Giải mã tập đoàn Hoa Sen: Từ đáy vực bứt phá ngoạn mục nhờ thiên thời và mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh doanh, cổ phiếu tăng giá 10 lần

13/10/2021 09:58 AM | Kinh doanh

Nhờ việc nắm giữ thị phần số một trong mảng sản xuất và kinh doanh tôn mạ ở cả thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu của Việt Nam cùng với diễn biến thị trường thuận lợi, Hoa Sen đạt được kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2021. Điều này phần nào được phản ánh vào sự tăng trưởng về giá cổ phiếu trong thời gian qua.

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) được thành lập năm 2001 với vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng. Đến ngày 19/9/2009, cổ phiếu của doanh nghiệp này được chấp thuận niêm yết tại Sở GDCK TP HCM với tổng giá trị 570 tỷ đồng. Chặng đường phát triển 20 năm của tập đoàn này với nhiều khúc quanh đột ngột. 

Từ vị trí số 1 ngành tôn mạ với thị phần của năm 2012 là 40,9% thì năm 2016 chỉ còn hơn 30%. Tính đến quý III/2018, tổng dư nợ vay của HSG đã lên đến hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn hơn 12.000 tỷ đồng, tỷ số nợ phải trả trên tổng tài sản lên gần 78%. Cuối năm 2018, cổ phiếu HSG của Hoa Sen Group liên tục giảm điểm, ghi nhận giảm hơn 80% so với đỉnh về chỉ còn hơn 6.000 đồng/cp. Sang đến cuối tháng 3/2020, giá cổ phiếu tập đoàn này thậm chí chỉ có khoảng 4.200 đồng.

Thế nhưng sau hơn 1 năm rưỡi, hiện giá cổ phiếu HSG ở mức 47.000 đồng, tăng hơn gấp 10 lần. Vì sao giá cổ phiếu Hoa Sen bứt phá ấn tượng như vậy?

Tập đoàn này trở lại vị trí số 1 trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh tôn thép ở Việt Nam với sản phẩm chính bao gồm các loại thép, tôn dày mạ, ống kẽm và ống nhựa. Theo số liệu 7 tháng đầu năm 2021, những sản phẩm này vừa được tiêu thụ trong nước (33%) vừa được xuất khẩu (67%). 

Theo phân tích của công ty chứng khoán VnDirect, nhờ việc nắm giữ thị phần số một trong mảng sản xuất và kinh doanh tôn mạ ở cả thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu của Việt Nam cùng với diễn biến thị trường thuận lợi, Hoa Sen đạt được kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2021. Và điều này phần nào được phản ánh vào sự tăng trưởng về giá cổ phiếu trong thời gian qua.

Giải mã tập đoàn Hoa Sen: Từ đáy vực bứt phá ngoạn mục nhờ thiên thời và mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh doanh, cổ phiếu tăng giá 10 lần - Ảnh 1.

Hưởng lợi từ siêu chu kỳ hàng hóa

Năm 2020 và 2021 thị trường thuận lợi chung cho toàn ngành thép khi Chính phủ tăng gia đầu tư công trong bối cảnh dịch Covid-19. Điều này dẫn đến nhu cầu cực lớn về thép. Hưởng lợi từ giá HRC tăng gần 90% so với cùng kỳ do gián đoạn chuỗi cung ứng trong Covid-19.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng sản xuất thép của Việt Nam đạt 18.325 nghìn tấn (tăng 33,5% so với cùng kỳ). Trong đó, đóng góp lớn nhất đến từ sản lượng sản xuất HRC, tôn mạ. Tôn mạ là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của HSG, giúp cho doanh nghiệp đạt được tăng trưởng lớn trong năm tài chính 2020-2021.

Việc giá HRC tăng gần 90% kể từ cuối năm 2020 đến nay phản ánh xu hướng siêu chu kỳ hàng hóa khi nhu cầu tiêu thụ tăng trong bối cảnh các nền kinh tế mở cửa sản xuất kinh doanh trở lại và chi phí vận chuyển tăng cao do gián đoạn chuỗi cung ứng. 

Giải mã tập đoàn Hoa Sen: Từ đáy vực bứt phá ngoạn mục nhờ thiên thời và mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh doanh, cổ phiếu tăng giá 10 lần - Ảnh 2.

Giá HRC futures tăng dựng đứng trong năm 2020-2021.

Việc giá HRC giữ được đà tăng giúp cho doanh nghiệp có thể bán hàng với giá cao trong khi tận dụng được nguồn hàng tồn kho giá rẻ trong thời gian qua. Ngoài ra thị trường xuất khẩu lại chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu bán hàng của HSG (67% trong 7 tháng đầu năm 2021), do đó doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ nhu cầu tiêu thụ quốc tế.

VnDirect kỳ vọng kết quả kinh doanh của HSG sẽ tiếp tục tích cực trong những tháng cuối năm 2021 với bối cảnh thị trường tiêu thụ trong nước ổn định trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát, dẫn đến  nhu cầu sử dụng tôn mạ phục hồi.

Về dài hạn, các doanh nghiệp thép Việt Nam vẫn sẽ có được cơ hội lớn khi nhu cầu thép tăng cáo ở thị trường EU (mục tiêu đưa mức phát thải carbon về 0), ở Mỹ (muốn chi chiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng), và Trung Quốc (hạn chế ngành công nghiệp sản xuất nặng với mục tiêu giảm thiểu tác hại đến môi trường). Ví dụ Trung Quốc - nơi sản xuất một nửa lượng thép trên thế giới trong năm 2020 chuyển dịch các nhà máy lớn ra ven biển và đóng cửa một số nhà máy có công nghệ lạc hậu nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Trong khi đó từ giữa năm 2020, Trung Quốc liên tục tung ra các biện pháp kích thích đầu tư cơ sở hạ tầng kéo theo nhu cầu thép tăng cao. Trung Quốc phải nhập khẩu 38,5 triệu tấn thép, tăng 150%.

Qua đó giúp giá HRC tiếp tục duy trì ở mức cao và giúp các doanh nghiệp thép Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ việc này như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim.

Lũy kế 10 tháng đầu năm niên độ 2020-2021, doanh thu của Hoa Sen đạt 37.850 tỷ đồng (tăng 75% so với cùng kỳ năm trước), đạt 115% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.674 tỷ đồng (gấp 4,4 lần cùng kỳ). Số liệu của VnDirect cho biết xét về thị phần chung cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, HSG vẫn giữ vị trí số 1 với 36,7% trong 6 tháng đầu năm 2021 gần gấp đôi đối thủ đứng thứ 2 là Nam Kim chỉ với 16,3%.

Công ty chứng khoán này cho biết thị trường tôn mạ ngày càng có xu hướng cô đặc khi 2 doanh nghiệp Hoa Sen và Nam Kim liên tục tăng thị phần từ năm 2019 và đã chiếm 53% của cả thị trường. Việc giành được phần lớn miếng bánh thị phần phản ánh được chiến lược bán hàng đa kênh và xuất khẩu hiệu quả của hai doanh nghiệp đầu ngành cũng như khẳng định sức mạnh về thương hiệu. Hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ đó cũng có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ và rõ rệt.

Giải mã tập đoàn Hoa Sen: Từ đáy vực bứt phá ngoạn mục nhờ thiên thời và mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh doanh, cổ phiếu tăng giá 10 lần - Ảnh 3.

Tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình kinh doanh

Nếu những năm 2015-2017, Hoa Sen ồ ạt mở rộng hệ thống, đánh đổi lợi nhuận lấy thị phần, thì giai đoạn 2018-2019 công ty này chuyển sang thu gọn với tốc độ nhanh không kém. Đỉnh điểm năm 2017, số lượng chi nhánh mở mới trong năm lên tới 121 đơn vị, nâng tổng số cửa hàng cuối năm đạt 371 chi nhánh thì chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2019, HSG đã giải thể 371 chi nhánh.

Báo cáo thường niên năm 2018-2019 công ty này cho biết triển khai hàng loạt các giải pháp để sinh tồn: Kiểm soát hiệu quả hàng tồn kho và các loại chi phí phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; Điều tiết hoạt động kinh doanh theo hướng tập trung vào các sản phẩm tạo ra biên lợi nhuận lớn và ổn định; Hoàn thành công tác tái cấu trúc Hệ thống phân phối và đưa vào vận hành toàn hệ thống phân phối được tổ chức theo mô hình Chi nhánh Tỉnh; Tinh gọn bộ máy tổ chức toàn Tập đoàn nhằm đảm bảo sự tối ưu và tiết giảm chi phí trong hoạt động. 

Sang đến năm 2019-2020, ban lãnh đạo của Hoa Sen đưa ra nhận định đánh giá về tình hình kinh tế- xã hội nói chung và nhu cầu của người tiêu dùng trong vài năm đã có những chuyển biến đáng kể, tác động nhiều mặt đối với phương thức kinh doanh truyền thống của các doanh nghiệp. Có 3 điểm được tập đoàn này chú ý:

Thứ nhất, thói quen và nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay chủ yếu hướng đến sự tiện lợi và nhanh chóng. Người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm giải pháp toàn diện và cung cấp sự lựa chọn đa dạng để đáp ứng nhu cầu nhanh nhất và đầy đủ nhất. Do đó, việc kinh doanh các sản phẩm vật liệu xây dựng- nội thất theo mô hình truyền thống, nhỏ lẻ, cung cấp quá ít sự lựa chọn sẽ khó đáp ứng được thói quen và nhu cầu của người tiêu dùng trong xã hội hiện nay;

Thứ hai, sự đổi mới, cải tiến về công nghệ thông tin trong những năm gần đây đã diễn ra rất mạnh mẽ. nhiều nền tảng, công nghệ mới đã được phát triển để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc: Nâng cao chất lượng bán hàng, tăng cường trải  nghiệm của người dùng, và cải thiện hiệu quả kinh doanh trong việc quản lý hàng tồn kho, chuỗi cung ứng;

Thứ ba, bối cảnh bùng phát của dịch bệnh Covid-19 kéo theo các hệ quả như hạn chế đi lại, giãn cách xa hội, cách ly... đã trở thành một trong những yếu tố làm thay đổi các phương thức giao dịch truyền thống như: Thanh toán tiền mặt, mua hàng trực tiếp thành các phương thức giao dịch mới như mua hàng trực tuyến, bán hàng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Trước những chuyển biến về tình hình kinh tế xã hội, ông lớn ngành tôn mạ đã cân nhắc xem xét việc nâng cấp phương thức, mô hình kinh doanh truyền thống lên một phương thức mới, hiện đại và sáng tạo hơn như: Xây dựng mô hình mới gồm đa dạng hóa danh mục sản phẩm kinh doanh trong mảng vật liệu xây dựng và nội thất, thiết lập chuỗi siêu thị vật liệu xây dựng- nội thất Hoa Sen Home trên toàn quốc, triển khai website và app bán hàng trực tuyến, quản trị chuỗi cung ứng thông minh.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM