Giải mã hiện tượng thanh khoản đột biến, nhà đầu tư cần làm gì sau phiên bán tháo 2 tỷ USD?
Ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, rất khó để thị trường ghi nhận lại mức đỉnh này, bởi lẽ đây là do tần suất giao dịch tăng lên chứ không phải là lực tiền nội tại của thị trường.
Thị trường chứng khoán tuần 16-20/8, nhà đầu tư dồn sự chú ý vào phiên giao dịch cuối tuần khi VN-Index điều chỉnh giảm mạnh tới 3,3% - trở thành một trong những chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất Châu Á trong phiên 20/8. Đặc biệt, tâm lý bán tháo và bắt đáy liên tục xuất hiện cũng giúp thanh khoản tăng lên mức kỷ lục lên đến 48.620 tỷ đồng (2,1 tỷ USD), cao gấp rưỡi so với phiên liền trước, trong đó sàn HoSE đạt hơn 38.000 tỷ đồng cho thấy áp lực bán rất mạnh.
Giải mã cho hiện tượng thanh khoản đột biến, ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc môi giới hội sở Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng đây là hệ quả của việc tổng hòa các luồng thông tin dồn dập, đặc biệt là tác động tiêu cực từ các tin đồn được lan truyền về tình hình dịch bệnh phức tạp tại các thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội, các chính sách thắt chặt giãn cách... tạo tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư đẩy tần suất giao dịch tăng rõ ràng, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân - vốn chiếm 80% lượng giao dịch – bị tác động rất lớn.
Thị trường hầu như không hề có dòng tiền mới đổ vào mà yếu tố chủ yếu kích thích chính là tần suất giao dịch lớn của chính các nhà đầu tư cá nhân. Nói cách khác, phần lớn nhà đầu tư phiên cuối tuần đã thực hiện lướt sóng trong một phiên giảm mạnh để tạo ra kỷ lục thanh khoản.
Thống kê trên sàn HoSE, nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng tới hơn 5.800 tỷ đồng trong phiên 20/8. Nhờ lực mua này nên mặc dù tổ chức trong nước và nước ngoài duy trì bán ròng, dòng tiền toàn thị trường vẫn ghi nhận trạng thái dương. Trong khi người chớp thời cơ trong phiên sụt giảm mạnh như thường thấy là nhóm tự doanh, mua ròng gần 720 tỷ đồng.
(nguồn: FIDT)
Ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, rất khó để thị trường ghi nhận lại mức đỉnh thanh khoản này, bởi lẽ đây là do tần suất giao dịch tăng lên chứ không phải là lực tiền nội tại của thị trường. Các giai đoạn tiếp theo, thanh khoản sẽ xoay quanh mức 20.000 – 30.000 tỷ đồng và tăng dần theo lượng nhà đầu tư mới với các kỳ vọng yếu tố vĩ mô tích cực hơn.
Thị trường hiện tại, P/E của VN-Index hiện tại ghi nhận ở mức 16,3 lần và gần như 70% các ngành đều dưới mức P/E trung bình này. Bên cạnh đó, thống kê các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán, tỷ trọng đóng góp lợi nhuận lớn nhất trong tổng số 19 ngành của thị trường trong quý 2 vừa qua là: ngân hàng chiếm tới 31,55%; bất động sản đóng góp 14,5%, tài nguyên cơ bản chiếm 12,99%, dịch vụ công nghiệp đóng góp 6,9% và điện nước&xăng dầu khí đốt ghi nhận 5,3%,
Năm nhóm ngành trọng yếu của thị trường này đã chiếm tới 75% thu nhập toàn thị trường, và chỉ cần nhìn vào tình hình lợi nhuận của các ngành này có thể suy ra tình hình thị trường chung.
Nhà đầu tư cần làm gì sau phiên bán tháo?
Nhận định về thị trường quý 3 và quý 4 năm 2021, vị chuyên gia đến từ Mirae Asset cho rằng chính sách giãn cách kéo dài sẽ làm các hoạt động kinh tế sút giảm và ảnh hưởng tới cả nền kinh tế, từ đây khiến P/E forward năm 2021 sẽ cao lên.
Theo đó, thị trường hiện nay đang trông chờ vào câu trả lời cho việc làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 này khi nào sẽ được kiểm soát. Với những biện pháp mạnh hơn, đặc biệt là tốc độ tiêm vaccine đang được đẩy lên cao nhất, ông Tuấn cho rằng xác suất TPHCM và các tỉnh Nam bộ có thể cắt cơn bùng dịch vào 15/9 là khá cao. Vì vậy thị trường vẫn có triển vọng về phục hồi mạnh mẽ trong quý 4 tới đây.
Nhà đầu tư cá nhân được khuyến nghị, thời điểm hiện tại nên bình tĩnh, đánh giá lại danh mục theo hướng ngành sẽ phục hồi mạnh ở quý 4 và hưởng lợi, đặc biệt là nhờ xuất khẩu hay các yếu tố nội tại vượt trội như tài chính lành mạnh, ngành hàng thiết yếu và đón được lượng vốn đầu tư.