Giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%: Doanh nghiệp rối như canh hẹ, Cục thuế có thư ngỏ hướng dẫn

18/02/2022 16:10 PM | Kinh doanh

Chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% xuất phát từ mục tiêu giúp các doanh nghiệp, người dân giảm bớt một phần khó khăn về kinh tế, đồng thời tạo đà phục hồi trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Đã hơn nửa tháng kể từ khi Nghị định 15/2022/NĐ-CP có hiệu lực, thực trạng áp dụng quy định vẫn “rối như canh hẹ”.

Thực tế áp dụng “rối như canh hẹ”

Câu chuyện kế toán doanh nghiệp những ngày này vẫn tiếp tục loay hoay với các vướng mắc liên quan đến việc xuất hoá đơn thuế VAT theo quy định mới. Có nhiều điểm khó khăn được các đơn vị nêu lên như:

Nhóm doanh nghiệp kinh doanh thương mại có danh mục hàng hoá lên đến hàng nghìn mặt hàng như hàng tiêu dùng, thiết bị điện, nước, phụ kiện,… Việc tra cứu để xuất hoá đơn mất nhiều thời gian và công sức. "Chi phí tuân thủ thuế" tăng cao với các đơn vị này.

Nhóm doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh nằm ở nhiều khâu như hoàn thiện, lắp đặt nội thất,… có cơ cấu doanh thu bao gồm hàng hoá và dịch vụ, kế toán lúng túng khi phải tách hoá đơn.

Nhóm doanh nghiệp kinh doanh có mặt hàng kinh doanh nằm "lửng lơ" giữa các khái niệm như dịch vụ khách sạn, ăn uống có "bia, rượu" nằm trong danh mục không được giảm thuế VAT, khi xuất hoá đơn phải bóc tách hay được áp dụng hết mức thuế suất 10%?

Theo ghi nhận của chúng tôi, những thắc mắc này chưa được các cơ quan hữu quan tập hợp và hướng dẫn thống nhất trong phạm vi cả nước. Thực tế này đang khiến cho nhiều doanh nghiệp từ đầu tháng 2 đến nay chưa dám xuất hoá đơn, hoặc xuất hoá đơn một cách "cảnh giác", để thuế suất đồng loạt 10% với những mặt hàng không chắc chắn, chờ hướng dẫn sẽ điều chỉnh sau.

Một hệ luỵ có thể xảy ra là việc khiếu kiện và giải quyết các tranh chấp phát sinh nếu có, giữa doanh nghiệp và khách hàng, do doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi về mức thuế suất áp dụng cho từng sản phẩm, hoặc giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế.

Câu hỏi đặt ra là, phải chăng cả hệ thống pháp luật thực thi và doanh nghiệp đều không có nhiều thời gian để chuẩn bị?

Hệ thống thực thi pháp luật Thuế hiện nay đứng đầu là Tổng cục thuế với chức năng tham mưu, tổ chức quản lý, sau đó đến Cục thuế ở các tỉnh, thành phố trực thuộc TW có chức năng thực hiện tổ chức công tác quản lý thuế.

Cuối cùng là Chi cục thuế ở các quận, huyện, thị xã, chức năng tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện thống nhất các văn bản quy định về thuế.

Ngày 28/01/2021, Nghị định 15/2022/NĐ-CP được Chính Phủ ban hành quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chúng ta hãy lưu ý một chút về thẩm quyền ban hành công văn để hiểu rằng, bản thân các cơ quan Thuế từ TW xuống địa phương trong việc thực hiện chính sách cũng "hối hả" như các doanh nghiệp, đơn vị tư nhân.

Nghị định ban hành ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 khiến cho thời gian chuẩn bị của các bên đều bị hụt đi. Không chỉ doanh nghiệp bị động, các cơ quan thuế ở các cấp, địa phương cũng gặp không ít "lúng túng", trong khi chờ chỉ đạo, hướng dẫn từ phía Tổng cục thuế.

Chính đây trở thành lý do khi trên diễn đàn nghề, nhiều kế toán "than thở" không nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan thuế.

Chúng tôi xin dẫn lại lời nhận định của hai chuyên gia Võ Đình Trí - trường Đại học Kinh tế TPHCM và Trần Đình Tú - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn mới đây:

"Trong thời gian này cán bộ thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp sẽ chịu rất nhiều áp lực. Áp lực đến từ việc tuân thủ chủ trương chính sách, đảm bảo hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật về thuế. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi cơ quan thuế có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và cán bộ thuế được tập huấn cho các tình huống phát sinh, trước khi chính sách có hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, điều này không xảy ra. Dưới góc độ đánh giá của doanh nghiệp, hình ảnh của cơ quan thuế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, nếu cán bộ thuế không cung cấp văn bản hướng dẫn cho từng trường hợp cụ thể chính xác và kịp thời."

Cơ quan Nhà nước đang tìm cách hỗ trợ Doanh nghiệp, người dân

Cục thuế Hà Nội - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý thu Ngân sách của Thủ đô, mới đây đã có động thái trong việc hỗ trợ người dân. Cụ thể, ngày 16/02, cơ quan này đã gửi đi Thư ngỏ liên quan đến chính sách giảm thuế VAT, trong đó có nêu lên một số điểm thường được kế toán hỏi nhiều trên các diễn đàn.

Chẳng hạn, với hàng hoá, dịch vụ thời điểm xác định mức thuế suất mới là thời điểm hoàn thành việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ (trước và kể từ ngày 01/02/2022 trở đi) chứ không phải ngày xuất hoá đơn.

Giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%: Doanh nghiệp rối như canh hẹ, Cục thuế có thư ngỏ hướng dẫn - Ảnh 1.

Hình ảnh từ Page Cục thuế thành phố Hà Nội - Phòng tuyên truyền hỗ trợ NNT (1)

Giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%: Doanh nghiệp rối như canh hẹ, Cục thuế có thư ngỏ hướng dẫn - Ảnh 2.

Hình ảnh từ Page Cục thuế thành phố Hà Nội - Phòng tuyên truyền hỗ trợ NNT (2)

Giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%: Doanh nghiệp rối như canh hẹ, Cục thuế có thư ngỏ hướng dẫn - Ảnh 3.

Hình ảnh từ Page Cục thuế thành phố Hà Nội - Phòng tuyên truyền hỗ trợ NNT (3)

Mặc dù nội dung thư ngỏ chưa thể giải đáp được toàn bộ thắc mắc của Doanh nghiệp, nhưng đây cũng là động thái đầu tiên cho thấy các đơn vị thực thi chính sách rất quan tâm và cố gắng hỗ trợ Doanh nghiệp.

Trọng Nghĩa

Cùng chuyên mục
XEM