Giáo sư Nguyễn Xuân Thu và cuộc “vật lộn” đưa trường quốc tế đầu tiên về Việt Nam
Việc đưa một trường quốc tế về Việt Nam trong những năm 90 là một thách thức lớn. Nhưng bằng sự cố vấn và "cầu nối" của GS Nguyễn Xuân Thu, RMIT được hình thành.
Một tối hè tháng 6, GS Nguyễn Xuân Thu từ Vũng Tàu ra Hà Nội gặp lại lứa học trò cũ và những người đang làm trong lĩnh vực giáo dục. Ông được mời đến một hiên trà để chia sẻ kinh nghiệm mà ông đã tích lũy trong hơn 65 năm phát triển giáo dục tại Việt Nam và Australia.
Ở tuổi 87, GS Thu vẫn rất minh mẫn dù không còn nhanh nhẹn. Nhưng bệnh tuổi già cũng không thể làm cho vị GS từ bỏ nỗi trăn trở và lòng nhiệt huyết đối với giáo dục, thứ đã gắn liền với suy nghĩ của ông cả một đời.
GS-TS Nguyễn Xuân Thu (sinh năm 1935, quê ở tỉnh Quảng Trị), từ nhỏ đã sống cảnh mồ côi, bần hàn. Dù gia đình không có điều kiện nhưng ông cố gắng làm nhiều công việc để được đi học. Sau này, ông Thu được cấp học bổng đi học cao học ở Mỹ, lấy bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ rồi về Việt Nam làm việc.
Năm 1980, ông rời Việt Nam sang Australia sinh sống và nghiên cứu, giảng dạy cho 3 trường Đại học, trong đó có Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT). Tại đây, ông có những thành tựu lớn và là một trong số ít người Việt được phong hàm Giáo sư. Năm 1991, ông manh nha kế hoạch bỏ công việc nghiên cứu, giảng dạy ở Úc để trở về Việt Nam tận hiến cho giáo dục nước nhà.
Trường Đại học quốc tế đầu tiên tại Việt Nam từ đây cũng dần hình thành, dưới sự cố vấn, "cầu nối" của GS Nguyễn Xuân Thu giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam và phía RMIT (Úc).
Về Việt Nam dù bị gièm pha và phản đối
Tháng 10/1991, GS Nguyễn Xuân Thu về nước sau 11 năm sống ở Australia. Trong chuyến đi này, ngoài gặp lại hai người chị ruột ở TP.HCM, ông ra Bắc thăm một số trường đại học rồi vào miền Trung thăm một số nơi-. Thời điểm ấy, ông thấy nhiều vùng nông thôn ở Quảng Trị, Huế còn nghèo đói. Học sinh gầy gò, xanh xao và bỏ học nhiều.
Những hình ảnh của học sinh ở vùng nông thôn Việt Nam vẫn ghim mãi trong đầu GS Thu cho đến khi ông trở về Australia một tháng sau đó. “Từ ngày rời Việt Nam, không hôm nào tôi ngủ ngon giấc. Đêm nào tôi cũng trằn trọc suy nghĩ, phải làm gì để giúp những người nghèo khó ở quê hương? Làm sao để trẻ con có cuộc sống tốt đẹp hơn? Có cách nào để mọi trẻ em đều được cắp sách đến trường?”, ông trăn trở.
Từ ngày đó, GS Thu âm thầm lập một kế hoạch làm việc khác trước đây. 50% thời gian ông dành cho việc nghiên cứu, giảng dạy và làm việc để kiếm đồng lương. 50% còn lại, ông nghĩ cách để giúp người dân tại quê nhà thoát khỏi đói nghèo.
Giữa năm 1992, ông và đồng nghiệp tại Úc lập quỹ học bổng Việt Nam cho một số học sinh, sinh viên nghèo ở 3 thành phố: Hà Nội, Huế và TP.HCM. Ngoài ra, quỹ này còn cung cấp một số máy tính, trang thiết bị dạy nghề cho một số trung tâm, trường học tại Việt Nam.
Tuy số tiền không quá nhiều nhưng quỹ học bổng này có tác động rất tích cực. Nhiều sinh viên ở các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), trường Đại học Bách khoa TP. HCM, trường Quốc học Huế,... nhận được học bổng này.
Đa số sinh viên nhận học bổng đều sang Úc học Thạc sĩ. Sau khi tốt nghiệp, họ về Việt Nam thành lập doanh nghiệp hoặc làm ở vị trí quan trọng trong các cơ quan, công ty, tập đoàn lớn,..
“Nếu không có sự giúp đỡ của thầy Thu, chắc tôi khó có được thành công như ngày hôm nay”, anh Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1976, ở Hà Nội), người nhận được học bổng cao học, chia sẻ trong buổi gặp lại thầy sau gần 20 năm.
Anh Nguyễn Anh Tuấn xúc động khi gặp lại GS Thu và cảm ơn thầy đã tài trợ học bổng.
Anh Tuấn hiện là Tổng Giám đốc kiêm thành viên HĐQT một công ty có tiếng về giải pháp công nghệ và trung tâm liên lạc. Biết thầy Thu ra Hà Nội, anh sắp xếp việc công ty để đến thăm và tri ân người đã trao học bổng cho mình. Nhìn thấy GS Thu, anh Tuấn vội bước đến, ôm và nắm chặt tay thầy.
"Học bổng của thầy ngày ấy là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Năm đó, tôi học tiếng Anh rất tốt nhưng không có nhiều điều kiện để học ở môi trường quốc tế.
Nhờ thầy, tôi có cơ hội được sang Úc, tiếp xúc và tìm hiểu sâu về thị trường nước ngoài. Việc thành lập công ty hiện tại cũng là kết quả của quá trình học hỏi, tích lũy những kiến thức tinh hoa ở trường đại học đó”, anh Tuấn chia sẻ và cho biết anh chỉ là một trong số nhiều người được thầy giúp đỡ. Nhiều người bạn của anh nhận được học bổng sang Úc học Thạc sĩ hiện đều thành công ở một số lĩnh vực.
Việc cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam được GS Thu đánh giá có hiệu quả và tiếp tục duy trì. Sau đó không lâu, ông nhận được thư của Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam, mời về nước làm cố vấn.
GS Thu bày tỏ với gia đình ý định về nước, song bị nhiều người bạn phản đối kịch liệt. Thậm chí có người nói ông không bình thường, vì chẳng mấy ai dám từ bỏ một cuộc sống ổn định, sung túc bên gia đình để đi làm việc không công.
Bỏ ngoài tai những lời trách móc và gièm pha, ông vẫn về quê hương để thực hiện nguyện vọng. Với ông, giáo dục và sự phát triển của Việt Nam quan trọng hơn bất cứ thứ gì.
“Là một đứa trẻ mồ côi lớn lên bên những con người nghèo khó, tôi lúc nào cũng muốn làm điều gì đó để giúp những người nghèo. Đối với tôi, chỉ giáo dục mới có thể giúp họ về lâu dài. Đó là tương lai, cũng là con đường tốt nhất giúp mang lại phồn vinh cho đất nước”, ông Thu nói.
Cuộc "vật lộn" đưa trường quốc tế đầu tiên về Việt Nam
Những năm 90, giáo dục Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới mạnh mẽ. Ông Trần Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo lúc bấy giờ, đã mời GS Nguyễn Xuân Thu về làm cố vấn cao cấp cho Bộ.
"Hệ thống giáo dục trước đó mang tính tập trung bao cấp, theo mô hình của Liên Xô cũ, ít tiếp xúc với giáo dục phương Tây và các nước phát triển. Bộ Đại học (tiền thân của Bộ Giáo dục và Đào tạo) khi đó có hàng loạt chủ trương đổi mới, đặc biệt là mở rộng hợp tác quốc tế. Đó là lý do tôi mời GS Nguyễn Xuân Thu, người làm việc ở nước ngoài hàng chục năm, làm cố vấn cho Bộ", Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân chia sẻ.
Nhận được thư mời từ Bộ trưởng Quân, GS Thu sắp xếp công việc giảng dạy ở Melbourne rồi về Hà Nội làm cố vấn cho Bộ và một số trường đại học lớn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngay khi về nước, GS Thu chủ động gặp gỡ Bộ trưởng Trần Hồng Quân, cùng bàn cách để cải cách giáo dục.
“Khi đó, tôi giúp Bộ GD&ĐT tìm hiểu cơ cấu tổ chức và cách thức điều hành một trường đại học đa ngành ở các nước phát triển phương Tây. Các vị lãnh đạo của Bộ và các trường đại học Việt Nam thời đó vẫn còn bị ảnh hưởng bởi mô hình đơn ngành trong khối Liên Xô cũ nên còn khá lúng túng, chưa biết làm sao có thể điều hành được một trường đại học đa ngành”, GS Thu kể lại.
GS Thu sau đó phụ trách mời những chuyên gia, nhà nghiên cứu và nhà khoa học quốc tế về Việt Nam để bàn thảo về giáo dục. Có những cuộc hội thảo được tổ chức với quy mô lớn nhất nhì lịch sử, có trên 20 quốc gia, hơn 200 nhà khoa học và nhà nghiên cứu cùng các lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam tham dự. Tại hội thảo này, ông Thu đưa ra những vấn đề của giáo dục Việt Nam và những lĩnh vực cần hỗ trợ.
Tuy nhiên, đến năm 1996, ông Thu nhận ra vai trò cố vấn của mình không mấy hiệu quả. “Nếu chỉ nghe mà không thấy thì khó có thể thuyết phục được người khác. Cách tốt nhất là mời trường quốc tế về mở tại Việt Nam, để nước ta được thấy, nghe và học hỏi cách thức quản lý của họ”, GS Thu đề xuất với Bộ trưởng.
Bộ trưởng Quân đồng ý ngay và nói: “Anh tìm giùm cho”. Ông Thu sau đó nhắm tới 2 trường lớn ở Úc và lựa chọn RMIT, rồi lập kế hoạch đưa về Việt Nam.
Với GS Thu, việc mở phân hiệu trường đại học quốc tế tại Việt Nam không hề đơn giản. Ông không chỉ làm nhiệm vụ cầu nối giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam với phía RMIT (Úc) mà còn soạn ra bộ kế hoạch cùng những văn bản gửi Chính phủ.
"Tháng 7/1996, văn bản xin thành lập trường RMIT do Bộ trưởng Trần Hồng Quân ký được trình lên văn phòng Chính phủ. Khoảng 3 tháng sau, Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT phải bổ sung một số văn bản theo yêu cầu. Chúng tôi lập tức làm ngay.
Đến tháng 12/1997, tôi soạn một văn bản, ký tên giám đốc chương trình Úc - Việt của trường đại học RMIT, gửi văn phòng Chính phủ, xin xét hồ sơ mở trường. May mắn, ngay ngày 23/1/1998, tôi nhận được văn bản trả lời từ Văn phòng Chính phủ số 274/VPCP/KGVX, đồng ý về mặt nguyên tắc cho trường RMIT được thành lập phân viện tại Việt Nam", GS Thu kể.
Hai năm sau, RMIT Việt Nam được thành lập tại TP.HCM, lớp học đầu tiên cũng được khai giảng ngay sau đó. GS Thu đóng vai trò là đồng sáng lập.
Đến nay, đã gần 30 năm kể từ khi ấp ủ kế hoạch, nguyên Bộ trưởng Trần Hồng Quân nhìn lại và thấy những lời cố vấn của ông Thu cũng như quyết định đưa RMIT vào Việt Nam là đúng đắn. Việc này cũng đáp ứng được một số kỳ vọng của lãnh đạo Bộ, đó là góp phần đào tạo một lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ, cách quản lý và trình độ tiên tiến về Việt Nam.
“Trong suốt quá trình cố vấn, GS Nguyễn Xuân Thu tham gia nhiều công việc với Bộ, đặc biệt về nội dung chương trình đào tạo và phân lại khung trình độ đại học,... Ông Thu giúp chúng tôi kết nối với các nước trên thế giới thông qua các cuộc hội thảo lớn chưa từng có trong tiền lệ để tìm ra hướng đi mới cho giáo dục Việt Nam. Chúng tôi thấy được ở Giáo sư một tầm nhìn rộng và một lòng tâm huyết với sự nghiệp giáo dục”, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Trần Hồng Quân cho biết.
Sau khi mọi thứ vận hành trơn tru, GS Thu trở lại Australia để tiếp tục làm việc, nghiên cứu, hoàn chỉnh trường RMIT Việt Nam.
“Tuy đã thành lập nhưng RMIT vẫn còn một số vấn đề về thuê đất. Tôi khi đó đại diện RMIT làm việc với Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á để xin hỗ trợ vay tiền. Ngoài ra, tôi hướng dẫn cho RMIT (Úc) hiểu về hệ thống giáo dục Việt Nam, cũng như kinh tế, văn hóa, con người Việt Nam để họ cấp học bổng cho học sinh nước mình”, GS Thu nói.
Đi tìm giải pháp cho những “căn bệnh” của giáo dục
Năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Úc tiền nhiệm Scott Morrison họp bàn hợp tác để tăng tốc phát triển kinh tế xã hội giữa 2 quốc gia, trong đó có sự ưu tiên về giáo dục. Trước sự hợp tác đó, ông Thu mong muốn có nhiều người Việt sang Úc học tập, bởi theo ông đó là nền giáo dục tuyệt vời, thật sự phù hợp với Việt Nam.
Theo ông, để làm được điều này, chúng ta cần tích cực trao đổi sinh viên và công dân hai nước. Úc cũng mong muốn nhiều người Việt qua học hành, đầu tư, định cư.., và cũng muốn nhiều người Úc qua Việt Nam học tập, làm việc, kinh doanh, đem lại phúc lợi cho cả 2 dân tộc.
“Việc của giáo dục là làm sao để đẻ được một bầy chim. Quốc gia nào nhiều thức ăn, nhiều lưới thì sẽ bắt được nhiều”, ông Thu cho hay.
Tuy nhiên, việc đưa người Việt sang nước ngoài học tập, làm việc, định cư khiến nhiều người lo ngại về vấn đề “chảy máu chất xám”. Nói về vấn đề này, ông Thu cho rằng quan điểm trên là lỗi thời. Với ông, chất xám là của toàn nhân loại, không phân biệt quốc gia hay vùng miền. Dù ai làm việc hay định cư ở đâu thì cũng mang lại giá trị và lợi ích kinh tế cho quốc gia và thế giới. Họ đóng vai trò lớn trong việc lan tỏa hình ảnh và gắn kết bạn bè quốc tế với Việt Nam.
Với kinh nghiệm hơn 40 năm sống ở nước ngoài, tìm hiểu và trải nghiệm các nền giáo dục ở nhiều quốc gia khác nhau, ông Thu nhận thấy học sinh Việt Nam tuy chắc về kiến thức sách vở, nhưng thiếu nhiều kỹ năng mềm và ngoại ngữ.
Ông cho biết, giáo dục phổ thông ở Việt Nam so với thế giới thì không kém chút nào, thậm chí có phần nổi trội. Nhiều em ở Việt Nam đang học lớp 9, khi sang Úc thì học lớp 11, nhưng đa số các em đều kém về kỹ năng mềm, kỹ năng lãnh đạo, sáng kiến, giúp đỡ lẫn nhau, hành xử nhân văn,..
Để cải thiện tình trạng này, theo GS Nguyễn Xuân Thu, người làm sách giáo khoa cần xây dựng những chương trình thiên về kỹ năng, thay vì chỉ kiến thức phổ thông. Bởi hiện nay, trật tự ưu tiên đã thay đổi, tầm quan trọng của kỹ năng được tăng lên một bậc. Trước đây là Giáo dục - Đào tạo - Kỹ năng, còn nay là Giáo dục - Kỹ năng - Đào tạo.
Về tiếng Anh, trình độ của học sinh Việt vẫn còn yếu so với khu vực và thế giới. Ông Thu cho rằng nên mời các giáo viên bản ngữ ở New Zealand, Úc, Anh, Mỹ, Canada, về dạy cho các trường học, đặc biệt là ở vùng nông thôn.
“Chính phủ hai nước nên tài trợ cho các giáo viên bản ngữ về nông thôn dạy học. Làm sao để 10 năm sau Việt Nam mình không thua các nước Đông Nam Á về tiếng Anh, học sinh tự tin thể hiện mình với thế giới”, ông Thu mong muốn.
Hiện nay, GS Thu còn muốn thực hiện những dự án của riêng mình. Ông muốn thành lập các “trung tâm nông thôn”, nơi sẽ xóa đi khoảng cách về giàu nghèo, khoảng cách về đầu tư, học tập, văn hóa, kiến trúc và chất lượng cuộc sống,...
Để làm điều này, ông Thu bắt đầu từ “cái cần câu” giáo dục. Ông góp phần xây dựng và đưa những thư viện về vùng nông thôn, giúp học sinh có cơ hội được tiếp cận với những tri thức mới và văn hóa đọc…
Ngày 20/2/2022, GS Thu quyết định rời Úc về sống ở quê hương Việt Nam cho đến cuối đời. Ở tuổi 87, ông vẫn giữ thói quen suy nghĩ tích cực, ăn thực phẩm tích cực và đi bộ 10.000 bước mỗi ngày (khoảng 7km).
Việc rèn luyện tinh thần và thể trạng giúp ông có thêm thì giờ để suy nghĩ những dự án giáo dục. Ông tìm cách làm sao để xây dựng một nền giáo dục nghề nghiệp cho đại chúng, rồi phát triển lên bậc cao hơn, thành một nền giáo dục chú trọng vào khoa học kỹ thuật, để đóng góp vào tài nguyên của nhân loại.
“Tất cả mục tiêu của giáo dục là dạy cho con người có ít nhất một cái nghề, có công ăn việc làm để sống lương thiện, con người không còn lo cái nghèo, xã hội sống hạnh phúc hơn và sẵn sàng, chủ động hội nhập với cộng đồng quốc tế”, ông Thu nói.
Một số thành tựu của GS Nguyễn Xuân Thu tại Australia
Những năm làm việc ở Úc, GS-TS Nguyễn Xuân Thu soạn chương trình Việt ngữ và giảng dạy môn tiếng Việt, văn hóa Việt Nam cho sinh viên 3 trường đại học. Đây cũng là chương trình tiếng Việt đầu tiên được đưa vào giảng dạy tại Úc.
Đầu năm 1983, ông soạn 2 cuốn sách Tập đọc cho học sinh lớp 1 và được nhiều phụ huynh đón nhận sau khi phát hành. Tiếp đó, ông lập một dự án gửi Ủy ban Học đường của Chính phủ Australia xin tài trợ để soạn một bộ sách Việt ngữ dùng cho học sinh Tiểu học. 6 năm sau, ông xuất bản gần 20 quyển sách song ngữ và sách tiếng Việt. Sau này, tiếng Việt trở thành môn học được giảng dạy trong các trường phổ thông tại tiểu bang Victoria.
Ngoài công việc của một giảng viên đại học như hướng dẫn luận án Thạc sĩ, Tiến sĩ, ông Thu được mời tham gia vào Ban tư vấn xây dựng chương trình cử nhân ngành Việt học và Thông dịch tiếng Việt. Năm 1993, GS Thu được mời tham gia nghiên cứu tình hình giảng dạy và học tập môn Việt ngữ tại tất cả các trường trên toàn nước Úc.