Giải mã cực thú vị 6 loại gà trong tranh Đông Hồ
Trong dòng tranh Đông Hồ có rất nhiều động vật được phản ánh, ví dụ như lợn, vịt, cá, chuột… nhưng riêng với con gà thì được “ưu ái” hơn khi có đến 6 loại tranh cùng đề cập.
Từ bao đời nay, trong tranh Đông Hồ, hình ảnh con gà vốn trở nên gần gũi và quen thuộc với nhiều người, nhiều thế hệ. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa các loại gà trong dòng tranh dân gian này.
Có 6 loại gà trong dòng tranh Đông Hồ mà nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa
Ông Nguyễn Đăng Chế (80 tuổi), nghệ nhân cao tuổi nhất làng tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) cho hay: “Năm nay là năm con gà nên nhiều người đến xem tranh, mua tranh gà. Nhưng hầu hết họ mua trang trí chứ chưa hiểu hết các lớp ý nghĩa ẩn sau mỗi loại tranh”.
Trong dòng tranh Đông Hồ có rất nhiều động vật được phản ánh, ví dụ như lợn, vịt, cá, chuột… nhưng riêng với con gà thì được “ưu ái” hơn khi có đến 6 loại tranh cùng đề cập.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế
Theo ông Chế, mỗi loại gà trong tranh Đông Hồ đều có một ý nghĩa riêng, đầu tiên là hình ảnh gà mang tên “Đàn gà mẹ con”. Trong tranh vẽ hình ảnh 10 con gà con quây quần bên gà mẹ.
Bức tranh này biểu trưng cho sự hạnh phúc, đầm ấm trong gia đình, đồng thời, làm toát lên sự hy sinh, vất vả của người mẹ khi gồng gánh, kiếm mồi cho đàn con.
Ông Chế giới thiệu ý nghĩa bức tranh "đàn gà mẹ con"
Ngoài ra, bức tranh còn cho thấy thực tế xã hội khi muốn nhấn mạnh việc một mẹ có thể nuôi được 10 con, nhưng chưa chắc 10 người con có thể nuôi được mẹ.
Cùng biểu thị hạnh phúc trong gia đình, nhưng tranh gà “Thư hùng” thuộc dòng tranh chúc tụng trong tranh Đông Hồ. Theo ông Chế, loại tranh này còn phản ánh sự gắn kết của đồng loại.
Ông nhấn mạnh câu thơ: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, ý nói trong rất nhiều loại gà khác nhau thì chúng vẫn có điểm chung đều là đồng loại.
Hình ảnh bức tranh Đông Hồ 'Thư hùng'
Trong nhiều lễ hội dân gian ở Việt Nam, "chọi gà" luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Chính vì thế, hình ảnh hai con gà trống quay đầu vào nhau trong tranh Đông Hồ phản ánh thú chơi này.
Xét về chiều sâu tâm tưởng của nhiều người Việt, thú chơi chọi gà vừa mang tính giải trí nhưng bên cạnh đó nó biểu hiện cho sự nuôi dưỡng tinh thần thượng võ, chất keo gắn kết tinh thần cộng đồng đã từng tồn tại trong một thời gian khá dài trong các hội làng xưa. Khi đem tặng bức tranh này thường đi với lời chúc sức khỏe, sự cần mẫn, siêng năng cần cù.
Tranh Đồng Hồ "chọi gà"
Nâng niu trên tay bức tranh “Dạ Xướng Ngũ Canh Hòa”, ông Chế gật gù: “Trong nhiều tranh về gà thì đây là một bức tranh phản ánh sâu sắc nhất tập quán, thói quen của người Việt thời xưa. Khi chưa có đồng hồ để căn thời gian, người Việt nghe tiếng gà gáy để đoán định thời gian bằng từng canh khác nhau".
Bức tranh "Dạ - Xướng - Ngũ - Canh - Hòa"
Bức tranh như là lời nhắc nhở về chữ tín mà người đời cần nhớ qua biểu hiện tiếng gà năm canh, dù trong hoàn cảnh nào, dù nắng mưa hay giá rét không bao giờ sai.
Còn 2 loại tranh gà được ông Chế ‘giải mã’, gồm bức tranh 'Đại Cát' và bức 'Gà hoa hồng'. Bức ‘Đại Cát’ biểu thị những việc đại sự trong đời mỗi người như xây nhà, dựng vợ, gả chồng. Nó biểu thị cho sự may mắn, thuận lợi.
Bức tranh 'Gà hoa hồng" biểu trưng cho đức tính người quân tử
Đặc biệt là bức 'Gà hoa hồng', người Việt thường quan niệm con gà trống là biểu tượng của ngũ đức: văn, võ, dũng, nhân, tín - là những đức tính rất cần có của một bậc dũng sĩ. Thậm chí con gà đã là một mã văn hoá đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nghề trồng lúa nước.
Một số hình ảnh khác về hình ảnh con gà trong tranh Đông Hồ:
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế hướng dẫn khách tham quan cách làm ra một bức tranh Đông Hồ
Một người thợ tỉ mỉ chạm khắc bản gỗ
Nhiều dụng cụ với kích thước khác nhau giúp tạo ra những bức tranh gỗ tinh xảo, công phu
Để làm ra một bức tranh hoàn chỉnh, cần nhiều nhân lực với những công đoạn khác nhau