Giải mã tâm lý tội phạm vụ phóng hoả ở Phú Đô: Hành vi đã trở thành thói quen

06/04/2022 08:30 AM | Xã hội

Theo tâm lý tội phạm, những kẻ thích "phóng hỏa" sẽ bắt đầu với việc đốt những đồ vật nhỏ, rồi dần chuyển sang những mục tiêu lớn hơn. Trong vụ án, khi cảm thấy tức giận, người phụ nữ này chọn cách phóng hỏa thay vì những hành vi khác bởi ngọn lửa là thứ nảy ra đầu tiên trong suy nghĩ.

Kẻ thích "phóng hỏa" sẽ bắt đầu với đốt đồ vật nhỏ

Liên quan đến vụ án phóng hoả đốt nhà khiến 1 người tử vong và 5 người bị thương xảy ra tại phường Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiện cơ quan công an quận Nam Từ Liêm đã khởi tố vụ án “Giết người” và “Huỷ hoại tài sản” với Trần Thị Thanh Hải (SN 1993, quê Nam Định) là đối tượng đốt xe máy dẫn đến vụ cháy.

Nguyên nhân dẫn đến vụ việc, Hải khai do gia đình bạn trai ngăn cấm, nên trên đường đi mua xăng về đã bực tức dẫn đến việc đốt chiếc xe máy của anh họ bạn trai để trả thù. Đáng nói, theo lời bạn trai của Hải, trước đó cô ta từng đốt máy tính, đập phá đồ đạc trong những lần giận dỗi.

Phân tích dưới góc độ tâm lý tội phạm, Lê Bảo Ngọc - Chuyên viên nghiên cứu tâm lý tội phạm từ Công ty luật Multi Law cho biết, nhiều người nghĩ, "phóng hỏa" chỉ là một hành vi đơn thuần. Tuy nhiên, trong tâm lý học tội phạm, đây là một loại tội phạm phức tạp.

Giải mã tâm lý tội phạm vụ phóng hoả ở Phú Đô: Hành vi đã trở thành thói quen - Ảnh 1.

Trần Thị Thanh Hải tại cơ quan công an

Theo những nghiên cứu tâm lý học tội phạm quốc tế, có 7 động cơ phổ biến dẫn đến hành vi đốt phá gồm: Báo thù; Hủy hoại tài sản; Chống chính quyền/khủng bố; Thỏa mãn ẩn ức tình dục bằng cách đốt phá; Tiêu hủy bằng chứng, xóa dấu vết nhằm che đậy tội ác; Mục đích trục lợi; Cảm thấy hưng phấn, kích thích hoặc thỏa mãn khi đốt phá.

Trong số các nguyên nhân này thì, "Cảm thấy hưng phấn, kích thích hoặc thỏa mãn khi đốt phá" là loại động cơ nguy hiểm nhất.

Trong đó người phạm tội cực kỳ khao khát sự phấn khích do ngọn lửa mang lại. Nhóm này được chia thành 3 loại:

Thứ nhất: Đốt phá là cách để họ đạt được khoái cảm, tìm kiếm cảm giác mạnh, nhận được sự kích thích mà họ cần từ ngọn lửa và phản ứng khẩn cấp mà nó gây ra đối với những người xung quanh. Người phạm tội cảm thấy mình quan trọng, quyền lực, được công nhận và gây chú ý.

Thứ 2 là một số người lại gặp vấn đề về sự tức giận. Alan Feldberg - Tiến sĩ tâm lý học tại Cornell Abraxas Group, một trung tâm ở Pennsylvania chuyên điều trị "những người thích nhóm lửa" cho biết, sự tức giận là động lực chính của các bệnh nhân tại đây.

Theo một báo cáo trong Bản tin thực thi pháp luật của FBI, đại đa số những người phóng hoả khi tức giận có chỉ số thông minh và trí tuệ cảm xúc thấp hơn người bình thường.

Có thể nhận thấy những người trong nhóm "Cảm thấy hưng phấn, kích thích hoặc thỏa mãn khi đốt phá" bằng cách mà họ sử dụng lửa, cũng như theo dõi tần suất họ xử lý cơn giận của mình với ngọn lửa.

Các chuyên gia tâm lý tội phạm cho rằng, những kẻ thích "phóng hỏa" sẽ bắt đầu với việc đốt những đồ vật nhỏ, rồi dần chuyển sang những mục tiêu lớn hơn.

Thứ 3 là chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

Đốt phá khiến đối tượng hưng phấn, kích thích

Trở lại với vụ án phóng hỏa ở Hà Nội, nữ nghi phạm khai, bản thân cho rằng anh V. là kẻ ngăn cản chuyện hôn nhân của mình nên muốn làm hỏng xe máy của anh V. Hải đổ xăng lên xe máy rồi dùng diêm châm lửa nhiều lần cho đến khi lửa cháy bùng lên.

Cần lưu ý rằng, nếu muốn làm hỏng xe máy thì có rất nhiều cách, thông thường những kẻ phá hoại sẽ sử dụng những cách thức như đập nát, làm hỏng bộ phận của xe, thường gặp nhất là phá hỏng lốp hoặc động cơ xe.

Giải mã tâm lý tội phạm vụ phóng hoả ở Phú Đô: Hành vi đã trở thành thói quen - Ảnh 2.

Hiện trường vụ cháy

Rất hiếm trường hợp phá xe trong khu để xe bằng cách châm lửa đốt, bởi điều này rất nguy hiểm và phức tạp hơn nhiều so với những cách khác.

Việc nữ nghi phạm chọn cách phóng hỏa chiếc xe, đồng thời đã từng có hành vi đốt máy tính của bạn trai trong quá khứ cho thấy cô ta không chỉ là dạng đốt phá kiểu trả thù, mà còn thuộc loại "cảm thấy hưng phấn, kích thích hoặc thỏa mãn khi đốt phá".

Đối tượng bị hấp dẫn bởi ngọn lửa, nên khi cảm thấy tức giận với ai đó, người phụ nữ này chọn cách phóng hỏa thay vì những hành vi khác bởi ngọn lửa là thứ nảy ra đầu tiên trong suy nghĩ của cô ta.

Các nhà tâm lý học tội phạm coi phóng hoả là hành vi đặc biệt nguy hiểm, bởi hành vi đốt phá khác với các hành vi phạm tội khác ở chỗ hậu quả của việc đốt phá thường nằm ngoài tầm kiểm soát.

Cũng như trong vụ việc vừa qua tại Hà Nội, nữ nghi phạm chỉ định đốt chiếc xe máy nhưng kết quả lại dẫn đến cháy nhà, khiến 1 người chết và 5 người bị thương. Do trí thông minh và trí tuệ cảm xúc của những kẻ phóng hoả không cao nên họ thường không lường trước được hậu quả xảy ra, hoặc có thể lường trước được nhưng cố ý hành động bất chấp hậu quả.

Hơn nữa, những kẻ phóng hoả sẽ không dừng lại nếu không bị ngăn chặn kịp thời: nếu không bị bắt hoặc không đi điều trị tâm lý, họ vẫn sẽ tiếp tục hành vi đốt phá với mức độ nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Thế nên, phóng hoả là hành vi phạm tội cần phải bị trừng trị nghiêm khắc trước pháp luật.

Như tin đã đưa, tối 31/3 trên địa bàn phường Phú Đô (Nam Từ Liêm) xảy ra một vụ hỏa hoạn khiến Ng.Th.M.A. thiệt mạng, 5 người khác bị thương, nhiều tài sản bị hủy hoại. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã xác định và bắt giữ nghi phạm gây án Trần Thị Thanh Hải (SN 1993, quê Nam Định).

Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận có quan hệ tình cảm với anh C.V.H. Vào ngày 31/3, Hải có mua 30.000 đồng xăng mang tìm đến nơi anh H. đang ở nhưng không gặp. Sau đó Hải có đi cắt tóc, gội đầu và làm móng.

Tại cửa hàng tóc, Hải có suy nghĩ đến việc anh H. và gia đình ngăn cấm, dẫn đến anh H. không quan tâm chăm sóc mình nên nảy sinh ý định mang chai xăng vừa mua quay lại đốt xe anh V. - là anh họ anh H.

Khoảng 18h ngày 31/3, sau khi vào được tầng 1 để xe, Hải tìm đến xe anh V. và đốt. Sau đó sợ người khác phát hiện, Hải chạy ra cổng và vứt bỏ áo khoác ngoài.

Hải bị lực lượng công an bắt giữ không lâu sau đó. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, củng cố tài liệu để xử lý Hải theo quy định của pháp luật.

Theo ĐẶNG THUỶ

Cùng chuyên mục
XEM