img

Đầu tiên, tôi xin khẳng định là mình có một chuyện quan trọng, thật sự rất quan trọng muốn kể với các bạn. Ý tôi là một chuyện có thể thay đổi cuộc đời, thay đổi mọi chuẩn mực, vượt lên cả cõi thực và thậm chí khiến bạn "són" ra quần đến nỗi phải gọi mẹ.

Đáng tiếc hiện tại tôi chưa có hứng để viết ra câu chuyện đó. Vậy thử xem video chàng trai vừa nâng tạ, vừa xoạc chân này trước nhé:

Aaaaaaaa, giờ thì tôi có cảm hứng rồi. Ok, bắt đầu nào!

Nói ra thì thật đáng xấu hổ, hai ngày qua tôi cứ trì hoãn việc viết một bài phân tích về vấn đề trì hoãn. Tôi bị phân tâm bởi nhiều thứ khác, ít quan trọng hơn. Tôi tự cho mình giải lao lâu hơn ba tiếng đồng hồ so với mức cần thiết. Tôi ngồi lướt Facebook, tắt đi rồi lại bật tab mới như bản năng vậy.

Nếu "biểu đồ hóa" thì quá trình trì hoãn của tôi sẽ diễn ra như thế này:

Giảm cân? Để mai tính! Dọn nhà? Để mai tính! Đọc ngay bài viết này để trị dứt điểm bệnh trì hoãn - Ảnh 2.

Biểu đồ diễn tả sự trì hoãn của Mark Manson

Cột màu đỏ là tất cả những cảm xúc tiêu cực liên quan đến vấn đề làm một việc có ích. Những cảm xúc này bao gồm: Thiếu ngủ, đầu óc mệt mỏi, bị phân tâm bởi những vấn đề cá nhân, băn khoăn liệu bài viết có hay hay không, sợ độc giả sẽ ghét nó và rồi gọi tôi bằng những nickname không hay ho hay có những lời nhận xét thiếu tôn trọng đối với mẹ tôi…

Cột màu xanh bao gồm tất cả những cảm xúc tích cực liên quan đến việc viết bài viết này. Những cảm xúc như niềm vui của sự sáng tạo, việc thở phào khi biết rằng đã viết xong, mỉm cười với những câu chuyện đùa bỗng dưng xuất hiện, biết mình đã giúp đỡ được người khác hay đơn giản chỉ là niềm vui khi được viết lách…

Như bạn thấy trong biểu đồ, cột màu đỏ - tập hợp của những cảm xúc tiêu cực - cao hơn cột màu xanh - tập hợp của những cảm xúc tích cực. Vì vậy, tôi không viết gì cả mà ngồi xem YouTube, lướt Facebook, rồi chợp mắt một lúc.

Và thay vì viết về lời khuyên có thể làm thay đổi cuộc sống, khiến bạn "són ra quần" la ó gọi mẹ như lời hứa ban đầu, tôi ngồi đây, phân tích về chính sự lười biếng của mình.

Nhưng là con người buộc phải như vậy.

Trường hợp phía trên của tôi rất đơn giản nhưng lại giải thích được tại sao con người thường không làm những việc nên làm. Bạn không bao giờ đề nghị tăng lương. Không bao giờ dám ngỏ lời với người bạn thích. Bạn luôn quên gọi cho mẹ. Bạn còn không thèm viết bài. Những cảm xúc tiêu cực lấn át những cảm xúc tích cực và vì vậy ta né tránh điều khiến mình không thoải mái, ngay cả khi điều đó khiến cuộc sống của chúng ta trở nên tồi tệ hơn.

Thường thì phải đến giờ thứ 11, đến đêm trước lúc phải nộp bài, khi có người hò hét, thúc giục bạn hoặc nguy cơ không hoàn thành nhiệm vụ, thất bại đang rất gần thì phương trình mới đảo chiều, áp lực trở nên quá lớn và những cảm xúc tính cực để làm việc cần làm mới lấn át được những cảm xúc tiêu cực. Đó là lúc cảm giác không làm khiến ta khó chịu hơn là có làm, và đó là lúc mọi chuyện được hoàn tất.

Giảm cân? Để mai tính! Dọn nhà? Để mai tính! Đọc ngay bài viết này để trị dứt điểm bệnh trì hoãn - Ảnh 4.

Có 2 thủ thuật có thể "đánh lừa" và khiến não của bạn làm một chuyện mà nó không hề muốn.

Một là tạo nên một thứ thường gọi là "tình thế không thể quay đầu". Về căn bản điều này có nghĩa là bạn phải tạo ra một tình thế trong đó cảm nhận được rằng việc không làm điều gì đó còn khó khăn hơn gấp nhiều lần so với việc có làm điều đó.

Ví dụ, nếu muốn giảm cân, bạn có thể mua gói tập với huấn luận viên cá nhân trị giá 500 USD và lên lịch tập trong 10 tuần tới. Giờ thì nỗi tiếc tiền khi không đến tập sẽ lấn át nỗi đau khi phải tập luyện khổ sở tại phòng gym.

Giảm cân? Để mai tính! Dọn nhà? Để mai tính! Đọc ngay bài viết này để trị dứt điểm bệnh trì hoãn - Ảnh 5.

Bản thân tôi đã vượt qua những năm tháng học đại học khó khăn bằng cách ép bản thân đến thư viện mỗi ngày. Tôi nhận thấy rằng khi ở đó, tôi không thể không học. Nếu chỉ ở nhà, tôi sẽ chỉ chơi bời cả tuần.

Cách thức phổ biến thứ 2 thường được dùng để đánh bại sự trì hoãn tôi tạm gọi là "Nguyên lý Làm một điều gì đó". Nguyên lý Làm một điều gì đó về cơ bản được hiểu là nếu bạn muốn làm gì, bất kỳ điều gì, hãy bắt đầu với phần đơn giản nhất.

Chỉ một chút thời gian trước đây, tôi đã trì hoãn việc viết bài này, vậy nên tôi chỉ nói với bản thân rằng mình sẽ mở một trang văn bản trống và viết câu đầu tiên. Điều kỳ diệu là một khi đã khiến bản thân viết được một câu, thì 40 câu sau sẽ trở nên rất đơn giản.

Tương tự với ví dụ về tập gym. Chỉ cần ép được bản thân mặc bộ đồ tập. Rất đơn giản đúng không. Và khi đã mặc quần áo tập rồi, bạn sẽ cảm thấy thật ngu ngốc nếu mình không tập. Vậy nên bạn buộc phải tập thể dục.

"Nguyên lý Làm một điều gì đó" dựa trên thực tế rằng hành động vừa là căn nguyên của động lực vừa là kết quả của động lực. Và một khi đã tiến hành một hành động nhỏ, đơn giản, bạn tự nhiên như có đà, khiến cho những việc còn lại trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Dẫu vậy, những chiến lược này vẫn không thể giúp bạn giải quyết được căn nguyên của sự trì hoãn. Đây chỉ là những giải pháp tình thế, giúp bạn vượt qua vài ngày chứ không thể giải quyết được sự lười biếng trong dài hạn.

Vì sao ư? Bởi bạn cũng giống như đa số mọi người đều không ngừng trì hoãn hết lần này tới lần khác là bởi có một nguyên nhân sâu xa ẩn đằng sau đó.

Giảm cân? Để mai tính! Dọn nhà? Để mai tính! Đọc ngay bài viết này để trị dứt điểm bệnh trì hoãn - Ảnh 6.

Giảm cân? Để mai tính! Dọn nhà? Để mai tính! Đọc ngay bài viết này để trị dứt điểm bệnh trì hoãn - Ảnh 7.

Mọi chuyện là như thế này. Khi làm một chuyện ngu ngốc và nhàm chán như... đi đổ rác, hiển nhiên ai cũng biết vì sao mình trì hoãn. Rác rất bẩn phải không? Còn bốc mùi nữa. Nếu phải cầm theo túi rác đi ra ngoài thì thật khó chịu. Điều này khiến chúng ta lười.

Thông thường thì phải đến khi rác "ngập ngụa" khắp nơi trong nhà (theo đúng nghĩa đen), chúng ta mới cảm thấy có đủ động lực để làm gì đó như dọn dẹp và đổ đi chẳng hạn.

 Đó là chuyện đồ rác, còn những vấn đề quan trọng, to tát hơn thì sao? Vì sao chúng ta vẫn luôn trì hoãn? Có thể là xin việc mới, chia tay bạn trai, bắt đầu việc kinh doanh trên mạng, viết luận án thạc sĩ... 

Giảm cân? Để mai tính! Dọn nhà? Để mai tính! Đọc ngay bài viết này để trị dứt điểm bệnh trì hoãn - Ảnh 8.

Thậm chí còn có những việc gây căng thẳng và chứa nhiều cảm xúc hơn. Và vì thế, chúng ta làm mọi cách để né tránh chúng, trì hoãn tới mấy ngày, mấy tuần, mấy tháng và thậm chí mấy năm liền, dù biết đó là những điều tốt nhất cho mình. Chúng ta luôn cảm thấy bế tắc!

Loại trì hoãn nãy thường đi kèm với những suy nghĩ kiểu: "Được rồi, một ngày nào đó mình sẽ quay lại và hoàn tất luận văn sau". Nó cứ lặp đi lặp lại, hành hạ chúng ta và hai cột cảm xúc xanh đỏ không bao giờ cân bằng để chúng ta có thể thực sự bắt tay vào làm việc.

Những nỗi sợ này do đâu mà ra?

Dù là gì đi chăng nữa thì có một điều chắc chắn là luôn có một nỗi sợ đằng sau loại trì hoãn này. Nhìn chung nếu sự trì hoãn không bắt nguồn từ sự không hài lòng về một vấn đề gì đó, khi nó khiến bạn suy kiệt và hủy hoại cuộc sống, thậm chí bạc cả tóc, thì sự trì hoãn luôn bắt nguồn từ một nỗi sợ nào đó.

Giảm cân? Để mai tính! Dọn nhà? Để mai tính! Đọc ngay bài viết này để trị dứt điểm bệnh trì hoãn - Ảnh 10.

Nhiều khả năng bạn biết về Định luật Parkinson. Nội dung là: "Công việc nảy sinh thêm để lấp đầy thời gian được ấn định cho nó" (work expands so as to fill up the time available for its completion). Vậy nên dù có hai tuần hay hai ngày để hoàn thành dự án, bạn luôn cảm thấy mình cần toàn bộ thời gian được cho.

Cũng có thể bạn đã nghe qua Định luật Murphy: "Điều gì có thể trở nên xấu đi, sẽ trở nên xấu đi" (Whatever can go wrong, will go wrong).

"Điều gì có thể trở nên xấu đi, sẽ trở nên xấu đi"

Định luật Murphy

Lần tới khi tham dự một bữa tiệc cocktail mà muốn gây ấn tượng với một ai đó, bạn hãy thử Định luật Né tránh của Manson. Sao, bạn chưa bao giờ nghe tới Định luật Manson phải không? Tất nhiên là chưa rồi, tôi chỉ vừa mới nghĩ ra thôi.

Nội dung của nó như sau: Một thứ càng đe dọa đến danh tính của bạn, bạn sẽ càng né tránh nó. Có thể hiểu như thế này nếu một điều gì đó đe dọa đến cách bạn nhìn nhận bản thân, cách bạn tin vào bản thân, bạn sẽ càng trì hoãn việc bắt tay vào làm nó.

Điều điên rồ về Định luật Manson là nó có thể áp dụng với cả những điều tốt lẫn xấu trong cuộc sống. Làm ra được một triệu USD có thể gây hiểm họa cho bạn ngang với việc mất tiền. Tương tự việc trở thành một ngôi sao nhạc rock cũng có thể đe dọa tới danh tính của bạn như việc mất đi công việc vậy. Đó là lý do người ta lại sợ thành công - cùng một lý do với sợ thất bại - nó đe dọa tới việc họ là ai và họ biết gì ở hiện tại.

Bạn né tránh việc viết ra viễn cảnh mà mình luôn mơ ước vì điều đó truy vấn lại danh tính của bạn. Bạn sợ nói chuyện với chồng về việc phiêu lưu hơn trong chuyện chăn gối vì điều đó sẽ đe dọa "cái danh" về một người phụ nữ công dung ngôn hạnh. Bạn né tránh nói với một người bạn rằng bạn không muốn gặp họ nữa vì điều đó sẽ mâu thuẫn với "cái danh" một người tốt tính, vị tha mà bạn vẫn có.

Đó đều là những quyết định tốt, quan trọng mà ta luôn bỏ qua vì chúng đe dọa cách ta nhìn nhận và cảm nhận về bản thân. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng đó là thật.

Tôi có một người bạn, suốt một khoảng thời gian dài, anh ta nói về việc sẽ đăng tải các bức tranh của mình trên mạng và từ đó bắt đầu sự nghiệp với tư cách một họa sĩ chuyên nghiệp (hoặc ít nhất là bán chuyên). Anh ta nói về điều đó trong nhiều năm liền. Anh ta tiết kiệm tiền, thậm chí còn tự tạo một số website và đăng tải tác phẩm của mình.

Nhưng anh ta không bao giờ ra mắt chính thức và lúc nào cũng có lý do cho việc đó. Độ phân giải của tác phẩm chưa đủ tốt hoặc anh ta vừa vẽ một bức tranh đẹp hơn. Hoặc anh ta chưa thể sắp xếp để dành đủ thời gian cho việc này.

Giảm cân? Để mai tính! Dọn nhà? Để mai tính! Đọc ngay bài viết này để trị dứt điểm bệnh trì hoãn - Ảnh 12.

Nhiều năm trôi qua và anh ta không bao giờ thực hiện được. Tại sao? Vì dù luôn mơ ước nhưng việc trở thành một nghệ sĩ đe dọa tới cái danh không phải nghệ sĩ, không bị tổn thương của chính bản thân anh ấy.

Một người bạn khác của tôi thì là "chàng trai tiệc tùng", anh ta luôn theo đuổi các cô gái. Thế nhưng, sau nhiều năm sống cuộc sống phóng khoáng như vậy, anh ấy cảm thấy cực kỳ cô đơn, trầm cảm và không khỏe. Anh ấy muốn từ bỏ. Anh ấy tỏ ra rất ghen tỵ khi nói chuyện với chúng tôi, những người đang có mối quan hệ ổn định hơn anh ấy.

Nói vậy nhưng anh ấy không bao giờ từ bỏ. Trong nhiều năm cuộc sống của anh ấy vẫn diễn ra như vậy với những bữa tiệc tùng thâu đêm và rượu. Luôn có nhiều "cái cớ" khiến anh ấy không thể sống chậm lại.

Nó đe dọa đến "cái danh" của anh ấy quá mức. "Chàng trai tiệc tùng" là tất cả những gì anh ấy biết. Từ bỏ nó cũng giống như việc rạch bụng tự sát theo kiểu tâm lý học.

Chúng ta luôn có niềm tin vào bản thân mình. Theo lẽ thường chúng ta sẽ luôn bảo vệ chúng. Vậy nên nếu tôi tin tôi là một người đàn ông tử tế, tôi sẽ tránh những tình huống có thể mâu thuẫn với niềm tin đó. Nếu tôi tin mình nấu ăn ngon, tôi sẽ hết lần này đến lần khác tìm kiếm những cơ hội để chứng tỏ bản thân.

Thường thì, điều khó làm nhất trong cuộc sống của chúng ta là những trở ngại về tâm lý. Dù là dành thời gian để học và cải thiện điểm số, rời khỏi quê nhà, hay ngậm miệng lại và viết về ý tưởng mà mình vẫn luôn nói với người khác thì chúng ta luôn né tránh những điều này vì theo một cách nào đó chúng mâu thuẫn với những niềm tin về bản thân mà ta có.

Đứa trẻ không chịu học hành vì nó tin rằng mình là một đứa nổi loạn và cô độc. Chàng trai không rời khỏi quê nhà vì anh ta thầm tin rằng mình không đủ giỏi để thành công ở nơi khác. Người phụ nữ không bao giờ ngồi xuống viết sách vì trớ trêu thay, khả năng thất bại đe dọa niềm tin rằng cô ấy thông minh và có khả năng làm bất cứ thứ gì.

Niềm tin luôn được ưu tiên. Cho đến khi có thay đổi trong cách nhìn nhận bản thân, thay đổi những gì ta tin và không tin ở bản thân, chúng ta không thể chấp nhận những quyết định và hành vi mà ta dành quá nhiều thời gian để né tránh.

Giảm cân? Để mai tính! Dọn nhà? Để mai tính! Đọc ngay bài viết này để trị dứt điểm bệnh trì hoãn - Ảnh 13.

Có một chuyện rất hài hước xảy đến khi tôi viết bài viết này. Càng nghĩ bài sắp tới hay bao nhiêu, tôi càng trì hoãn và khó viết hơn.

Ngược lại, khi không thèm quan tâm liệu bài viết có hay hay không, thì ý tưởng lại tuôn trào và thường sẽ viết ra những bài hay.

Tôi cá là trong cuộc sống bạn cũng từng trải qua tình huống tương tự. Càng bận tâm tới kết quả, bạn càng khó đạt được nó hơn. Ngược lại càng ít quan tâm, tự nhiên nó sẽ đến.

Nhìn nhận ngược lại một chút.

Càng cố thuyết phục bản thân rằng mình là một cây viết tài năng và càng có một điều quan trọng muốn nói thì việc viết một bài viết càng đe dọa tới "cái danh" của tôi hơn, và tôi càng trì hoãn hơn.

Trong khi đó, nếu tin rằng mình là một gã lông bông nào đó đặt chữ lên tờ giấy, việc viết lách không có mối đe dọa gì thì sự trì hoãn dừng lại.

Đây là một (trong nhiều) cách mà những suy nghĩ tích cực khiến ta đi chệch hướng. Đa số con đường dẫn tới sự trì hoãn là tự nói với bản thân những lời tích cực:

"Cố lên, mày làm được. Mày rất thông minh. Mày rất tuyệt vời. Mày có thể làm bất cứ điều gì mày muốn".

Nhưng càng tự nói những điều đó, bạn lại càng gắn "cái danh" của mình với những so sánh nhất như "thông minh nhất" hay "tuyệt vời nhất" khiến các hành động càng có nhiều khả năng đe dọa đến niềm tin của bạn hơn.

Và vì nó đe dọa niềm tin nên có rất ít khả năng bạn sẽ thực sự làm nó.

Giải pháp là gì: TỰ SÁT (tất nhiên tôi chỉ nói ẩn dụ)


Phật giáo luôn nhấn mạnh tới việc từ bỏ quan niệm rằng con người thật sự tồn tại. Điều đó có nghĩa là, theo tâm lý học, quan niệm "bạn là ai" được xây dựng xuyên suốt cuộc đời với rất nhiều những điều ngẫu nhiên. Phật giáo cho rằng điều này thật ra đang đánh lừa bạn và tốt hơn hết bạn nên từ bỏ nó.

Nghe có vẻ không đáng tin, nhưng nó mang lại một số lợi ích tâm lý thực sự. Khi từ bỏ những điều mình nói về bản thân, với bản thân, ta có thể giải thoát bản thân, hành động và trưởng thành.

Khi một người vợ thừa nhận: "Có lẽ em không phải người vợ tốt hay không giỏi trong các mối quan hệ" thì cô ấy tự nhiên sẽ hành động thoải mái và kết thúc cuộc hôn nhân đổ vỡ. Cô ấy không còn phải bảo "cái danh" của mình nữa.

Khi cậu học sinh thừa nhận với bản thân: "Có lẽ mình không phải kẻ nổi loạn, có lẽ chỉ là mình đang sợ hãi" thì cậu ấy sẽ lại thoải mái đặt ra tham vọng và không còn lý do để cảm thấy bị đe dọa nữa.

Khi một nhân viên giám định bảo hiểm thừa nhận: "Có lẽ ước mơ và công việc của mình không có gì độc đáo hay đặc biệt cả" thì anh ta sẽ thoải mái thực hiện những điều mình ấp ủ và chứng kiến những gì sẽ xảy đến.

Lý do là bởi tôi có một tin tốt và một tin xấu cho các bạn: Thực ra thì cả bạn và những vấn đề của bạn chẳng có gì đặc biệt cả!

Gợi ý của tôi là: Đánh giá lại bản thân theo một cách bình thường và phóng khoáng. Hãy chọn cách nhìn nhận bản thân không phải như một ngôi sao đang lên hay thiên tài ẩn dật. Chọn cách nhìn nhận bản thân không phải một nạn nhân đáng thương hay một kẻ thất bại tồi tệ. Thay vì thế, hãy nhìn nhận bản thân là những điều đơn giản: Một học sinh, một đối tác, một người bạn, một người sáng tạo.

Điều đó đồng nghĩa với việc từ bỏ một số ý tưởng lớn lao và thú vị về bản thân: Rằng bạn thông minh xuất chúng, hoặc có tài năng đặc biệt, có sức quyến rũ hoặc bị đối xử tàn nhẫn mà người khác không thể tưởng tượng được.

Chúng ta thích nói với chính bản thân những điều như vậy. Chúng khiến ta cảm thấy vui. Nhưng chúng cũng kéo chúng ta lại.

Tóm lại, hãy cắt nghĩa bản thân theo cách đơn giản và tầm thường nhất có thể. Vì "cái danh" mà bạn chọn cho mình càng hẹp và hiếm, càng có nhiều thứ đe dọa bạn hơn. Mà một khi các mối đe dọa kéo đến, nó sẽ đến cùng sự né tránh, sợ hãi, và trì hoãn những việc quan trọng.

Theo: Markmanson.net

Vân Đàm
Van Vu
Theo Trí Thức Trẻ16/11/2016

Mark Manson