Giáo viên kiệt sức, hàng loạt trường học ở Mỹ đóng cửa
Kiệt sức vì đại dịch, giáo viên, lao công nghỉ hàng loạt khiến nhiều trường học Mỹ phải đóng cửa trở lại.
Theo tờ USA Today, nền giáo dục Mỹ đang trải qua cuộc khủng hoảng chưa từng thấy khi nhiều trường học phải đóng cửa hoặc trở về dạy trực tuyến trở lại. Nguyên nhân chính là do thiếu giáo viên, lái xe bus chở học sinh cùng nhiều nhân viên khác.
Hết kiên nhẫn
Việc phải căng mình dạy học trong mùa dịch cùng nỗi lo lây nhiễm đã thúc đẩy phong trào nghỉ việc hàng loạt (Great Resignation) trong ngành giáo dục.
Ví dụ như ở bang Michigan, ít nhất 8 trường học đã phải đóng cửa hoặc dạy online trở lại vì thiếu giáo viên. Tại Florida, trường Brevard Public School đã phải kéo dài kỳ nghỉ Lễ tạ ơn cho học sinh trong khi hàng loạt các trường ở Seattle, Portland hay Oregon phải cho học sinh lẫn giáo viên kéo dài ngày nghỉ lễ cựu chiến binh (Veterans Day- 11/11).
Những nhà quản lý cho biết quyết định đóng cửa hoặc học online trở lại vào phút chót đã khiến xáo trộn kế hoạch của nhiều phụ huynh cũng như học sinh. Nhiều chuyên gia lo lắng các trẻ em nghèo sẽ càng tụt lại phía sau khi xa lớp học quá lâu.
Dẫu vậy, nhiều giáo viên cho biết họ cần thời gian để nghỉ ngơi sau quãng thời gian căng thẳng vì đại dịch với những quy định như đeo khẩu trang, xét nghiệm, đau ốm, căng thẳng... Việc giáo dục và giao tiếp với học sinh trong mùa dịch áp lực hơn rất nhiều so với thông thường.
Tại Washington, một số trường đã bị buộc phải đóng cửa lâu hơn dự kiến do hàng loạt giáo viên nghỉ sau ngày lễ cựu chiến binh vì đã kiệt sức. Cô Allison Snow, một giáo viên và là chủ tịch công đoàn địa phương cho biết mọi người đều quá mệt mỏi.
Theo cô Snow, bình quân các giáo viên không chỉ phải dạy những bài học mới mà còn phải giúp khoảng 20.000 học sinh, sinh viên bù lại những kiến thức bị thiếu trong đợt nghỉ dịch. Đó là chưa kể đến việc phải hỗ trợ các em về mặt cảm xúc và tinh thần sau khi đến trường từ quãng thời gian nghỉ dịch dài, đi kèm với đó là những biện pháp chống dịch như khẩu trang lẫn xét nghiệm.
Mỗi khi đến trường học, cô Snow đều chứng kiến những cảm xúc bất an, giận dữ, lo lắng hay các triệu chứng đau đầu, khóc lóc của cả sinh viên lẫn giáo viên.
"Một trong những năng lực của giáo viên ngày nay là sự kiên nhẫn, nhưng chúng tôi không còn khả năng này nữa. Điều này khiến việc chăm sóc học sinh trở nên khó khăn hơn", cô Snow than thở.
Tại Colorado, trường công của quận Boulder đã phải đóng cửa khi ít nhất 486 giáo viên nghỉ làm 1 ngày và khiến 200 lớp học phải bỏ không. Trước mùa dịch, ngôi trường này có đến 900 giáo viên dự bị dạy thay nhưng năm nay chỉ có 300 người chấp nhận dạy thay. Với mức lương 100 USD/ngày, những giáo viên này thường đề nghị số ngày dạy thay tối thiểu, chọn những lớp có học sinh ngoan hoặc đã tiêm chủng hoàn toàn.
"Chúng tôi muốn học sinh trở lại lớp sau đại dịch để bổ túc kiến thức, nhưng giáo viên quá ít và như vậy là không an toàn", người phát ngôn Randy Barber của trường công tại Boulder nhấn mạnh.
Khủng hoảng nhân lực
Cũng theo ông Barber, nhiều lao động khác như tài xế lái xe đón học sinh, nhân viên phục vụ căn tin hay lao công đều bị thiếu do mọi người thường lựa chọn những công việc ít tiếp xúc đông người do sợ bị lây nhiễm. Ngoài ra hiện tượng thiếu lao động cũng khiến mọi người có cơ hội tìm được công việc có thu nhập cao hơn hiện nay.
Tại trường công Adams 12 Five Star School District, các lớp học cũng đã phải hủy dù giáo viên dạy thay được đề nghị trả tới 180 USD/ngày nhưng vẫn không có ai nhận lời.
Hệ thống trường công tại Denver đã phải để 3 trường chuyển sang trạng thái học trực tuyến đến cuối tuần, đồng thời cho 92.000 học sinh nghỉ Lễ tạ ơn sớm. Tương tự tại Seatle, hệ thống trường công đã cho 53.000 học sinh nghỉ sau khi hơn 600 giáo viên đòi nghỉ phép.
Tồi tệ hơn, Tổ chức phi lợi nhuận Rand Corp cảnh báo một cuộc khủng hoảng nhân sự sắp xảy ra với ngành giáo dục Mỹ. Khảo sát của Rand cho thấy 25% giáo viên đang cân nhắc nghỉ việc vào cuối năm học. Nguyên nhân chính là do quá áp lực và tỷ lệ người bỏ việc vì stress đang cao gấp đôi so với những phàn nàn vì lương thấp.
Trong số những người muốn nghỉ việc, có 33% giáo viên thậm chí nhận dạy học mà không có hợp đồng bảo hiểm hay phúc lợi nghỉ việc, cho thấy họ muốn bỏ dạy học đến mức nào.
Chủ tịch liên đoàn giáo viên Mỹ (AFT), bà Randi Weingarten cho biết các giáo viên đang mắc kẹt trong một xã hội muốn trở lại bình thường nhưng thực tế lại đầy rẫy những ca nhiễm mới, chuỗi cung ứng thì bị gián đoạn còn lạm phát tăng cao.
"Giờ đây bạn không chỉ có làn sóng nghỉ việc (Great Resignation) và còn có cả làn sóng kiệt sức (Great Exhaustion)", bà Randi than thở.
*Nguồn: USA Today