Giám đốc nhân sự Google chia sẻ 2 bí quyết quan trọng nhất để giữ chân người tài
Bữa ăn miễn phí, massage ngay trong công ty hay dịch vụ giặt là trong ký túc cũng không thể khiến một người muốn bỏ việc thay đổi quyết định.
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, con người thường được coi là tài sản có giá trị nhất của một công ty, và mất đi một nhân viên tài năng có thể là một cái giá rất đắt.
Laszlo Bock, Phó Chủ tịch cấp cao mảng điều hành nhân sự của Google và cũng là tác giả cuốn sách “Work Rules!”, đã chia sẻ với phóng viên Stephanie Ruhle trong một buổi phỏng vấn với Bloomberg cách đây ít ngày rằng hầu hết các công ty đều không biết làm thế nào để giữ chân những người giỏi nhất.
“Mọi người chẳng ở lại vì tiền”, ông Bock nói, và lưu ý rằng hơn một phần ba trong số 100 nhân viên hàng đầu của Google vẫn làm việc tại công ty dù họ kiếm được cả đống tiền trong lần chào bán cổ phiếu công khai đầu tiên.
Theo ông Bock, mọi người ở lại với công ty vì 2 lý do:
1. Chất lượng của những nhân viên mà họ làm cùng
“Đó là lý do vì sao việc tuyển dụng rất quan trọng”, ông cho biết. Google đặt ra một tiêu chuẩn rất cao cho bất cứ ai mà công ty tuyển về. Dù họ xin việc vào vị trí trợ lý hành chính hay kỹ sư cấp cao, tất cả mọi ứng viên đều được những vị quản lý, đồng nghiệp tương lai, hội đồng tuyển dụng và thậm chí cuối cùng là cả CEO Larry Page xem xét kỹ lưỡng.
2. Cảm giác rằng công việc mình đang làm là quan trọng
“Mọi người muốn nhiều hơn ngoài việc kiếm tiền”, ông Bock nói. “Mọi người muốn làm điều gì đó thực sự có ý nghĩa”. Vì thế giúp cho nhân viên hiểu được mục đích của công việc mình làm cũng là một cách để giữ chân họ. Ông trích dẫn một nghiên cứu của giáo sư trường Đại học Wharton, Adam Grant, rằng khi mọi người có thể kết nối công việc của mình với điều gì đó ý nghĩa, hiệu suất làm việc của họ có thể tăng lên tới 5 lần.
Điều thú vị là những đặc quyền mà nhân viên Google được hưởng như bữa trưa miễn phí, massage trong nhà, dịch vụ giặt là ngay trong ký túc, là những điều có thì tốt nhưng chẳng phải là lý do nhân viên ở lại.
“Bí mật đằng sau những đặc quyền đó là nó không thực sự giữ chân hoặc thậm chí là hấp dẫn nhân viên”, Bock kết luận. Trong khi nhiều đặc quyền có thể đem đến sự hiệu quả, cộng đồng và một môi trường hấp dẫn, nhưng ông tin rằng chúng sẽ không thể làm nhân viên thay đổi suy nghĩ nếu có ý định bỏ việc.