Giảm thuế, ưu tiên giải cứu hàng không

24/11/2020 08:45 AM | Xã hội

Không chỉ ngành hàng không bị thiệt hại, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất đồ uống, xe máy, bán lẻ xăng dầu cũng kêu cứu vì COVID-19. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, ngành hàng không thiệt hại nặng nề nhất, cần ưu tiên giải cứu trước.

Bộ Tài chính vừa có văn bản về việc lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.

Theo đó, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không và các doanh nghiệp (DN) hàng không, giảm chi phí đầu vào của DN nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với nguyên tắc quy định mức thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình UBTVQH kéo dài thời gian thực hiện mức thuế 2.100 đồng/lít (giảm 30% so với quy định) với nhiên liệu bay trong cả năm 2021.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giữ nguyên mức thuế trong năm 2021 sẽ làm số thu giảm khoảng 860 - 960 tỷ đồng/năm.

Trước đó, ngày 27/7, UBTVQH ban hành nghị quyết thống nhất quy định từ 1/8 đến hết 31/12/2020, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít, sang năm 2021, mức thuế được áp dụng là 3.000 đồng/lít (tăng 900 đồng).

Bộ Tài chính cho rằng, hiện tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát ở Việt Nam, nhưng ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Dự báo, trong năm 2021 kinh tế thế giới tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Nhiều lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành hàng không.

Thị trường hàng không nội địa trong năm nay và sang năm 2021 sẽ phục hồi từng bước, nhưng còn nhiều khó khăn, riêng thị trường quốc tế cần thời gian dài. Theo Bộ Tài chính, thiệt hại của ngành hàng không là rất nghiêm trọng do số lượng khách hàng và chuyến bay khai thác sụt giảm mạnh.

Tính chung 10 tháng năm 2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt hơn 3,8 triệu lượt, giảm 73,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, các DN hàng không cũng phải gia tăng chi phí cố định để duy trì hoạt động của DN như chi phí thuê máy bay, chi phí đậu đỗ và các chi phí chi thường xuyên khác.

Theo báo cáo của các hãng hàng không trong nước, ước tính chi phí thuê máy bay mỗi tháng của Vietnam Airlines (VNA) là 30 triệu USD, với Vietjet là 20 triệu USD. Chi phí đậu đỗ sân bay mỗi tháng của VNA là 6 tỷ đồng; Vietjet: 3,6 tỷ đồng; Bamboo Airways: 1,24 tỷ đồng.

Dự kiến trong năm 2020, doanh thu VNA giảm 49,3 nghìn tỷ đồng và mức lỗ lên đến gần 16 nghìn tỷ đồng.

Tổng số thuế được gia hạn khoảng 36.000 tỷ đồng

Tháng 11/2020, Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo tờ trình báo cáo việc thực hiện Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, qua rà soát các nhóm đối tượng cụ thể, bộ này đề xuất tiếp tục điều chỉnh thời gian gia hạn, bổ sung đối tượng gia hạn để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép bổ sung đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với tổ chức, DN, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: Hoạt động xuất bản, điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động phát thanh, truyền hình; hoạt động dịch vụ thông tin.

“Các ngành thuộc lĩnh vực này thực sự ảnh hưởng của dịch bệnh và đã tham gia trực tiếp trên tuyến đầu trong công tác nắm bắt thông tin dịch bệnh, tuyên truyền các biện pháp, chính sách của Nhà nước nhằm khống chế hiệu quả dịch bệnh”, Bộ Tài chính lý giải.

VNA làm gì với 12.000 tỷ sắp được “bơm”?

Quốc hội đã chấp thuận cho phép Chính phủ thực hiện các giải pháp hỗ trợ VNA vượt qua ảnh hưởng của dịch COVID-19. Khoản hỗ trợ này dự kiến khoảng 12.000 tỷ đồng.

Theo nghị quyết vừa thông qua, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và gia hạn không quá hai lần với ngân hàng cho VNA vay bổ sung vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quốc hội cũng cho phép VNA chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ và Chính phủ giao Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mua phần cổ phiếu thuộc quyền mua của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua.

VNA cho hay, hãng đang xây dựng phương án để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt về sử dụng số tiền được vay và phương án phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu để tăng vốn. Do đó chưa thể cung cấp chi tiết. Trong khi đó, Tập đoàn All Nippon Airways (ANA, Nhật Bản - nắm giữ 8,6% vốn của VNA) cũng sẵn sàng tăng vốn, dù cũng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh.

Trước đó, VNA kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỷ đồng để vượt khủng hoảng do dịch COVID-19. Trong đó có 4.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi và 8.000 tỷ đồng theo diện tăng vốn nhà nước tại DN, theo diện Nhà nước là cổ đông lớn nhất tại VNA (chiếm 86% vốn). Tới hết tháng 9 vừa qua, VNA có khoản nợ ngắn hạn khoảng 8.000 tỷ đồng (gồm vay mới ngắn hạn và gia hạn khoản vay tới hạn). Các khoản hỗ trợ trên sẽ giúp VNA thanh toán các khoản nợ tới hạn và nợ ngắn hạn.


TUẤN NGUYỄN - HỮU VIỆT

Cùng chuyên mục
XEM