Giá xăng dầu thiết lập kỷ lục mới: Đề xuất tiếp tục giảm thuế có khả thi?

14/06/2022 09:03 AM | Xã hội

Bộ Tài chính đang nghiên cứu, đề xuất Quốc hội tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, nhằm kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế cho rằng, giảm thuế phí sẽ tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu xăng dầu từ Việt Nam ra nước ngoài. Giải pháp lâu dài là cần sử dụng tiết kiệm năng lượng.

Giá xăng dầu tăng khiến người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn (ảnh minh họa)
Giá xăng dầu tăng khiến người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn (ảnh minh họa)

Ngày 13/6, giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong lịch sử. Trong đó, giá xăng RON 95 bán lẻ lên tới 32.370 đồng/lít. Giá xăng liên tục tăng cao thời gian qua không chỉ khiến doanh nghiệp (DN) vận tải mà hàng loạt DN sản xuất cũng rơi vào cảnh khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Quảng, Giám đốc DN chế biến đá xây dựng tại Thanh Hóa cho biết, giá xăng tăng khiến DN phải tăng nhiều chi phí. Chi phí đầu tiên là xăng dầu phục vụ cho máy móc tại nhà máy. Trước đây, chi phí xăng dầu của DN khoảng 500 triệu đồng/tháng, nay tăng gần gấp đôi.


“Giá xăng dầu gián tiếp làm tăng giá hàng loạt mặt hàng lương thực, thực phẩm. Từ can dầu ăn, chai nước mắm, thực phẩm tươi sống… đều tăng giá theo giá xăng dầu. Khẩu phần ăn trưa của mỗi công nhân 2 lạng/thịt không thay đổi nhưng giá thực phẩm tăng khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên mỗi ngày. Trong khi đó, giá bán sản phẩm gần như giữ nguyên khiến DN ngày càng khó khăn”, ông Quảng nói.

Giá xăng tăng không chỉ gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp mà còn khiến lạm phát năm 2022 nguy cơ tăng cao. Trong 5 tháng đầu năm 2022, ảnh hưởng từ giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vượt qua mốc 2,25%.

Trước thực tế giá xăng dầu tăng ở mức cao, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá xăng, dầu Việt Nam tăng cao nhưng vẫn thấp hơn so với giá xăng ở các nước xung quanh. Ví dụ, so với Việt Nam, giá xăng dầu của Lào cao hơn 10.000 - 11.000 đồng/lít; Thái Lan, Campuchia cao hơn 2.000 - 3.000 đồng/lít.

“Trước mắt, Bộ Tài chính đánh giá tác động và sẽ báo cáo với Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội, giải trình với Quốc hội để có thể giảm thuế cấu thành giá xăng dầu. Tuy nhiên, việc này phải thực hiện một cách đồng bộ, nếu chỉ giảm thuế để giảm giá, buôn lậu sẽ xảy ra và vô hình chung là dòng tiền của chúng ta lại chạy sang nước ngoài”, Bộ trưởng Phớc cho biết.

Theo Bộ Tài chính, bộ này từng có văn bản đề nghị Quốc hội ủy quyền cho Thường vụ Quốc hội quyết định thuế trong xăng dầu linh hoạt, bởi Quốc hội phải 6 tháng mới họp 1 lần. Tuy nhiên, sau khi đối chiếu với Hiến pháp, quy định về thuế phải do Quốc hội đồng ý mới được giảm.

Chuyên gia kinh tế cho rằng, để giảm giá xăng dầu, không chỉ trông chờ vào giảm thuế, phí của mặt hàng này. Giải pháp căn cơ là, Nhà nước cần tính toán tăng lượng tích trữ và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Trao đổi với Tiền Phong, một chuyên gia ngành Chính sách công của Trường Đại học Fulbright cho biết, về mặt kinh tế, giá xăng dầu phải nhìn vào thị trường và giá đầu vào, không thể hoàn toàn trông chờ vào giảm thuế.

Theo Ngọc Linh

Cùng chuyên mục
XEM