Giải pháp nào để phát triển truyền hình OTT nhìn từ việc mua bản quyền ASIAD 2018?

23/08/2018 21:02 PM | Kinh doanh

3 trận đấu đầu tiên của đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam tại ASIAD 2018 cho thấy bảo vệ bản quyền vẫn là vấn đề khó khăn ở thị trường truyền hình Việt Nam. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt cũng chưa sẵn sàng bỏ thêm tiền để xem nội dung.

19h tối 23/8, trận bóng đã giữa đội tuyển Olympic Việt Nam và Plympic Bahrain trong khuôn khổ Á Vận hội (ASIAD) 2018 sẽ diễn ra. Khán giả có thể theo dõi trực tiếp trên các kênh truyền hình và phát thanh của VOV, VTC và những kênh của đơn vị được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cấp phép chia sẻ bản quyền.

Bên cạnh đó, một phương thức xem mới cũng được các đơn vị đẩy mạnh truyền thông từ lúc mua được bản quyền truyền hình ASIAD 2018. VOV nhắc đến ứng dụng VOV Media, VTC Now. Trong khi đó, Viettel, một trong hai đơn vị hỗ trợ mua bản quyền, lại nêu tên MobiTV, Onme, ViettelTV. Đây là những dịch vụ truyền hình truyền dẫn trên nền tảng Internet, hay còn được gọi với thuật ngữ OTT truyền hình.

OTT truyền hình là gì?

Sự phổ biến của các thiết bị công nghệ trong những năm gần đây như smartphone, smart TV,… cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống Internet băng thông rộng, kết nối 3G, 4G đã thay đổi thói quen xem truyền hình của khán giả. Những chiếc TV với hàng trăm kênh phát suốt ngày đêm đã không còn là sự lựa chọn duy nhất. Khán giả muốn có một trải nghiệm xem truyền hình trên những thiết bị nhỏ gọn, tiện lợi.

Khảo sát tại 4 thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ) của Kantar Media Việt Nam chỉ ra rằng, 84% người dân sử dụng Internet mỗi ngày và thời gian truy cập Internet đã cao hơn xem TV. Tại Hà Nội, trung bình mỗi người dành 3 giờ 49 phút để online, trong khi chỉ dành 2 giờ 25 phút để xem TV. Trong khoảng thời gian đó, 45% dân số trong độ tuổi 15-54 xem nội dung truyền hình và video theo yêu cầu (VOD).

Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, 9/10 người Việt Nam được hỏi cho biết rằng họ xem video trực tuyến hàng tuần. Việt Nam hiện là một trong những nước đang dẫn đầu xu hướng xem video trực tuyến. Điều này mở ra cơ hội cho những dịch vụ truyền hình truyền dẫn trên nền tảng Internet - OTT truyền hình.

Tổ chức nghiên cứu Muvi thống kê rằng, có tới gần 2 tỷ thuê bao Netflix, Hulu, Amazon, Youtube theo dõi thường xuyên, chiếm gần 40% tổng thị phần video OTT thế giới. Tại Đông Nam Á, doanh thu thị trường OTT truyền hình có thể đạt 650 triệu USD/năm sau 3 năm nữa.

Cần xóa bỏ tình trạng vi phạm bản quyền để phát triển OTT

Có khoảng 30 sản phẩm OTT truyền hình ở Việt Nam. Điều đó cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp đến thị trường này tại Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có một doanh nghiệp Việt Nam nào giành được vị trí thống lĩnh trên thị trường. Việc đầu tư vào OTT của doanh nghiệp Việt nhằm hướng đến kỳ vọng lợi ích trong tương lai.

Vấn đề của thị trường Việt Nam là tình trang vi phạm bản quyền tràn lan, mà 3 trận đấu đầu tiên của đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam tại ASIAD 2018 là ví dụ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng chưa sẵn sàng bỏ thêm tiền để xem nội dung. Khảo sát của Kantar Media cho thấy, 75% người dùng ở 3 thành phố lớn (TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ) chi 200.000 đồng mỗi tháng cho hóa đơn điện thoại. Người dùng Hà Nội chi bình quân khoảng 600.000 đồng/tháng. Tiềm năng kinh doanh của các OTT vẫn chưa thật sáng rõ.

Mỗi doanh nghiệp tham gia thị trường đều có cách xoay sở riêng trong bối cảnh thị trường như vậy. VTVCab kết hợp với nhà mạng để phát triển OTT theo hướng miễn phí nội dung, ưu đãi data và thu tiền từ quảng cáo. Iflix cũng hợp tác với MobiFone hồi cuối năm 2017 để ra mắt dịch vụ cho phép thuê bao MobiFone xem miễn phí các nội dung iflix có bản quyền.

Trong khi đó, chủ động làm nội dung độc quyền lại là cách được một số doanh nghiệp lựa chọn. FPT Play cho biết, đơn vị này đã có bản quyền 3 mùa giải bóng đá vô địch quốc gia Italia (Serie A) và phát độc quyền trên nền tảng của mình. Viettel Media đã hợp tác với nhiều nhóm hài để sản xuất nội dung độc quyền. Dù vậy, những nội dụng này vẫn được đăng tải trên Youtube một tuần sau đó cùng những dòng chữ mời khán vào website/ứng dụng của Viettel để được xem tập mới hơn.

Việc VOV mua bản quyền truyền hình ASIAD, với sự hỗ trợ của Viettel có thể cũng làm một cách giúp phát triển mảng kinh doanh trên OTT của VOV và Viettel. Khi người tiêu dùng chưa sẵn sàng mở hầu bao và tình trạng xem "lậu" diễn ra tràn lan, việc các doanh nghiệp hợp tác mua bản quyền truyền hình để phát miễn phí là điều đáng hoan nghênh.

Còn nếu đặt mục tiêu kinh doanh ngay tại thời điểm này, như đại diện Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu khi vừa mua được bản quyền truyền hình ASIAD: "Đặt kinh phí lên trước, chắc chúng ta không dám đặt vấn đề mua bản quyền".

Theo An Bình

Cùng chuyên mục
XEM