Gian nan hành trình nhân giống loại cây chỉ còn 5 cá thể trên Trái đất, hiếm tới mức được bảo vệ 24/24
Loại cây này là gì và tại sao nó chỉ có 5 cá thể?
Sự phát hiện tình cờ
Việc phát hiện ra loại cây này là khá tình cờ. Năm 2001, khi nghiên cứu các mẫu vật, chuyên gia Trần Hựu Sinh đã tìm thấy một mẫu vật của một loại cây lạ nằm lẫn trong các mẫu vật phong Cống Sơn. Mặc dù không đầy đủ nhưng mẫu vật này lại có những đặc điểm khác biệt so với loài phong Cống Sơn.
Điều này đã thôi thúc ông bắt đầu hành trình tìm kiếm loại cây bí ẩn này. Mẫu vật được thu thập tại Mã Lộc Đường, Vân Nam, Trung Quốc. Để xác định đây có phải là một loài mới hay không, việc tìm được cây sống là điều bắt buộc.
Đến tháng 4 năm 2002, chuyên gia Trần Hựu Sinh đến Mã Lộc Đường. Sau một thời gian tìm kiếm, ông đã phát hiện một cây lớn gần một ngôi làng có lá rất giống với mẫu vật đặc biệt kia. Cây đang ở cuối giai đoạn ra hoa và đã bắt đầu kết trái. Sau khi nghiên cứu, nhóm của ông xác nhận đây là một loài cây mới. Năm 2003, loài cây này chính thức được đặt tên là phong Dạng Tỵ, dựa theo địa điểm phát hiện cá thể đầu tiên tại huyện Dạng Tỵ.
Tuy nhiên, lần đầu tiên phong Dạng Tỵ được mô tả khoa học cũng là lúc các nhà khoa học nhận ra rằng loài cây này đang có nguy cơ tuyệt chủng. Bởi số lượng cá thể loài chỉ đếm trên đầu ngón tay, cụ thể phong Dạng Tỵ chỉ còn 5 cây trên thế giới. Để bảo vệ chúng, Trương Quốc Thụ trưởng thôn Mã Lộc Đường khi đó đã tình nguyện đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ quan trọng.
Ông Trương Quốc Thụ không chỉ ngăn chặn gia súc ăn lá cây mà còn canh giữ để kẻ xấu trộm cắp và chặt phá. Mỗi ngày, ông đều hết sức cẩn trọng. Nếu có người lạ vào làng, ông sẽ theo dõi sát sao, đề phòng trường hợp họ có ý định trộm cây. Nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài. Để bảo vệ phong Dạng Tỵ, việc quan trọng nhất là phải giải quyết vấn đề nhân giống, giúp quần thể phát triển để thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Hành trình gian nan nhân giống loại cây quý
Công việc nhân giống của các nhà khoa học liên tục gặp khó khăn. Phong Dạng Tỵ sinh sản bằng hạt. Quả của nó là quả cánh, có thể phát tán nhờ gió. Hạt sẽ nảy mầm trong điều kiện đất đai và khí hậu thích hợp, nhưng những điều kiện này lại rất khan hiếm.
Hoa của nó cũng nở trong thời gian ngắn. Số lượng cây ít ỏi lại phân bố rải rác, khiến hiệu quả thụ phấn tự nhiên rất thấp, tỷ lệ đậu quả cũng rất thấp. Việc dựa vào sinh sản tự nhiên để bảo tồn loài này là gần như không thể. Vì vậy, các nhà khoa học bắt đầu thử nghiệm can thiệp nhân tạo. Ban đầu, họ hướng dẫn người dân thụ phấn nhân tạo cho phong Dạng Tỵ để tăng tỷ lệ sống, nhưng kết quả không khả quan. Sau đó, họ cũng thử ghép cành nhưng cũng thất bại.
Khi việc nhân giống Phong Dạng Tỵ sắp đi vào ngõ cụt, một hành động của ông Trương Quốc Thụ đã phá vỡ thế bế tắc. Ông nghĩ ra một cách, đó là cắt những cành có hoa của Phong Dạng Tỵ trong mùa hoa và buộc chúng vào một cây khác để chúng có thể thụ phấn gần hơn. Không ngờ, phương pháp "thô sơ" này lại hiệu quả, và từ đó, lứa hạt Phong Dạng Tỵ đầu tiên đã ra đời.
Tháng 10 năm 2008, chuyên gia thực vật Tôn Vệ Bang bất ngờ nhận được một bưu kiện từ lạ. Giống nhiều người, ông không dám mở một bưu kiện từ người lạ như vậy. Ông Tôn Vệ Bang đã gọi điện theo số điện thoại trên bưu kiện và được biết người gửi là ông Trương Quốc Thụ. Bưu kiện chứa hàng nghìn hạt giống phong Dạng Tỵ. Hóa ra, chuyên gia Trần Hựu Sinh đã nhờ ông Trương Quốc Thụ gửi số hạt giống này cho ông Tôn Vệ Bang với hy vọng ông có thể nghiên cứu và nhân giống cây con phong Dạng Tỵ.
Sau một năm nghiên cứu tỉ mỉ, chuyên gia Tôn Vệ Bang cuối cùng đã nắm vững kỹ thuật ươm phong Dạng Tỵ, giải quyết được bài toán kỹ thuật và ươm thành công hơn 1.600 cây con. Số cây này được trồng tại Vườn thực vật Côn Minh, một phần được đưa về trồng tại nơi sinh trưởng ban đầu.
Sau đó, cùng với sự gia tăng số lượng phong Dạng Tỵ, hiểu biết của con người về loài cây mới này cũng ngày càng sâu sắc. Và trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia lại có thêm những phát hiện mới. Trong số những cây phong Dạng Tỵ được nhân giống, dường như có một số gen chưa được phát hiện, một số cây không được thụ phấn từ 5 cá thể ban đầu.
Rừng phong Dạng Tỵ
Với phát hiện mới này, các chuyên gia tin rằng có thể vẫn còn quần thể phong Dạng Tỵ khác trong tự nhiên. Sau khi tìm kiếm kỹ lưỡng trên diện rộng, họ đã tìm thấy các quần thể hoang dã mới ở những nơi khác trong huyện Dạng Tỵ, với tổng số gần 600 cây. Tuy nhiên, phạm vi phân bố của phong Dạng Tỵ vẫn chỉ giới hạn trong huyện Dạng Tỵ. Trong những năm gần đây, nhờ môi trường sinh thái được phục hồi, người ta đã tìm thấy dấu vết của phong Dạng Tỵ ở các khu vực khác ngoài huyện Dạng Tỵ, như ở thành phố Phổ Nhĩ.
Bên cạnh những quần thể hoang dã mới được phát hiện, sau hơn mười năm bảo tồn, số lượng phong Dạng Tỵ được nhân giống nhân tạo đã vượt quá 60.000 cây, thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, và việc đưa cây trở lại môi trường tự nhiên cũng rất khả quan.
Tuy nhiên, phong Dạng Tỵ mới chỉ được tìm thấy ở một số khu vực thuộc tỉnh Vân Nam. Vậy tại sao phong Dạng Tỵ lại trở thành loài đặc hữu của Vân Nam?
Địa hình tỉnh Vân Nam phức tạp, nhiều núi non, tạo thành nhiều khu vực sinh thái biệt lập. Những khu vực này thường có tính đa dạng sinh học cao và các loài thực vật đặc hữu. Ngoài ra, khí hậu đa dạng, ấm áp và ẩm ướt cùng lượng mưa dồi dào của Vân Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng của các loài thực vật như phong Dạng Tỵ.
Phong Dạng Tỵ chủ yếu sinh trưởng ở các vùng núi cao. Điều kiện khí hậu và môi trường đặc biệt này khiến nó chỉ phân bố ở một số khu vực nhất định của tỉnh Vân Nam.
Phong Dạng Tỵ là loài thực vật quý hiếm đặc hữu của tỉnh Vân Nam, là nguồn tài nguyên quý giá, có giá trị sinh thái, khoa học và văn hóa quan trọng. Việc bảo vệ phong Dạng Tỵ và các loài thực vật quý hiếm khác cũng là nhiệm vụ quan trọng để duy trì cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học.
Từ 5 cá thể ban đầu được phát hiện, loài Phong Dạng Tỵ đặc hữu của tỉnh Vân Nam đã trải qua một hành trình bảo tồn đầy gian nan suốt 10 năm. Câu chuyện hồi sinh của loại cây này là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của các chuyên gia và người dân địa phương.
(Tổng hợp)