Giá vàng tuần tới bứt phá trước lo ngại FED “chùn bước”?
Giá vàng đã có một đợt phục hồi vào cuối tuần này khi thị trường kỳ vọng FED sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất sau cuộc họp tháng 11 tới. Giá vàng tuần tới tiếp tục tăng vì điều này?
Trong đầu tuần này, giá vàng đã giảm mạnh trước kỳ vọng FED tiếp tục tăng mạnh lãi suất. Theo đó, giá vàng đã giảm từ 1.668 USD/oz xuống 1.617 USD/oz, nhưng sau đó lại bật tăng mạnh trở lại lên mức 1.658 USD/oz vào phiên cuối tuần và đóng cửa ở mức 1.657 USD/oz.
Tuy nhiên, tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC theo niêm yết của DOJI chỉ đi ngang trong biên độ 66,7- 67,2 triệu đồng/lượng với giao dịch vàng vẫn khá trầm lắng.
Sở dĩ giá vàng có cú phục hồi mạnh trở lại do tờ Wall Street Journal có bài viết làm “dậy sóng” thị trường tài chính toàn cầu. Bài viết này cho rằng FED có thể bắt đầu giảm tốc độ tăng lãi suất sau cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 11 tới. “Các quan chức FED đang chuẩn bị hướng tới một đợt tăng lãi suất khác thêm 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 1-2 tháng 11 tới và có khả năng tranh luận về việc liệu và làm thế nào để giảm tốc độ tăng lãi suất vào tháng 12 tới và các tháng tiếp theo", bài trên Wall Street Journal nhấn mạnh.
Bài viết của Wall Street Journal đưa ra nhận định nói trên dựa trên quan điểm của một số quan chức FED đã bắt đầu phát tín hiệu "mong muốn sớm giảm tốc độ tăng để tiến tới ngừng tăng lãi suất vào năm tới nhằm giảm nguy cơ tiếp tục suy giảm kinh tế Mỹ”.
Ông Edward Moya của OANDA cho biết, trước khi Wall Street Journal đưa thông tin nói trên, thị trường kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% trong tháng 11 và thêm 0,75% trong tháng 12 tới. Nhưng hiện nay, thị trường kỳ vọng FED sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 0,5% trong cuộc họp tháng 12/2022 vì nền kinh tế Mỹ có thể bắt đầu chịu tác động tiêu cực từ các đợt tăng lãi suất đầu tiên của FED.
Theo FedWatch của CME, khả năng FED tăng lãi suất lên 4,5- 4,75% vào cuối năm nay cũng đã giảm xuống chỉ còn 46,3% từ mức 75,4% vào đầu tuần trước.
Mặc dù FED có thể giảm tốc độ tăng lãi suất vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới, nhưng cho đến khi điều đó diễn ra thì USD sẽ tiếp tục chứng kiến động lực tăng giá đáng kể. Không chỉ USD tăng, mà lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng đã tăng lên 4,219%- mức cao nhất kể từ năm 2008. Trong khi lợi suất thực được điều chỉnh theo lạm phát (TIPS), đang ở mức 1,7%, mức cao nhất trong 13 năm. Dù nhìn theo cách nào thì đây cũng là một điều đầy thách thức cho sự phục hồi mạnh mẽ của giá vàng trong ngắn hạn.
Tại Hội nghị kim loại quý toàn cầu do Hiệp hội Thị trường vàng London tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà giao dịch vàng cũng thừa nhận vàng vẫn là một tài sản hấp dẫn trong dài hạn, nhưng trong ngắn hạn giá vàng vẫn chịu áp lực từ FED tăng lãi suất và USD tăng mạnh.
Sự bất ổn lớn trên thị trường trái phiếu Anh, cùng sự sụp đổ của chính phủ của Thủ tướng Anh Liz Truss chỉ sau 44 ngày cầm quyền, và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) liên tục can thiệp vào thị trường ngoại hối để bảo vệ nền kinh tế của mình trước sức mạnh chưa từng có của USD, cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang có rất nhiều bất ổn.
Ngay cả một số chuyên gia kinh tế lớn hàng đầu thế giới cũng đang cảnh báo về mối đe dọa ngày càng tăng của một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng đang rình rập. Trong đó, ông Nouriel Roubini, Giám đốc điều hành của Roubini Macro và là Giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern NYU, cho rằng Mỹ có thể rơi vào suy thoái kinh tế vào cuối năm nay. Trong thập kỷ tới, thế giới có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ trong bối cảnh đình lạm mà chúng ta chưa từng thấy trước đây.
“Trong môi trường này, người tiêu dùng cần đầu tư vào các tài sản sẽ bảo vệ họ chống lại lạm phát, rủi ro địa chính trị và hủy hoại môi trường. Các tài sản đó gồm trái phiếu chính phủ, vàng và các kim loại quý khác”, ông Nouriel Roubini khuyến nghị.
Như vậy, giá vàng vẫn có triển vọng tích cực do nỗi lo bất ổn kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, dù FED tăng lãi suất lên trên 5%, thì lãi suất thực vẫn âm, nên giá vàng vẫn sẽ có triển vọng tích cực trong dài hạn. Điều quan trọng là tìm vùng giá hợp lý để bắt đáy đầu tư dài hạn.
Một dữ liệu quan trọng có thể tác động mạnh đến kỳ vọng FED tăng lãi suất, cũng như giá vàng tuần tới là GDP quý 3 của Mỹ. Theo dự kiến, GDP quý 3 của Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 2,3% sau khi tăng trưởng âm liên tục trong quý 1 và quý 2. Nếu dự báo này là xác thực, thì sẽ mở đường cho FED tiếp tục tăng mạnh lãi suất, khiến giá vàng tuần tới chịu sức ép điều chỉnh xuống vùng 1.600- 1.620 USD/oz, thậm chí thấp hơn. Ngược lại, nếu GDP quý 3 của Mỹ vẫn tăng trưởng âm, hoặc thấp hơn nhiều so với mức dự kiến nói trên, thì FED có thể sẽ giảm tốc tăng lãi suất sau cuộc họp tháng 11 tới, đẩy giá vàng tiếp tục tăng lên sát vùng 1.700 USD/oz.
Về mặt kỹ thuật, giá vàng đang hình thành mô hình 2 đáy tại 1.614 USD/oz trong ngắn hạn. Nếu giá vàng tuần tới vẫn trụ vững trên mức này, thì sẽ có thể phục hồi trở lại vùng 1.700USD/oz. Tuy nhiên, nếu giá vàng tuần tới phá vỡ mức 1.614 USD/oz, thì có nguy cơ giảm xuống 1.550 USD/oz, thậm chí là 1.470 USD/oz trước khi phục hồi trở lại.