọa và đánh mất rất nhiều giá trị cả về phẩm đức lẫn nguyên tắc làm người.
Chẳng thế mà người xưa đã truyền dạy đạo làm người là phải “Khắc kỷ phục lễ vi nhân”, tức là điều gì không hợp với lễ thì đừng nhìn, đừng nghe, đừng nói, đừng làm, nghiêm khắc với bản thân, tuân thủ lễ giáo, kỷ cương phép nước và các chuẩn mực đạo đức xã hội.
Chúng ta không chỉ cần sống tốt, mà còn phải sống đẹp, với chính mình cũng như với tất cả mọi người xung quanh. Đó mới là phẩm chất tốt nhất của một người được hưởng nền giáo dục văn minh, sống trong kỷ nguyên tiến bộ.
*Tổng hợp