Giám đốc Điều hành Vinacapital: Thời điểm mua cổ phiếu dài hạn với mức định giá hiếm có trong lịch sử
Sức hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam theo góc nhìn của chuyên gia Vinacapital đến từ điểm sáng tăng trưởng kinh tế trong khu vực, định giá hấp dẫn và sức hút với dòng vốn ngoại.
Chứng khoán Việt Nam đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây khi thị trường liên tục sụt giảm mạnh. Từ mức đỉnh trên 1.500 điểm, VN-Index đã giảm xấp xỉ 37% xuống 961 điểm. Mức giảm mạnh này đưa chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường giảm mạnh nhất trên thế giới kể từ đầu năm, bất chấp bối cảnh vĩ mô tương đối ổn định. Điều này khiến các nhà đầu tư có phần lo lắng về triển vọng của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng trong thời gian tới.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Hoài Thu – Tổng giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu Vinacapital vẫn có cái nhìn lạc quan về triển vọng TTCK trong dài hạn. Sức hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam theo góc nhìn của chuyên gia Vinacapital đến từ điểm sáng tăng trưởng kinh tế trong khu vực, định giá hấp dẫn và sức hút với dòng vốn ngoại.
Theo chuyên gia Vinacapital, tăng trưởng GDP cả năm 2022 của Việt Nam được nhiều tổ chức dự đoán sẽ vượt 8%. Trong bối cảnh toàn cầu tăng trưởng chậm lại, mức tăng trưởng này được đánh giá nhiều khả năng sẽ đứng đầu khu vực châu Á.
Sang đến năm 2023, chuyên gia đưa ra cái nhìn thận trọng đối với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ và Châu Âu. Đối với Việt Nam, nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng kinh tế đạt ở mức 5,8-6,5% trong năm 2023. Mặc dù tăng trưởng kinh tế khả năng cao sẽ có sự giảm tốc, song vẫn có cơ sở để lạc quan đối tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam so với các quốc gia khác.
Góc nhìn lạc quan này được kỳ vọng đến từ việc Fed ngừng tăng lãi suất và áp lực tỷ giá giảm dần, đồng thời gia tăng nguồn cung USD từ thị trường quốc tế. Thanh khoản thị trường và lãi suất liên ngân hàng có thể sẽ dần ổn định trong nửa cuối năm 2023.sẽ là yếu tố tích cực cho nền kinh tế vào nửa cuối năm 2023.
Tuy vậy, vẫn cần lưu ý một số rủi ro về lạm phát cao, thị trường xuất khẩu chậm lại, lượng khách du lịch yếu và giải ngân đầu tư công chậm. Nhìn chung, lạm phát cơ bản khả năng tiếp tục duy trì ở mức cao (lạm phát cơ bản tháng 10/2022 đạt 4,5% so với cùng kỳ - mức cao nhất trong lịch sử).
Cùng với đó, sự chậm lại của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam gồm EU và Mỹ,lượng khách quốc tế phục hồi yếu hơn kỳ vọng, và giải ngân đầu tư công chậm hơn chỉ tiêu kế hoạch đều là những thách thức với tăng trưởng kinh tế không chỉ riêng quý 4/2022 mà còn ở năm 2023.
Quay trở lại câu chuyện của TTCK, bà Thu cho rằng sự phản ứng ngược chiều của thị trường với nền kinh tế không quá khó hiểu. Bởi ngoài yếu tố vĩ mô, chứng khoán Việt Nam còn bị tác động mạnh bởi rất nhiều yếu tố bất định.
Giai đoạn từ đầu năm đến tháng 9, căng thẳng địa chính trị giữa Nga – Ukraina đã tạo ra đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh khiến lạm phát leo thang. Điều này buộc các Ngân hàng Trung ương phải thắt chặt tiền tệ, Việt Nam cũng phải tăng lãi suất điều hành. Mặt khác, tiền đồng gặp áp lực và sự chậm lại của các thị trường tiêu thụ như EU và US. Những yếu tố bên ngoài cộng thêm những vụ việc xử lý vi phạm trên thị trường là nguyên nhân khiến TTCK giảm mạnh.
Giai đoạn từ tháng 10 đến nay, nguyên nhân mấu chốt khiến chứng khoán Việt Nam giảm mạnh bất chấp sự phục hồi của chứng khoán toàn cầu là do các vấn đề nội tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Cuộc khủng hoảng thanh khoản tại thị trường TPDN được kích hoạt bởi sự siết chặt kỷ luật đối việc phát hành trái phiếu, cũng như xử lý vi phạm doanh nghiệp phát triển bất động sản lớn tại Việt Nam. Những sự việc này xảy ra cùng lúc đã khiến niềm tin nhà đầu tư sụt giảm nghiêm trọng.
Cùng với đó, thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản gần như bị tắc nghẽn khi bị siết chặt room tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp. Như vậy nhiều công ty bất động sản vừa không huy động được vốn, vừa không có nguồn thu từ mở bán, khiến dòng tiền của họ rơi vào bế tắc.
Một nguyên nhân khác khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh do tình trạng giải chấp một số lãnh đạo doanh nghiệp châm ngòi cho làn sóng “giải chấp chéo” lan trên diện rộng.
Trong khi nhà đầu tư cá nhân trong nước đang mất niềm tin và bán tháo cổ phiếu, khối ngoại lại nhận ra mức định giá hấp dẫn của thị trường Việt Nam nên mua ròng rất mạnh. Điều này cho thấy họ vẫn tin vào triển vọng dài hạn của thị trường Việt Nam.
Về định giá thị trường, P/E trượt của VN-Index hiện xấp xỉ 10,x lần, thấp hơn mức định giá trung bình 10 năm trừ 2 lần độ lệch chuẩn. Nếu so với quá khứ, chỉ có duy nhất 2 lần trong lịch sử thị trường ghi nhận mức P/E thấp hơn mức này (8,8 lần năm 2008 và mức 8,6 lần năm 2011).
Nếu so với các thị trường khác trong khu vực ASEAN và TIP (bao gồm Thái Lan, Indonesia và Philippines) thì định giá TTCK Việt Nam cũng rất rẻ. Mức chiết khấu theo định giá P/E của Việt Nam so với các nước ở thời điểm hiện tại đã lên đến (36%), cao hơn 3 lần so với trung bình 5 năm trước (12%).
Trong khi P/E thấp, song mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam dự báo tăng trưởng 19% cho năm 2023, cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực.
“Kết hợp những yếu tố trên, có thể thấy chứng khoán Việt Nam đang mở ra cơ hội mua dài hạn với mức định giá hiếm có trong lịch sử”, bà Nguyễn Hoài Thu đánh giá.
Sau những đợt chiết khấu sâu và định giá về vùng hấp dẫn, những tín hiệu mua ròng trở lại của khối ngoại được kỳ vọng sẽ là điểm sáng hỗ trợ tích cực cho thị trường trong dài hạn.
Theo Giám đốc Chiến lược Vinacapital, dù TTCK có những biến động trong ngắn hạn, nhưng vẫn có nhiều yếu tố tiềm năng để hấp dẫn dòng vốn ngoại (1) Tăng trưởng GDP năm 2023 chính phủ vẫn đặt mục tiêu ở mức rất cao với 6,5%. Tăng trưởng này nhiều khả năng sẽ được hỗ trợ lớn từ giải ngân đầu tư công, khi dự chi đầu tư phát triển 2023 sẽ tăng 38,1% so với dự toán năm 2022.
(2) Việt Nam vượt trội so với các nước trong khu vực về tốc độ đô thị hóa, và tăng trưởng tầng lớp trung lưu. (3) Tăng trưởng EPS của Việt Nam được dự báo đạt 17,5% trong năm 2023, cao nhất khu vực Đông Nam Á, theo Bloomberg. (4) Định giá thấp nhất khu vực.
“Chúng tôi cho rằng các chính sách thắt chặt (bao gồm thắt chặt tiền tệ và thắt chặt kỉ luật trên thị trường chứng khoán) là rất tích cực cho sự phát triển dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Các chính sách này cần tiếp tục được xây dựng, nhưng cần được công bố thông tin rõ ràng và nhất quán, góp phần tạo niềm tin cho nhà đầu tư”, chuyên gia Vinacapital nhấn mạnh.
Để thu hút được vốn đầu tư gián tiếp, ngoài việc chất lượng doanh nghiệp tốt hơn, định giá trở nên hấp dẫn, tăng trưởng EPS của chỉ số cao hơn mặt bằng chung trong khu vực, thì việc đảm bảo tỷ giá diễn biến hợp lý (không gây bất ngờ) cũng là một yếu tố quan trọng.
Mặt khác, lưu ý một số yếu tố trọng yếu cản trở nâng hạng thị trường Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. Đơn cử như việc chưa có giao dịch T+0 và loại bỏ yêu cầu pre-funding (dự kiến có thể được giải quyết bởi việc triển khai tổ chức đối tác bù trừ trung tâm ông nghệ KRX) và giao dịch bị vướng room nước ngoài (dự kiến có thể được giải quyết bởi NVDR) cần được ưu tiên giải quyết triệt để.
Tựu chung lại, bà Nguyễn Hoài Thu cho rằng thị trường có thể khó đoán trong ngắn hạn do còn nhiều yếu tố bất định. Tuy nhiên, khi các công ty bất động sản dần dần giải quyết vấn đề thanh khoản của mình, niềm tin của nhà đầu tư cá nhân sẽ dần phục hồi trở lại.
Nhìn lại 10 năm qua, tăng trưởng bình quân VN-Index (bao gồm cổ tức) vẫn ở mức 2 con số. Do đó, nếu chúng ta chọn lọc được một danh mục cổ phiếu tốt, quản lý một cách bài bản và có quy trình quản trị rủi ro nghiêm ngặt thì vẫn có thể thu được thành quả đầu tư tốt.