Giao mùa, bệnh viện liên tiếp tiếp nhận các ca mắc thuỷ đậu: Bệnh quen thuộc nhưng biến chứng khôn lường, gây viêm não, động kinh nếu không chữa kịp thời
Bệnh thủy đậu rất phổ biến, thường xảy ra ở người lớn và cả trẻ em. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng khôn lường, thậm chí là viêm não.
Mới đây, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản Nhi, tỉnh Vĩnh Phúc vừa tiếp nhận một bệnh nhi được mẹ đưa vào khám với các nốt thủy đậu chi chít, người tấy đỏ xung quanh.
Mẹ bệnh nhi cho biết con bị thủy đậu, nghe người dân xung quanh mách mách lấy kim chọc cho hết các nốt rồi bôi thuốc Đông y vào cho nhanh khỏi. Kết quả, bé bị nhiễm trùng nặng.
Bà mẹ chia sẻ thêm sợ thủy đậu phải kiêng gió, kiêng nước nên 5-6 ngày qua trẻ chưa tắm, chỉ thay quần áo. Hậu quả, bệnh nhi vừa bị thủy đậu vừa bội nhiễm da khiến cháu bé đau, ngứa khắp cơ thể.
Tương tự, thời gian gần đây, khoa Bệnh lây đường tiêu hóa – Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện TWQĐ 108 liên tiếp tiếp nhận các ca bệnh với chẩn đoán thủy đậu.
Bệnh nhân vào viện với các triệu chứng như: sốt, đau đầu, đau nhức cơ, có những nốt đỏ tròn nhỏ mọc nhanh khắp cơ thể hoặc mọc rải rác trong vòng 12 giờ đến 24 giờ. Sau đó, các nốt này tiến triển thành những mụn nước, bọng nước, mun mủ, bệnh nhân có ho và đi ngoài phân lỏng.
TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm cho biết, bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra. Virus Varicella Zoster gây bệnh thủy đậu chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp, bằng các giọt nước nhỏ trong không khí bắn ra từ đường hô hấp như mũi, miệng của người bệnh, thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với đồ vật như quần áo, chăn gối có vấy bẩn các chất tiết của người bệnh, qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch khi các bọng nước bị vỡ.
Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có thể lây cho thai nhi qua nhau thai, gây nên tình trạng mắc thủy đậu bẩm sinh. Thời gian lây bệnh của thủy đậu kéo dài từ trước khi nổi ban đỏ 1-2 ngày cho đến khi các bọng nước đóng vảy hoàn toàn.
Thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi để bệnh thủy đậu phát triển và lây lan, bệnh gây ra nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não. Di chứng sau đó có thể kèm theo như điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động…Trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc thủy đậu khi mang thai có thể mắc phải các dị tật bẩm sinh. Bệnh thủy đậu không phải chỉ gặp ở trẻ em mà bệnh thủy đậu còn gặp ở người lớn với các biểu hiện đôi khi còn nặng nề hơn.
Đối với bệnh thủy đậu, hiện tại không có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh thủy đậu. Việc điều trị bệnh thường tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước. Vì vậy việc chăm sóc người bệnh thủy đậu đóng một vai trò quan trọng, cần đảm bảo ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý, thay quần áo và tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm sạch, tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo.
Bệnh có thể lây lan nhanh chóng và trở thành dịch nên việc phòng ngừa thủy đậu là rất quan trọng. Phòng ngừa bệnh thủy đậu một cách chủ động và có hiệu quả nhất đó là chủng ngừa thủy đậu bằng vắc-xin. Đối với các trẻ lớn hơn và người lớn, nên tiêm đủ 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần là tốt nhất.