Giám đốc ở Sài Gòn trở thành F0, một mình "chiến đấu" Covid-19 và trở về nhà sau 22 ngày: "Tôi cảm nhận rõ nhất lằn ranh sinh tử khi những người cùng phòng ra đi..."
Hơn 22 ngày "chiến đấu" với Covid-19 trong sự cô đơn, vị giám đốc 43 tuổi ở TP.HCM đã "chiến thắng" trở về bên gia đình. May mắn, toàn bộ người thân đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, cùng cầu mong bình an vượt qua đại dịch.
Anh Nguyễn Hồng Điệp, 43 tuổi, Giám đốc một công ty thiết kế và xây dựng nội thất ở TP.HCM, đã trải qua hơn 22 ngày "chiến đấu" với Covid-19. Chiến thắng trở về bên gia đình, anh nhận ra, "đi qua sinh tử mới thấy yêu mến đời thường".
Hồi đầu tháng 7, khi TP.HCM bắt đầu giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16, chung cư tổ chức xét nghiệm, anh test nhanh, kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Đến sáng 22/7, anh bắt đầu sốt nhẹ, nghi ngờ bị lây nhiễm trong một lần mua hàng tại siêu thị.
Anh đến trung tâm y tế quận Bình Thạnh test nhanh, kết quả dương tính, được yêu cầu đi cách ly tập trung ngay, chưa kịp chuẩn bị tư trang. Anh khá hoảng hốt, do bản thân có bệnh nền viêm gan B mạn tính đã điều trị ổn định và xơ gan F3, thêm đó công việc còn dang dở.
Gọi điện báo tin cho gia đình và công ty, mọi người đều trấn an anh bình tĩnh, chuẩn bị tinh thần thật tốt cho "cuộc chiến".
Anh Nguyễn Hồng Điệp những ngày điều trị Covid-19 tại bệnh viện dã chiến
"Mọi người học cách đùm bọc, cùng đi qua những đau thương"
Anh Điệp được chuyển đến khu cách ly tập trung tại trường Tiểu học Hà Huy Tập, đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh. Đến ngày 26/7, mẫu xét nghiệm PCR khẳng định dương tính, nhưng chỉ số CT>31 (tiêu chuẩn vàng để phát hiện virus SARS-CoV-2), anh được phép về nhà. Đêm đó, anh ngủ được một giấc dài, dậy 3 lần và uống nhiều nước. Anh chỉ hơi ho nhẹ, cố gắng tập thở sâu.
Công điện số 1168/CĐ-BYT ngày 7/8 Bộ Y tế, có nêu: Đối với bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế: cho xuất viện vào ngày thứ 7 khi xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc có tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú.
+ Đối với ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2) không có triệu chứng lâm sàng, nếu có tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) thì không cần thiết đưa vào cơ sở y tế mà chỉ theo dõi y tế tại nhà.
Tuy nhiên, hôm sau, anh sốt cao, cứ 4 tiếng uống thuốc hạ sốt một lần nhưng không đỡ, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại biên) xuống 77%. Anh báo trạm y tế phường, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện dã chiến ở Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh. Bệnh trở nặng, anh phải thở oxy cấp.
"Mọi cung bậc cảm xúc thay đổi thật nhanh, vừa hi vọng khi được về nhà, đã vội lo sợ chuyển viện chỉ sau một ngày, nhưng điều đó đã cứu sống tôi. Bác sĩ nói rằng nếu vẫn ở nhà, là tôi đã... đi rồi", anh nhớ lại.
Phòng bệnh có tới 50 bệnh nhân, đa số đều nặng. Hàng ngày, bác sĩ thăm khám ít nhất 2 lần, ai nặng thì nhiều lần hơn. Trong này, anh quên mất ngày tháng. Lúc nguy kịch nhất, anh nghĩ về gia đình, sợ hãi nghĩ đến cảnh không thể trở về nhà. Anh thậm chí còn tính nói lời trăng trối, xin lỗi và nhờ mọi người quan tâm, giúp đỡ vợ và 2 con nhỏ dại.
Anh Điệp bị Covid-19 "hành hạ" với đủ triệu chứng, sốt 12 ngày liên tục, mất ngủ 1 tuần, mất vị giác, ăn gì cũng mặn đắng, nuốt vào là nôn ra ngay. Anh còn bị tiêu chảy, ho ra máu, ảnh hưởng cơ tim, tức ngực, viêm phổi. Chỉ số SpO2 luôn ở mức 80-88% gần 1 tuần, đi lại vệ sinh cũng khó khăn do hụt oxy. Anh sút 5kg trong những ngày ở bệnh viện dã chiến.
Chỉ số SpO2 của anh Điệp luôn ở mức 80-88% gần 1 tuần
Một buổi sáng tỉnh dậy, anh đi vệ sinh, khi về giường, vặn bình oxy nhưng không đủ sức, gọi người bạn cùng phòng hỗ trợ nhưng cũng không được. Người này vội chạy qua phòng khác nhờ giúp đỡ, chỉ tầm 5 phút, nhưng oxy xuống thấp, anh dần lơ mơ và mất ý thức.
"Thời điểm đó, tôi cảm nhận rõ nhất lằn ranh sinh tử. Ám ảnh khôn nguôi khi chứng kiến những bệnh nhân cùng phòng rơi vào nguy kịch, rồi mãi mãi tạm biệt thế giới này", anh nói.
Trong bệnh viện dã chiến, mỗi người một hoàn cảnh. Mọi người học cách đùm bọc, cùng đi qua những đau thương. Những cuộc chia ly không thấy mặt, có những gia đình "vào 3, ra 2", thậm chí chỉ còn một người. Bệnh nhân nặng và nguy kịch, sau khi được bác sĩ cấp cứu, được chuyển khỏi phòng bệnh, rồi không thấy quay về.
"Bởi sau tất cả, tôi mới thấy cuộc sống này rất vô thường", anh Điệp ngậm ngùi.
"Sống khỏe mạnh là cách trả ơn tốt nhất những người đã giành giật sự sống cho tôi"
Ngày 15/8, anh Điệp có kết quả PCR âm tính và được xuất viện. Hơn 22 ngày xa cách, chiến đấu với bệnh tật trong sự cô đơn, anh được về bên gia đình. May mắn, toàn bộ người thân đều âm tính với SARS-CoV-2, cùng cầu mong bình an vượt qua đại dịch.
Anh vẫn rất yếu, cần nhiều thời gian tĩnh dưỡng và hồi phục. Cứ mỗi 2 giờ, anh cố gắng ăn cơm nóng, canh nóng, uống nước ép liên tục để tránh tụt huyết áp. Song, anh vẫn khó ngủ, cứ đến 2h sáng là bật dậy, không thể quay lại giấc.
"Chắc vẫn ám ảnh bệnh viện", anh suy nghĩ.
Anh Điệp khuyên các F0 phải tập trung ăn cơm nóng, canh nóng và uống nước ép để tránh tụt huyết áp
Điều mà anh trân trọng và biết ơn nhất, chính là những "người hùng" trong bệnh viện.
Họ là những y bác sĩ đã dùng 200% sức lực để cứu chữa bệnh nhân. Chỉ một bệnh nhân rơi vào trạng thái "báo động đỏ", các bác sĩ nhanh chóng vây xung quanh. Họ không ngần ngại hay tuyệt vọng, vẫn luôn có mặt mỗi khi bệnh nhân cần. Bản thân anh Điệp 2 lần trong đêm trở nặng, được bác sĩ thăm khám và chủ động gửi số điện thoại, dặn dò "có gì gấp gọi liền".
Họ là những F0 phục hồi sau điều trị, được xuất viện nhưng vẫn tình nguyện đăng ký ở lại chăm sóc các bệnh nhân khác. Mọi người tương thân tương ái, dìu nhau qua khó khăn. Anh Điệp nhớ mãi cậu thanh niên cùng ba mẹ mắc Covid-19 phải nhập viện điều trị. Khi mẹ mất, cậu giấu ba mấy ngày không nói. Bỏ qua một bên đớn đau cá nhân, cậu như người hùng, chăm lo cho tất cả mọi người, bê nước, thay oxy, dìu F0 nặng đi vệ sinh, giúp bệnh nhân chuyển viện mà không sợ tiếp xúc. Đêm xuống, cậu thức canh vì phòng bệnh toàn ca nặng.
"Nhiều khi đi không nổi, tôi từng ước đổi chiếc ô tô của mình với người khỏe mạnh để được đi lại bình thường. Chứng kiến nhiều người ra đi, tôi thấy mình cố chấp làm giàu vô vọng quá, chỉ ước sống một cuộc sống bình thường khỏe mạnh bên gia đình", anh Điệp nói.
Trước dịch, công ty của anh có 100 nhân viên, hiện chỉ còn 50. Ngay khi TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 lần đầu tiên (ngày 9/7), anh yêu cầu toàn bộ khối văn phòng làm việc online, xưởng cũng đóng cửa, dừng hoạt động. Nhiều hợp đồng lớn nhỏ đều phải dừng hoặc hủy, anh gồng gánh lỗ để "nuôi quân" 2 năm nay.
"Lần này thử thách lớn quá mà tôi chưa tính đường xoay sở như thế nào, chắc phải đợi khỏe hẳn đã", anh tâm sự.
Cậu thanh niên (áo đen) cùng phòng bệnh với anh Điệp hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 nặng chuyển viện
Để "đánh bại" Covid-19, theo anh Điệp, ý chí và niềm tin bản thân là quan trọng nhất. Vợ anh liên tục nói "em yêu anh, các con cần anh", như một "liều thuốc" tinh thần vô giá tiếp thêm động lực. Ngoài ra, dinh dưỡng cũng cực kỳ quan trọng. Chính việc người thân thường xuyên gửi đồ ăn, trái cây và nước ép mỗi ngày, đã giúp anh thêm năng lượng để phục hồi.
"Đặc biệt, hãy tiêm vaccine ngay nếu được. Vaccine nào cũng được, miễn là để cứu mình, cứu người xung quanh", anh nói.
Nhiều lần nhấn mạnh "đi qua sinh tử", vượt qua bạo bệnh, anh Điệp hi vọng mọi người nhận thức đầy đủ về sự đáng sợ của Covid-19. "Nhiều người vẫn nghĩ nó như cảm cảm cúm thông thường, không thấy sự chia lythì chưa thấu hiểu đau thương", anh nói sẽ không cố chấp làm giàu nữa, vợ anh cũng đồng tình. Anh cầu mong được sống khỏe mạnh, chính là cách trả ơn tốt nhất cho những người đã giành giật sự sống cho mình, để sau này đền đáp lại cuộc đời.