Chữ Chủ ở đây vừa mang nghĩa "Chủ nhà" vừa là "Chủ động". Đó là một trong 8 chữ tạo nên giá trị văn hóa của doanh nghiệp:
Với 8 chữ này, các nhân viên NextTech đã ghép thành một bức chân dung của Nguyễn Hòa Bình ngày còn là sinh viên cách đây 20 năm – thời điểm ông Bình bắt đầu khởi nghiệp.
"Hồi đấy trông mặt vẫn "kỹ thuật" chứ không như bây giờ. Đúng là con người thay đổi theo thời gian" – Nguyễn Hòa Bình nói.
Đây là một căn phòng rộng, thiết kế theo không gian mở với bàn họp ở trong.
"Công việc của tôi bây giờ chỉ có họp. Một buổi mỗi ngày, thậm chí có hôm không có gì để họp. Làm startup nhiều cái khổ nhưng có cái sướng là khi startup thành công thì guồng máy cứ chạy và mình sẽ chủ động về thời gian và tài chính. Đó là phần thưởng lớn nhất cho các founder".
Bất cứ ai đến đây cũng sẽ dừng lại đặt câu hỏi về bức tranh mang tên "Chiến thuật Đàn cá hổ" trong khu làm việc của nhân viên NextTech.
Tỷ phú Trung Quốc Jack Ma có một câu nói nổi tiếng khi eBay từ Mỹ xâm nhập vào thị trường Trung Quốc: "eBay có thể là một con cá mập trong đại dương, nhưng tôi là một con cá sấu ở sông Dương Tử".
Năm 2017, Jack Ma đến thăm Việt Nam. Trước đó, năm 2016, Tập đoàn Alibaba do Jack Ma sáng lập đã đặt chân vào thị trường Việt Nam thông qua việc rót vốn vào Lazada.
Chiến thuật "Đàn cá hổ" theo tư duy của Nguyễn Hòa Bình: Đừng cố làm sản phẩm siêu to khổng lồ, hãy hành động như một đàn cá hổ. Hợp lực nhiều startup nhỏ nhưng linh động, sắc bén và tự tồn tại được bằng chức năng riêng.
"Có thể tiêu diệt một con cá mập lớn nhưng rất khó tiêu diệt một đàn cá hổ, vì đó là loài cá nhỏ nhưng dữ dằn, linh động và sắc bén. Giết được vài con, vẫn còn cả đàn hàng trăm con ngoài kia".
Đặc biệt, cá hổ là loài cá nhạy với mùi máu. Theo ông Bình, máu là tiền, làm doanh nghiệp thì phải kiếm tiền, chứ không đốt tiền, không được rỉ máu. Cá hổ thể hiện cho phong cách văn hóa kinh doanh quyết liệt.
Trước đây, Nguyễn Hòa Bình từng "tất tay" một ván bài to trong liên doanh với eBay làm chợ thương mại điện tử. Thất bại lần đó đe dọa cả sự nghiệp.
"Hiện giờ, đàn cá hổ của tôi vẫn đang làm đau cá sấu và cá mập ở Việt Nam".
Nguyễn Hòa Bình thích màu sắc sặc sỡ. Chiếc áo in logo NextTech màu tím là một ví dụ tiêu biểu.
"Tôi thấy nó đẹp và mang lại sự vui vẻ. Mỗi người một phong cách, tôi không thích theo một quy chuẩn nào cả. Mark Zuckerberg chỉ mặc quần bò với áo phông xám, còn tôi thiên về màu sắc tím, vàng, caro. Có thể ảnh hưởng một phần từ thời trang chơi golf nữa.
Mình là người định nghĩa phong cách thời trang chứ không phải theo ai cả. Biết đâu mai sau họ lại thích, lại đi theo phong cách của mình"
Nguyễn Hòa Bình có một bộ golf mini trong phòng làm việc. Chơi golf đã 12 năm, ông Bình nhận xét, đó là môn thể thao của doanh nhân. Nó không thiên về sức mạnh mà rèn sự khéo léo và bản lĩnh.
Chữ "tốt" trong golf là tốt là so với phong độ thông thường của người chơi. Chơi golf là vượt qua chính mình mỗi ngày, đối kháng với chính mình chứ không đối kháng với đối thủ.
Do đó, Nguyễn Hòa Bình chơi kick-boxing vì môn thể thao này không bị "nhàm chán" giống như gym, marathon hay thiền. Ông Bình thích những môn đối kháng, không thích các môn chơi một mình.
Boxing giúp người chơi rèn sức mạnh, sự dẻo dai và khả năng chịu đòn. Mỗi tuần, ông Bình tập boxing 3 lần.
Bức ảnh của Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Thiếu tướng Lê Thế Trung được treo trên bức tường bên tay phải bàn làm việc. Đó là vị ân nhân của Nguyễn Hòa Bình khi khởi nghiệp lần đầu, lúc còn là một sinh viên năm thứ nhất.
"Giáo sư Trung là người cho tôi những đơn đặt hàng đầu tiên, đặt nên những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp. Ông cũng là cây đa cây đề, đức cao vọng trọng trong ngành y ở Việt Nam. Tôi gần như "thờ" ông".
Nhắc về những phát ngôn "phũ" và "sốc" trong chương trình Shark Tank, Nguyễn Hòa Bình nói: "Tôi từng trải qua những lúc người khác khuyên mà không nghe. Khi mình quá đam mê, quá kỳ vọng mà không nhận ra đang đi sai đường thì cần có một biện pháp thẳng thắn, hơi gây sốc. Giống như một người đang hôn mê, sắp tắc thở, phải dùng chích điện giật một phát, người ta mới tỉnh lại. Khi đó, các ý kiến đóng góp mới vào đầu".
Bây giờ, ông Bình tự nhận đã khôn hơn, thực tế hơn nhiều nhưng tất nhiên, ngày hôm qua bao giờ cũng trẻ con hơn ngày hôm nay.
Phòng Nguyễn Hòa Bình có khá nhiều rượu và cigar. Đây vốn là những món đồ được tặng, ông Bình ít khi sử dụng: "Cái gì cũng có nhưng tôi chẳng nghiện món gì. Cái gì cũng chơi, cũng thử một tí cho biết chứ không nghiện".
Tất nhiên, Nguyễn Hòa Bình vẫn nghiện công nghệ và nghiện sách.
"Tôi đọc mọi nơi mọi lúc, đọc đủ thứ từ sách, tài liệu chuyên môn đến báo chí. Nhưng dân công nghệ nên gọn nhẹ, tất cả đều thông qua chiếc điện thoại".
Trên chiếc giá lớn trong phòng có đặt bức tranh chân dung Nguyễn Hòa Bình theo phong cách dễ thương, một món quà sinh nhật do nhân viên NextTech tặng.
"Tôi nghĩ là chúng tôi cũng quý nhau. Nhận những bức tranh như thế tôi thấy rất vui! Tính tôi trẻ trung mà".
Chiếc giá cũng là nơi trưng bày các món đồ được Nguyễn Hòa Bình mua từ mỗi chuyến du lịch, công tác hoặc giành giải thưởng. Ông Bình đã đi tầm 40-50 quốc gia. Ông thích môi trường văn hóa của Nhật Bản nhưng thích cảnh quan và sự phiêu lưu mạo hiểm của NewZealand.
Không theo một phong cách nào, các món đồ chỉ nhằm kỷ niệm và trang trí. Ông Bình nói, nó cũng thể hiện cho tư tưởng toàn cầu hóa Go Global.
"Hôm nào họp lâu thì 8 giờ tối về, hôm nào thích đi chơi thì chiều đi chơi golf. Giờ muốn làm nhiều hơn cũng không được vì có khi mình nghĩ ra cái mới quá, không có nguồn lực để làm, hoặc nghĩ ra sớm quá, phải một thời gian sau, đội ngũ mới làm đến.
Công việc của lãnh đạo là như vậy. Là lãnh đạo thì phải có ý tưởng, có cái mới nếu không thì chỉ là người quản lý mà thôi".
Trí Thức Trẻ