Giám đốc Talentvis kể chuyện hoán đổi 'quyền mặc cả' trên thị trường lao động, lừa đảo việc làm gia tăng và bài học từ Singapore
Đến Việt Nam năm 2020 theo làn sóng FDI, Talentvis - công ty nhân sự 23 năm tuổi từ Singapore – nhìn quốc gia này như một thị trường đầy hứa hẹn với GDP tăng trưởng tốt và nguồn nhân lực dồi dào. Hai năm trở lại đây, trong tình hình tăng trưởng kinh tế giảm tốc, lượng thất nghiệp tăng dẫn tới quy mô ứng viên tăng lên, quyền mặc cả (Bargaining Power) của các doanh nghiệp tuyển dụng theo đó cũng tăng.
"Một trong những lý do chúng tôi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam là bởi các công ty khách hàng của chúng tôi mở rộng kinh doanh đến nơi này", ông Ivan Loo – Giám đốc Talentvis – chia sẻ với chúng tôi.
Talentvis lập pháp nhân tại Việt Nam vào tháng 3/2020, đúng giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19.
Công ty nhân sự 23 năm tuổi này đặt trụ sở tại Singapore, hiện đang hoạt động tại các thị trường Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, và Đài Loan.
Ông Ivan nhìn nhận Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn với mức tăng trưởng GDP tốt cùng nguồn nhân lực dồi dào. Những năm 2022 - 2023, nền kinh tế có sự thay đổi nhẹ, quyền mặc cả (Bargaining Power) dịch chuyển từ ứng viên sang các doanh nghiệp tuyển dụng, kéo theo nguồn ứng viên dồi dào cho Talentvis.
Tuy nhiên, khi kinh tế toàn cầu không ổn định sau dịch, tình trạng lừa đảo việc làm ngày một gia tăng, không chỉ ở Việt Nam. "Chúng tôi cũng bị mượn tên đi lừa đảo", ông Ivan cho biết.
Nguyên cớ lừa đảo việc làm gia tăng: Đánh vào tâm lý "việc nhẹ, lương cao", "work – life balance"
Lý giải tình trạng lừa đảo việc làm ngày một nhiều, Giám đốc Talentvis cho biết nền kinh tế không ổn định trong và sau đại dịch kéo theo tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Bên cạnh đó, tâm lý người lao động hậu đại dịch có xu hướng cân bằng công việc và cuộc sống, dễ bị "bùi tai" với thông tin về những công việc làm từ xa, lương hấp dẫn.
Lý do thứ hai thúc đẩy lừa đảo việc làm là sự phát triển của công nghệ, kéo theo các công cụ hỗ trợ thông tin lừa đảo tiếp cận được đông đảo nạn nhân.
"Đặc điểm của những thông tin lừa đảo này là các post việc làm trên các nền tảng thoạt nhìn rất chuyên nghiệp, để nạn nhân ít phòng bị. Tiếp theo là cài cắm các thông tin như việc nhẹ, lương cao, đặc biệt các công việc remote (làm từ xa – PV) rất hấp dẫn, đặc biệt với các bà mẹ bỉm sữa", ông Ivan nói thêm.
"Một đặc điểm nữa là những tay lừa đảo sẽ chạy quảng cáo, có thể "mượn" tên của những công ty có thương hiệu trên thị trường".
Ở góc độ một công ty tuyển dụng nhân sự, Talentvis cho biết họ cũng phải đảm bảo công việc đưa ra 100% là "việc real", với các tiêu chí như phía tuyển dụng có giấy phép đầy đủ, phải có cuộc gặp trực tiếp Founder hoặc CEO, đến văn phòng công ty khách hàng để có những đánh giá sơ bộ ban đầu.
"Có những công việc nếu không check được background của công ty kỹ sẽ rất rủi ro cho ứng viên, nhất là với các vị trí công việc đòi hỏi người Việt phải ra nước ngoài làm việc hoặc ngược lại", Giám đốc Talentvis cho hay.
Bài học chống lừa đảo việc làm tại Singapore: Buộc các Head Hunters phải có giấy phép kèm ID hành nghề, ứng viên hoàn toàn có thể check chéo!
Singapore là thị trường lao động thu hút nhiều nhân sự các nước lân cận như Malaysia, và cả Việt Nam. Một môi trường lương cao cũng là yếu tố hấp dẫn để lôi kéo các nạn nhân. Để ngăn chặn các thông tin lừa đảo việc làm, phía Singapore bắt buộc những nhân sự làm công việc tư vấn tuyển dụng hay săn đầu người (Recruitment Consultant/Head hunter) phải có giấy phép hành nghề kèm ID.
Trên mạng xã hội việc làm LinkedIn, các Head Hunters phải công khai ID đó trên profile để các ứng viên có thể xác thực được người thực, việc thực.
"Không phải ai cũng có thể làm công việc tuyển dụng. Họ phải được đào tạo để được cấp phép. Đây là một chính sách khá tốt của Chính phủ Singapore để bảo vệ ứng viên. Các công ty tuyển dụng như Talentvis Singapore khi tuyển vị trí Recruitment Consultant, bắt buộc ứng viên phải có giấy phép này mới qua được vòng phỏng vấn", ông Ivan cho biết.
"Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm này. Theo tôi được biết, Malaysia cũng đang có kế hoạch áp dụng giấy phép hành nghề với nghề nhân sự".
4 tips nhận diện các công việc lừa đảo
- "Too good to be true" (tạm dịch: Quá tốt để thành sự thật) như việc nhẹ, lương hấp dẫn
- Không yêu cầu trình độ
- Làm việc từ xa hoặc làm ở nước ngoài, cung cấp nơi ăn chốn ở
- Chủ yếu post công việc từ các mạng xã hội như Facebook, Telegram…
"Khi gặp các post công việc từ các mạng xã hội, ứng viên nên check profile người tuyển dụng và check chéo thông tin của họ trên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn. Check các thông tin như thời gian họ làm tuyển dụng lâu chưa? Lịch sử tuyển dụng thế nào?... Nếu các tài khoản là mới lập, hãy cẩn trọng".
"Ngoài ra, để tránh bẫy việc làm, ứng viên nên liên hệ trực tiếp công ty tuyển dụng hoặc ứng tuyển qua các nền tảng tuyển dụng đã có thương hiệu", Giám đốc Talentvis khuyên nhủ.