Giáo sư "quần đùi" Trương Nguyện Thành chia sẻ cách dạy con của ông nội: Giả vờ không biết để được trẻ hướng dẫn, là dạy mà như không dạy!

18/06/2019 11:28 AM | WeLearn

Trò chuyện với nhiều độc giả trong buổi ra mắt quyển sách "Cha Voi do tự tay mình chấp bút", vị Giáo sư "quần đùi" Trương Nguyện Thành đã chia sẻ những bài học dạy con thực tế, đúc kết từ câu chuyện của chính bản thân ông.

Dạy thông qua học là cách làm hiệu quả nhất, dạy mà như không dạy!

GS Trương Nguyện Thành kể rằng từ nhỏ mình đã chịu ảnh hưởng từ cách dạy dỗ của ông nội. Lúc ông Thành lên 5 - 6 tuổi, ông nội đã bắt người cháu đi cắt rau dền mang ra chợ bán, sau đó ông nội đi theo. 

"Nhiều người nói ông nội keo kiệt bắt đứa nhỏ đi bán vì đồng bạc lẻ nhưng ông tôi chẳng màng tới dư luận. Sau này, tính cách của tôi có phần ảnh hưởng từ sự ngang tàng đó", ông Thành nói.

Ở với ông nội, ông Thành nhận được sự dạy dỗ bắt nguồn từ những sự việc nhỏ diễn ra xung quanh mình. Bất kỳ sự việc nào, ông nội cũng bảo GS "quần đùi" đưa ra suy nghĩ, nhận định vì sao đúng và vì sao sai, thậm chí là truy vấn đến cùng.

GS Trương Nguyện Thành chia sẻ: "Ví dụ, ông tôi hay giả vờ không biết và nhờ tôi hướng dẫn. Nhưng mãi sau này, tôi mới nhận ra rằng không phải ông không biết vấn đề đó mà phương pháp dạy thông qua học là cách làm hiệu quả nhất, dạy mà như không dạy"

Sau này, khi áp dụng phương pháp giáo dục tương tự đối với con mình, GS "quần đùi" khẳng định người lớn không thể bắt trẻ nhỏ phải ghi nhớ chi tiết một quy trình hay cách thức nào đó, cụ thể như việc định hướng. Trên đường chở con về nhà, đôi lúc, ông Thành sẽ "giả vờ" như quên đường và nhờ con chỉ giúp, tạo điều kiện cho con tự học thông qua vai trò của một người hướng dẫn.

Theo ông Thành, mặc dù cha mẹ vẫn là người có ảnh hưởng rất lớn tới nhận định của con cái nhưng cũng nhờ dạy con mà bản tính của cha mẹ cũng thay đổi nhiều, đặc biệt là câu chuyện kiểm soát cảm xúc

Từ kinh nghiệm dạy con (ông Thành có một người con trai tự kỷ), GS "quần đùi" cam đoan: "Bây giờ đố các bạn có thể chọc cho tôi giận được".

Đối với những đứa trẻ có tính cách đặc biệt như trẻ tự kỷ. Người làm cha mẹ nên đưa ra những nhận định tích cực về sự đặc biệt này ở trẻ. Đồng thời, hướng cá tính đó theo con đường phát triển phù hợp, chứ không nên áp đặt "con phải như anh/em con, con phải giống con nhà người ta".

Giáo sư quần đùi Trương Nguyện Thành chia sẻ cách dạy con của ông nội: Giả vờ không biết để được trẻ hướng dẫn, là dạy mà như không dạy! - Ảnh 1.

Từ kinh nghiệm dạy con (ông Thành có một người con trai tự kỷ), GS "quần đùi" cam đoan : "Bây giờ đố các bạn có thể chọc cho tôi giận được".


Các phong cách dạy con tùy theo mức độ nghiêm khắc và sự quan tâm tới cảm xúc

Vị Giáo sư cho rằng khoảng 50 năm trước, các nhà khoa học tâm lý đã nghiên cứu và liệt kê các phong cách dạy con điển hình, dựa vào hai trục chính là mức độ nghiêm khắc và sự quan tâm tới cảm xúc.

Thứ nhất, phong cách nghiêm khắc mà không quan tâm tới cảm xúc là cách mà "mẹ hổ" Amy Chua đã làm và từng nổi đình nổi đám một thời. Theo đó, đứa trẻ chỉ biết tuân thủ mệnh lệnh của cha mẹ và rất dễ bị khủng hoảng về tâm sinh lý. Bản thân GS Amy Chua cũng thừa nhận sự thất bại trong việc dạy đứa con thứ hai của bà bằng cách làm này.

Phong cách thứ hai là quan tâm tới cảm xúc nhưng không nghiêm khắc. Đây là xu hướng dạy con của nhiều cha mẹ trẻ hiện đại. Họ có thu nhập khá, muốn làm bạn với con nhưng thiếu các nguyên tắc cốt lõi trong gia đình. Từ đấy, đứa trẻ có xu hướng sống ích kỷ và quá đề cao cái tôi.

"Tệ hơn nữa, có nhiều cha mẹ còn thiếu quan tâm, không nghiêm khắc. Họ buông bỏ hoàn toàn việc dạy con", GS Trương Nguyện Thành nói.

Cuối cùng, phong cách dạy con đúng mực vẫn là quan tâm đến cảm xúc của trẻ, đồng thời giữ được thái độ nghiêm khắc. Để làm tốt điều này, cha mẹ phải thực sự làm gương, biết sử dụng lý lẽ và nguyên tắc để giáo dục. Thay thế hình thức trừng phạt đòn roi bằng cách hạn chế các quyền lợi liên quan. 

Phương Danh

Cùng chuyên mục
XEM