Giá xăng dầu giảm sâu, hàng hóa vẫn neo cao
Giá cước vận tải và nhiều loại hàng hóa thiết yếu hiện vẫn neo cao bất chấp xăng dầu đã có 5 đợt giảm giá liên tiếp
Theo quyết định của liên bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ ngày 11-8, xăng E5RON92 giảm 904 đồng/lít, có giá bán 23.725 đồng/lít; xăng RON95 giảm 939 đồng/lít, có giá không cao hơn 24.669 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel giảm mạnh 1.000 đồng/lít, có giá bán 22.908 đồng/lít; dầu hỏa có giá bán 23.320 đồng/lít sau khi giảm 1.213 đồng/lít. Riêng dầu ma-dút giữ nguyên mức giá 16.548 đồng/kg. Như vậy, xăng dầu trong nước đã có lần giảm giá thứ 5 liên tiếp.
Cước vận tải giảm nhỏ giọt
Nhiều công ty vận tải hàng hóa cho biết giá xăng dầu giảm liên tục thời gian gần đây đã góp phần giảm áp lực cho ngành vận tải hàng hóa. Tuy nhiên, giá nhiên liệu giảm cũng chỉ giúp cho doanh nghiệp (DN) không bị lỗ vì thực tế giá cước vận tải hàng hóa phần lớn vẫn giữ ổn định từ đầu năm đến nay, rất ít DN tăng giá.
Ông Trần Minh Thành, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Vận tải Minh Thành (TP HCM), cho biết với những khách hàng lâu năm, có hợp đồng ký kết suốt năm thì giá cước vận chuyển không hề thay đổi dù giá xăng dầu có tăng giảm thế nào. Công ty chỉ tăng giá cước với khách lẻ mỗi khi giá nhiên liệu tăng cao nên những đợt giảm giá xăng dầu vừa qua, công ty đều giảm giá cước tương ứng để chia sẻ với khách hàng.
Trong khi đó, đại diện hãng taxi Vinasun cho biết công ty đợi sau đợt giảm giá xăng dầu ngày 11-8 mới tiến hành điều chỉnh giảm giá cước một lần cho thuận tiện, mức giảm khoảng 1.000-1.500 đồng/km.
"Trong lĩnh vực vận tải hành khách bằng taxi, mỗi lần điều chỉnh cước rất tốn kém nên không thể điều chỉnh lên xuống liên tục theo giá xăng dầu được. Chẳng hạn, mỗi lần điều chỉnh giá cước, một chiếc xe phải tốn khoảng 150.000 đồng chi phí kiểm định đồng hồ, lập trình lại giá cước, đề-can giá cước. Chưa kể xe phải ngưng hoạt động để mang đi kiểm định" - đại diện Vinasun phân trần.
Còn các hãng xe công nghệ như Grab, Gojek, Be sau 5 lần giảm giá xăng dầu vẫn chưa có động thái nào giảm giá cước. Trong khi trước đây, các hãng đều nói do giá xăng dầu tăng cao nên buộc phải tăng giá cước dịch vụ để bù đắp chi phí cho đối tác tài xế. Đại diện hãng xe công nghệ Gojek cho hay từ đầu năm đến nay, hãng chỉ tăng giá 1 lần đối với dịch vụ xe hai bánh, còn cước dịch vụ xe 4 bánh không thay đổi.
"Chúng tôi liên tục theo dõi những diễn biến của thị trường để đưa ra các điều chỉnh phù hợp nhằm bảo đảm thu nhập xứng đáng cho các tài xế và mức giá cuối cùng phù hợp nhất cho người dùng trong bối cảnh kinh tế có nhiều thay đổi" - đại diện Gojek cho hay.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, cho biết những tháng đầu năm, giá xăng dầu liên tục tăng quá cao, chỉ một số DN vận tải xin tăng giá cước 5%-10%. Mức tăng như thế là rất ít so với tốc độ tăng giá xăng dầu. Còn lại phần lớn các DN đều không tăng cước vì lo mất khách.
"Thời gian gần đây, giá nhiên liệu có giảm nhưng vẫn chưa bằng biên độ tăng giá trước đó nên các DN vẫn chờ thêm một vài đợt giảm nữa rồi mới tính đến việc hạ giá cước" - ông Quản chia sẻ.
Nhiều loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hạ giá sau những đợt giảm giá xăng dầu. Ảnh: TẤN THẠNH
Giá hàng hóa vẫn neo cao
Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, hầu hết các mặt hàng thiết yếu, hàng ăn uống trên thị trường đều đã thiết lập mặt bằng giá mới sau những lần tăng giá xăng dầu. Đến nay, chưa có tiểu thương hay hàng quán nào chủ động giảm giá bán.
Chiều 11-8, đại diện một siêu thị tại TP HCM xác nhận là từ ngày 1-8 đến nay, chưa có nhà cung cấp nào đề xuất điều chỉnh giảm giá trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua hình thức khuyến mãi. "Hy vọng giá xăng dầu giảm tiếp sẽ tác động tích cực hơn nữa để các nhà sản xuất, cung ứng giảm giá, trên cơ sở đó nhà phân phối điều chỉnh giá bán đến tay người tiêu dùng. Khả năng phải đến đầu tháng 9 mới có sự thay đổi rõ rệt " - đại diện này cho hay.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM (FFA), cho hay với nhóm hàng thực phẩm chế biến, xăng dầu chiếm tỉ trọng từ 10%-15% và hiện xăng dầu đã giảm giá như kỳ vọng nên thời gian tới hàng hóa có thể giảm tùy cơ cấu giá thành của từng nhóm hàng nhưng sẽ có độ trễ.
Bởi ngoài xăng dầu, các yếu tố đầu vào khác của ngành chế biến thực phẩm do ảnh hưởng giá cả chung của toàn cầu đã tăng 30%-40% cũng tác động mạnh đến giá thành sản phẩm. "Vừa qua, các DN tham gia chương trình bình ổn của TP HCM không tăng giá hoặc chỉ tăng từ 10%-15%, chưa tương ứng với mức tăng đầu vào trên tinh thần chia sẻ với người tiêu dùng nên sẽ khó giảm giá đợt này" - bà Chi nhận định.
Về phía cơ quan quản lý, Sở Công Thương TP HCM đã yêu cầu các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... phối hợp chặt chẽ với các DN bình ổn thị trường, đơn vị cung ứng chủ lực xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định, không tăng giá bất hợp lý. Tiếp tục rà soát, hỗ trợ áp dụng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng; quan tâm, nghiên cứu có chính sách ưu đãi đối với sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thiết yếu khác.
Sở Tài chính TP HCM cũng đã yêu cầu các DN tham gia bình ổn thị trường thành phố rà soát, tính toán lại mức giá bán hiện nay để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với mức giảm giá xăng dầu, trên cơ sở đó đề xuất điều chỉnh giá bán hàng bình ổn.
Ngư dân phấn khởi
Hơn một tháng trước, khi giá xăng dầu tăng lên mức cao kỷ lục, hàng ngàn tàu cá của ngư dân các tỉnh ven biển phải nằm bờ vì thu nhập từ những chuyến ra khơi không đủ bù đắp chi phí. Tuy vậy, sau 4 đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu liên tục, đặc biệt là đợt giảm ngày 11-8, nhiều ngư dân đã phấn khởi hơn, mạnh dạn vươn khơi đánh bắt hải sản.
Tại cảng cá Phan Thiết, cảng tập trung tàu thuyền nhiều nhất tỉnh Bình Thuận, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận không khí rộn ràng của những chuyến tàu chuẩn bị ra khơi. Tại bến 300 CV dành cho tàu thuyền công suất lớn, thuyền trưởng Trương Văn Toàn (phường Bình Hưng, TP Phan Thiết) đốc thúc anh em bạn thuyền chuyển nhu yếu phẩm, bơm dầu cho tàu cá. Theo ông Toàn, bình quân mỗi chuyến ra khơi của chiếc tàu 370 CV tốn hơn 1.000 lít dầu. Gần tháng trước, giá dầu tăng mạnh, có lúc lên hơn 30.000 đồng/lít khiến việc đánh bắt hết sức khó khăn. "May mắn là khi vào cao điểm vụ nam, giá dầu liên tục hạ nên anh em cũng phần nào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khó khăn khác là thiếu nhiều bạn thuyền, bởi trước đây tàu nằm bờ, một số anh em nhảy sang thuyền gần bờ để đi nên nay tàu mình ra khơi lại thiếu người" - thuyền trưởng Toàn cho biết.
Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cũng tất bật, rộn ràng hơn trước. Nhiều ngư dân tranh thủ thời tiết thuận lợi và giá nhiên liệu giảm để chuẩn bị lương thực, thực phẩm... sẵn sàng vươn khơi. Ông Nguyễn Văn Tới (quê huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho hay sau 2 tháng cho tàu nằm bờ tại âu thuyền Thọ Quang, do giá xăng dầu tăng nên khi thấy giá xăng dầu liên tiếp giảm ông rất mừng. "Hiện tôi đang ráo riết chuẩn bị cho tàu vươn khơi" - ông Tới nói chắc nịch.
Tỉnh Quảng Ngãi có 4.589 tàu thuyền tham gia đánh bắt hải sản, trong đó có 3.257 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên. Sở hữu đội tàu khai thác hải sản hùng hậu nên hay tin giá xăng dầu giảm mạnh, ngư dân Quảng Ngãi vui mừng.
Tại các cửa biển lớn của tỉnh Cà Mau như: Cái Đôi Vàm, Khánh Hội, Sông Đốc..., ngư dân cũng đang phấn khởi ra khơi bám biển sau khi giá xăng, dầu "hạ nhiệt". Vừa trở về sau chuyến biển dài ngày, ông Nguyễn Văn Mun (ngụ huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cho biết lợi nhuận chuyến biển này tăng hơn so với trước do đánh bắt trúng mùa cộng với giá dầu giảm. Trừ hết chi phí, ông thu về hơn 30 triệu đồng và đang tất bật chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm để tiếp tục ra khơi đánh bắt.
Riêng tỉnh Kiên Giang, địa phương có hơn 9.800 tàu cá, trong đó trên 3.890 tàu chiều dài hơn 15 m, ông Kim Hoàng Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, cho biết: "Đặc thù của tỉnh là có nhiều tàu hành nghề lưới kéo nên tiêu tốn nhiều nhiên liệu. Dù giá dầu có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, giá ngư cụ, lưới cũng tăng, ngư trường dần cạn kiệt, giá hải sản thời gian qua không tăng nhiều, vì vậy hoạt động khai thác thủy sản vẫn còn rất nhiều khó khăn và bấp bênh".