Giấc mơ Mỹ phai màu: Cơ hội làm giàu "cả đời chỉ có 1 lần" của giới trung lưu Mỹ đi đến hồi kết
Tầng lớp trung lưu Mỹ đã giàu lên nhanh chóng nhờ trải qua thời kỳ lãi suất thấp gần như chưa từng có và được tích luỹ trong khoảng 5 năm. Tuy nhiên giờ đây lạm phát đang khiến tình hình trở nên khó khăn hơn
Tài sản của tầng lớp trung lưu Mỹ đang gặp rủi ro lớn sau thời gian dài tăng bùng nổ. Đây là kết luận của một nghiên cứu do Bloomberg News thực hiện dựa theo dữ liệu về tài sản cùng khảo sát Harris Poll về thái độ của 100 nghìn người trưởng thành.
Trong các cuộc phỏng vấn, những người thuộc tầng lớp trung lưu ở Mỹ, từ những người về hưu ở Ohio và Michigan cho đến những người lần đầu mua nhà ở Wyoming đều lo ngại về tương lai của nền kinh tế và tác động của lạm phát. Tuy nhiên, họ cũng khá lạc quan về khả năng tài chính và tương lai của con cái.
Vào tháng 3 năm nay, tài sản trung bình của tầng lớp trung lưu Mỹ - bao gồm bất động sản và các tài sản vật lý khác cũng như lương hưu hay các khoản tiết kiệm khác, đã đạt mức 393.300 USD. Đây là con số cao chưa từng có, theo dữ liệu cho Đại học California, Berkeley tổng hợp.
Tầng lớp trung lưu Mỹ giàu lên nhanh chóng nhờ trải qua thời kỳ lãi suất thấp gần như chưa từng có và được tích luỹ trong khoảng 5 năm. Dữ liệu cho thấy, 1 người trưởng thành thuộc tầng lớp trung lưu ở Mỹ ở thời kỳ đỉnh cao giàu hơn 120.000 USD so với tháng 1/2017.
Kết quả là, nền kinh tế Mỹ và nhóm người tiêu dùng cốt lõi có khả năng chống đỡ tác động từ rủi ro suy thoái. Song, các cuộc khảo sát cũng cho thấy họ lo ngại hơn về tình hình của nền kinh tế so với những năm trước.
Và thời kỳ hoàng kim đó đang dần lụi tàn, nếu không muốn nói là đã kết thúc. Mức độ giàu có trung bình của nhóm người trưởng thành được các nhà kinh tế của Berkeley gọi là “40% trung bình” (nhóm có tài sản nằm trong bách phân vị từ 50 đến 90) đã giảm khoảng 7% xuống 366.100 USD kể từ tháng 3 đến 25/10.
Vấn đề mà nhóm này đang phải đối mặt là trong khi lạm phát ảnh hưởng đến thu nhập và sức mua với mọi thứ, thì khối tài sản mà họ có để “chống đỡ” những khó khăn này đang gặp rủi ro. Trong năm nay, S&P 500 đã giảm 19% do rủi ro suy thoái cận kệ. Lãi suất thế chấp cũng tăng mạnh, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.
Giàu nhờ bất động sản
Tom Maley, 71 tuổi, đã nghỉ hưu ngay trước đại dịch. Ông và gia đình đã hưởng lợi lớn nhờ việc giá nhà tăng nhanh chóng. Căn nhà của ông ở ngoại ô Columbus (Ohio) hiện có giá cao hơn nhiều so với thời điểm ông mua.
Tuy nhiên, ông cũng khá bảo thủ khi nói về việc làm giàu nhờ bất động sản. Ông nói: “Có 2 thời điểm mà ngôi nhà của bạn có giá trị nhất là ngày bạn mua nó và ngày bạn bán.”
Giá trị tài sản của người trưởng thành ở Mỹ (đơn vị: nghìn USD).
Thực tế là, phần lớn tài sản của tầng lớp trung lưu Mỹ gắn liền với bất động sản. Trong 5 năm qua, nhóm “40% trung bình” đã chứng kiến giá trị bất động sản họ sở hữu tăng 5,7 nghìn tỷ USD lên gần 17 nghìn tỷ USD, tương đương 60% tổng tài sản là nhà ở tại Mỹ, theo dữ liệu của Fed.
Bất động sản là một loại tài sản để trở thành “bộ giảm xóc” khi kinh tế biến động.
Mischa Fisher - nhà kinh tế học chuyên về nhà ở và đang giảng dạy tại Đại học Northwestern, lập luận rằng, số tài sản bất động sản mà tầng lớp trung lưu Mỹ nắm giữ đóng vai trò quan trọng trong suy thoái, không chỉ với họ mà cả nền kinh tế định hướng tiêu dùng.
Theo dữ liệu từ CoreLogic, trong 5 năm tính đến tháng 6/2022, những người sở hữu nhà ở các khu vực gần bến tàu điện ngầm tại “Vành đai Mặt trời” đã chứng kiến giá nhà tăng vượt 200%. Tại hơn 1 nửa tiểu bang, các chủ nhà đã “giàu hơn” 100.000 USD và riêng chủ nhà ở California lãi thêm 298.000 USD.
Tuy nhiên, Maley và vợ lại cắt giảm chi tiêu. Theo ông, lạm phát 2 con số là nguyên nhân dẫn đến quyết định này.
Kỳ vọng của thế hệ Y
Đối với những gia đình thuộc thế hệ Y, lạm phát và lãi suất cao đang có những ảnh hưởng theo cách khác nhau.
Brandi Romero và chồng chuyển đến Casper (Wyoming) từ Louisiana vào 3 năm trước vì muốn có cuộc sống chất lượng hơn và hiện thực hoá giấc mơ trở thành tầng lớp trung lưu. Họ đã mua một ngôi nhà vào năm ngoái, cùng lúc nuôi 5 người con. Romero cho biết, khi đến đây, mọi thứ đã khác vì chi phí trở nên đắt đỏ hơn.
Brandi Romero.
Các bang ở miền núi nước Mỹ, bao gồm Wyoming, chứng kiến lạm phát tiếp tục tăng cao nhất cả nước vào tháng trước, cao hơn mức trung bình của Mỹ với 9,6%.
Để thanh toán hoá đơn và tiền xăng, Romero cố gắng tranh thủ đưa con đến trường mỗi ngày trong lúc cô chạy Uber, Lyft. Cô vẫn lo lắng về việc liệu có đủ tiền để về thăm gia đình ở Louisiana hay cho con học đại học vào một ngày nào đó. Cô và chồng đã phải cho các con huỷ lớp học thể thao vì không đủ tiền cho các chuyến đi của bộ môn này.
Trong khi đó, gần 80% người thuộc tầng lớp trung lưu tham gia khảo sát cho biết họ đang cắt giảm chi tiêu.
Thị trường bất động sản bùng nổ đã thúc đẩy tài sản của các hộ gia đình Mỹ (đơn vị: nghìn tỷ USD), bao gồm: BĐS chưa cho thuê/đang sở hữu; Các loại quỹ hưu trí; Tự kinh doanh, cho thuê BĐS; Đầu tư chứng khoán; Ô tô, du thuyền, trang sức và hàng hoá giá trị khác.
Tuy nhiên, thế hệ Y lại rất lạc quan về dài hạn, họ tin rằng con cái của họ sẽ vượt qua khó khăn. 2/3 số người trưởng thành thuộc tầng lớp trung lưu trong cuộc thăm dò kỳ vọng rằng trong 10 năm tới, kể từ hiện tại, tình hình tài chính sẽ được cải thiện và 81% nghĩ rằng con cái họ sẽ khá giả hơn so với thế hệ của cha mẹ chúng.
Đối với Gale Benington - nhà tâm lý học đã nghỉ hưu, sống ở ngoại ô Lansing (Michigan) cùng chồng, việc giá cả tăng cao chỉ là giai đoạn mà bà phải tiếp tục thắt lưng buộc bụng sau đại dịch. Họ vẫn uống một ly rượu mỗi tối, chỉ không ra ngoài ăn tối hay đi xem phim nhiều như trước đây.
Gale Benington.
Benington cho biết, nếu muốn đánh giá khả năng hồi phục của người tiêu dùng Mỹ, thì con gái bà có thể là ví dụ điển hình. Đó là lý do vì sao bà lạc quan về tương lai của con mình.
Con gái 24 tuổi của Benington đang làm kỹ sư y sinh. Cô kiếm được nhiều tiền hơn bố mình khi ông là giáo viên. Cô cũng chi tiêu thoải mái hơn bố mẹ mình. Benington chia sẻ: “Con bé luôn nói với chúng tôi rằng, con giàu lắm. Con bé muốn cái gì thì sẽ làm được. Còn tôi chưa từng như vậy.”
Giấc mơ Mỹ thay đổi
Gia nhập tầng lớp trung lưu vẫn là mục đích cốt lõi của giấc mơ Mỹ và đặc biệt là với Tony Grice - một người da màu. Sinh ra ở Philadelphia, Grice đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng kế toán và tài chính. Ông đã có 30 năm làm việc cho chính phủ liên bang, sau đó nghỉ hưu ở ngoại ô Raleigh, Bắc Carolina.
Giới trung lưu ở cắt giảm chi tiêu như thế nào trong bối cảnh lạm phát?
Grice sống thoải mái nhờ lương hưu, trợ cấp an ninh xã hội và lợi nhuận từ các khoản đầu tư mà vợ chồng ông thực hiện trong nhiều năm. Cuộc sống nghỉ hưu như vậy được coi là đáng ghen tị ở Mỹ.
Không chỉ trở nên giàu có hơn, mà các khoản tiết kiệm hưu trí của tầng lớp trung lưu Mỹ tăng lên trong 5 năm qua dù bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường. Cuộc thăm dò cho thấy gần 1/5 số người được hỏi đã giảm hoặc có kế hoạch cắt giảm khoản đóng góp cho quỹ 401(K).
Tuy nhiên, dù sống thoải mái nhưng Grice đang thấy “vỡ mộng giấc mơ Mỹ”. Ông vẫn phải đối mặt với tình trạng phân biệt chủng tộc. Do đó, Grice đang lên kế hoạch sinh sống ở Mexico vì “không muốn sống quãng đời còn lại ở một nơi nhiều xung đột”.
Tham khảo Bloomberg