Giáo sư đại học hàng đầu: đừng bao giờ tự gắn cái mác "người tốt" cho chính mình, luôn luôn sẽ tồn tại những người không thích bạn

03/10/2020 11:18 AM | Sống

Đừng tự trói mình vào cái mác “người tốt”, sau đó sống theo tiêu chuẩn này, vì muốn trở thành cái gọi là “người tốt” trong mắt mọi người mà viện cớ cho sai lầm của mình, cứ như vậy bạn sẽ mãi mãi không thể trưởng thành.

Lòng tốt không có nguyên tắc, không chỉ không thể truyền đạt thiện ý tới thế giới mà nhiều khi còn cho thấy sự nhát gan của bạn.

Tin rằng rất nhiều người đã từng nghe qua những câu như này, "bạn tốt, lần này nhất định phải giúp tôi đấy nhé!", "Cậu tốt vậy, nhất định không nhẫn tâm từ chối tôi đâu nhỉ!" …

Lẽ nào chính vì lòng tốt nên luôn để người khác lấy cái gọi là đạo đức ra để trói buộc chúng ta một cách không kiêng nể?

Lẽ nào chính vì chúng ta tốt, nên nhất định phải giúp đỡ người khác?

Nếu không giúp là sẽ lập tức thành không tốt, là thành người xấu luôn ư?

Nhắc tới người tốt, định nghĩa của mọi người về người tốt phần lớn đều là "người hay mềm lòng", rất nhiều người được phát tấm thẻ người tốt là bởi ý chí họ không kiên định, rất dễ mềm lòng, không nỡ từ chối khi người khác ngỏ lời.

Ngày còn học đại học, tôi cũng từng quen "người tốt" như vậy.

Bạn cùng phòng của "người tốt", bình thường chi tiêu không quy củ, cứ gần tới cuối tháng là sẽ tìm "người tốt" kia vay tiền, cậu bạn "người tốt" này vốn dĩ cũng không khá giả gì, bình thường chi tiêu khá tiết kiệm, nhưng bản tính cậu ấy lại rất hay mềm lòng, nên mỗi lần cậu bạn kia mở lời là sẽ đều cho vay.

Mặc dù bản thân sau khi cho vay cũng sống chẳng khá giả gì hơn, nhưng trong lòng vẫn không buông được cái tiêu chuẩn "người tốt" của mình.

Vậy rốt cuộc là có nên xem việc "làm người tốt" là một tiêu chuẩn của cuộc sống hay không? Nếu trong quá trình làm người tốt mà cứ luôn có cái tâm lý vướng mắc, thường xuyên suy nghĩ "làm người tốt" có tốt hay không, vậy thì đừng xem cái gọi là "làm người tốt" là tiêu chuẩn cuộc đời của mình.

Giáo sư đại học hàng đầu: đừng bao giờ tự gắn cái mác người tốt cho chính mình, luôn luôn sẽ tồn tại những người không thích bạn - Ảnh 1.

Đừng luôn xem "làm người tốt" là tiêu chuẩn của cuộc đời

Chen Guo, giáo sư của Đại học Phúc Đán (Top 5 trường đại học hàng đầu tại Trung Quốc) từng nói, đừng hoan nghênh cái mác "người tốt" mà người khác gắn cho mình, bất kể bạn có ưu tú tới đâu, vẫn luôn sẽ có người không thích bạn.

Vì vậy, sống ở đời, hãy là chính mình, mặc dù như vậy vẫn sẽ có người không thích bạn, nhưng bạn chắc chắn sẽ có nhiều thêm một người trong danh sách những người thích bạn, đó chính là bản thân bạn.

Trong cuộc sống, có rất nhiều điều chúng ta không nhận ra, hãy dũng cảm phát hiện ra khuyết điểm của mình, thừa nhận và thay đổi, từ đó đạt được tiến bộ.

Chứ không phải tự trói mình vào cái mác "người tốt", sau đó sống theo tiêu chuẩn này, vì muốn trở thành cái gọi là "người tốt" trong mắt mọi người mà viện cớ cho sai lầm của mình, cứ như vậy bạn sẽ mãi mãi không thể trưởng thành.

"Làm người tốt" là một chuyện vừa khó khăn cũng vừa đơn giản.

Khó là ở chỗ bạn luôn luôn phải nghĩ cho người khác, khi người ta tìm tới bạn nhờ giúp đỡ, bạn sẽ giúp người ta tới cùng, dù điều đó có ảnh hưởng không tốt tới mình.

Đơn giản ở chỗ bạn không cần phải lấy hết can đảm để đi từ chối người khác, bởi từ chối nhiều khi nói thì dễ nhưng làm lại vô cùng khó.

Ai cũng muốn làm người tốt, nhưng ai cũng có rất nhiều chuyện mà mình không muốn làm.

Chẳng hạn trong lúc mình đang bận, người khác nhờ mình giúp đỡ, nếu giúp, việc của mình sẽ bị ảnh hưởng, nhưng nếu không giúp thì lại phải nghĩ lý do từ chối sao cho hợp lý, khổ nỗi là từ chối nghĩ thì đơn giản, nhưng lúc nói ra lại khó hơn cả lên trời.

Vừa phải nghĩ làm sao để đối phương không giận, vừa phải nghĩ làm sao để đối phương không thành kiến với mình…

Nghĩ cả nửa ngày trời, cuối cùng vẫn không từ chối được.

Nhưng bạn đã bao giờ nghĩ, bạn nghĩ đi nghĩ lại, nhưng lại duy nhất không hề nghĩ tới cảm nhận của chính mình, hỏi xem mình có muốn hay không. Đây thường là cái vướng mắc của việc làm "người tốt".

Vì vậy, nếu có thể, hãy tha cho chính mình, đừng cứ luôn luôn xem việc "làm người tốt" là tiêu chuẩn cuộc sống của mình.

Giáo sư đại học hàng đầu: đừng bao giờ tự gắn cái mác người tốt cho chính mình, luôn luôn sẽ tồn tại những người không thích bạn - Ảnh 2.

Khi bạn từ bỏ việc "làm người tốt", nghĩa là bạn đã trưởng thành

Trưởng thành là quá trình thoát khỏi sự non nớt tiến tới sự chín chắn, trầm ổn, là quá trình nhận thức rõ mục tiêu của cuộc đời, là biết rõ mình muốn một cuộc sống ra sao và phát triển đi lên theo hướng đó. Con đường trưởng thành vừa khó khăn nhưng cũng lại vừa ý nghĩa.

Phương thức trưởng thành của mỗi người là không giống nhau, định nghĩa về trưởng thành cũng khác nhau, nhưng điểm giống nhau đó là đều không biết rốt cuộc mình muốn gì, cái gì mới hợp với mình.

Emerson từng nói, sự lương thiện của bạn bắt buộc phải có một chút sắc sảo trong đó, nếu không sự lương thiện ấy sẽ chẳng khác nào có cũng như không.

Từ bỏ việc "làm người tốt" không có nghĩa là từ bỏ đi sự lương thiện, mà là sống sao cho sắc sảo, sao cho có chính kiến hơn.

Ai cũng chỉ có một cuộc đời, sao cứ mãi phải "làm người tốt" để thành toàn cho những người thậm chí còn không xứng đáng?

Học cách nhìn nhận là một phần của quá trình trưởng thành, hãy học cách tốt bụng với người xứng đáng, và sắc sảo với những người không xứng đáng.

Tốt bụng, những cũng phải có giới hạn, lòng tốt mà không có nguyên tắc thì đó gọi là nhu nhược, nhiều khi sự nhu nhược ấy còn thành toàn cho cái xấu cái ác phát triển hơn.

Khi chúng ta hiểu ra được đạo lý này, từ bỏ việc cắm đầu cắm cổ vào làm người tốt, sự trưởng thành cũng sẽ ngày một gần chúng ta hơn.

Như Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM