"Giao thừa vợ nấu cháo lươn..." in trên tờ lịch ngày 29 Tết gây bão vì nội dung thô thiển
Hình ảnh tờ lịch Tết in câu nói được chú thích là tục ngữ gây "bão mạng" vì nội dung thô thiển, tục tĩu.
Nội dung rất tục, bậy bạ, không mang giá trị của tư duy dân gian
Mới đây, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh một tờ lịch Giao thừa Nhâm Dần 2022, trong đó có câu viết được chú thích rõ là tục ngữ: "Giao thừa vợ nấu cháo lươn/Chồng ăn chồng..., vợ trườn ra sân" khiến nhiều người bất ngờ vì lần đầu tiên nghe và thắc mắc sao tục ngữ lại phồn thực với nhiều từ nhạy cảm đến thế?
Trao đổi với Thanh niên, TS Hà Thanh Vân, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, câu lục bát đang “gây bão” mạng xã hội không phải là tục ngữ, mà là ca dao vì làm theo thể 6 - 8, có vần. Tục ngữ thường là câu ngắn, có vần nhưng không ra thể thơ. Do đó, yếu tố đầu tiên, trên tờ lịch ghi đây là câu tục ngữ là không chính xác.
Theo TS Hà Thanh Vân, nguyên văn câu ca dao này là: "Thương chồng thì nấu cháo lươn/Chồng ăn chồng... cho trườn ra sân".
TS Hà Thanh Vân cho hay, đặc tính của ca dao là có dị bản, tức là những câu ca dao tương tự như thế, có thể đổi đi một vài từ nhưng vẫn giữ tinh thần, ý nghĩa như ban đầu.
Cũng theo TS Hà Thanh Vân, trong ca dao, tục ngữ của Việt Nam có một số câu có tính chất tục một chút. Đây là điều bình thường, vì trong văn học dân gian Việt Nam, một số câu chuyện cười cũng có hàm nghĩa tục để gây cười.
Ý nghĩa của câu ca dao này, TS Hà Thanh Vân cho rằng đây là câu ca dao diễn tả tình cảm vợ chồng bình thường, chăm sóc người chồng không phải chỉ về tinh thần còn về ý nghĩa đời sống quan hệ vợ chồng.
Tờ lịch "gây bão" mạng xã hội với nhiều ý kiến chỉ trích.
Chưa biết câu ca dao trên tờ lịch có thật hay chỉ là sản phẩm của photoshop, nhưng theo TS Hà Thanh Vân, nếu có thật, câu ca dao được in vào ngày cuối cùng của năm, ngay thời điểm năm hết Tết đến như vậy là không phù hợp.
Đồng quan điểm, trao đổi với Zing, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, cho biết trước hết, hai câu trên không phải là tục ngữ như chú thích trong tờ lịch. Tục ngữ là thể loại văn học dân gian, câu nói ngắn gọn nhằm tổng kết kinh nghiệm, bài học, chiêm nghiệm của dân gian.
Về mặt hình thức, đây là câu ca dao. Tuy nhiên, ông Tình nghi ngờ tính chính danh của nó.
Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, ca dao nước ta cũng có những câu mang tính phồn thực nhưng vẫn có tính chọn lọc, phản ánh kinh nghiệm, có ý nghĩa, dân gian chấp nhận, mang yếu tố thẩm mỹ, không bậy như câu trên.
Ngoài ra, không phải mọi câu trong dân gian đều được đưa vào sách. Các nhà văn hóa dân gian khi sưu tầm sẽ chắt lọc để xem câu đó có điển hình, phù hợp thuần phong mỹ tục không.
Ông nghi ngờ câu thơ được tự tạo chứ không phải của dân gian vì giọng điệu, hơn nữa, nội dung rất tục, bậy bạ, không mang giá trị của tư duy dân gian.
"Tôi ngờ đây là câu tự tạo, không ý nghĩa. ‘Giao thừa vợ nấu cháo lươn / Chồng ăn chồng … vợ trườn ra sân’ không mang tính điển hình, sống sượng, vô nghĩa, thô tục. Giả sử đúng là có người nói câu đó, nó cũng không được đưa vào văn bản in trên tờ lịch như thế", ông Tình nói.
Ông nhấn mạnh đây là cách xử sự rất kém văn hóa, không thể chấp nhận được. Thông thường, người ta đưa vào tờ lịch thông tin cần thiết, liên quan ngày đó, đồng thời điểm xuyết bằng câu nói hay, ca dao, tục ngữ, danh ngôn thể hiện nét đẹp chung của nhân loại, đất nước.
Chưa tìm ra đơn vị in ấn, nhà xuất bản phụ trách
Theo báo Dân trí, PV đã thử tìm hiểu, xác minh nguồn gốc của tấm lịch gây tranh cãi trên nhưng không thể tìm ra đơn vị in ấn, nhà xuất bản phụ trách.
Một tờ lịch khác cũng có câu nói được chú thích là ca dao, tục ngữ gây tranh cãi vì nội dung khó hiểu. Ảnh: Mạng xã hội.
Thực tế, đây không phải là lần đầu những tấm lịch Tết gây tranh cãi vì in những câu nói vô nghĩa, khó hiểu thậm chí là tục tĩu.
Trước đó, một số người dùng cũng chia sẻ tờ lịch của một doanh nghiệp in số lượng lớn tặng khách hàng, trong đó có trích dẫn câu được chú thích là ca dao tục ngữ: "Cô Ba cô Bốn lấy chồng/ Cô Năm ở lại giật mồng tăng tăng" với nội dung vô nghĩa, khó hiểu.
Tổng hợp
https://soha.vn/giao-thua-vo-nau-chao-luon-in-tren-to-lich-ngay-29-tet-gay-bao-vi-noi-dung-tho-thien-20220126135719167.htm