Giá ‘nữ hoàng của các loại hạt' tăng chóng mặt, huyện vùng núi tăng diện tích lên 1.000 lần
Từ 1 ha cây mắc ca ban đầu cho hiệu quả gấp 4 lần cây chè, huyện Tân Uyên (Lai Châu) đã phát triển lên 1.000 ha trong 10 năm và sẽ tăng lên 1.500 ha trong năm tới.
Tân Uyên là một huyện nằm phía đông của tỉnh Lai Châu được thành lập năm 2008 trên cơ sở tách ra từ huyện Than Uyên. Trong những năm gần đây, cây mắc ca dần trở thành cây trồng chủ lực của huyện với diện tích hơn 1.000 ha, trong đó diện tích trồng thuần mắc ca là 200 ha, trồng xen chè là 800 ha. Mắc ca được coi là “nữ hoàng của các loại hạt" hoặc “cây quý tộc" vì hàm lượng dinh dưỡng cao, vị béo bùi đặc trưng và ngày càng được ưa chuộng.
Ông Nguyễn Xuân Cát (tổ dân phố 1, thị trấn Tân Uyên), là người tiên phong đưa cây mắc ca bám rễ trên đất Tân Uyên. Ông đã nhận 200 cây mắc ca giống từ Viện Khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trồng thử nghiệm từ năm 2012. Đến năm 2015, gia đình ông Cát thu hoạch vụ mắc ca đầu tiên. Đến nay, ông là hộ gia đình đầu tiên và duy nhất của huyện Tân Uyên có được lợi nhuận từ mắc ca quy mô lớn.
Ông cho biết, mỗi năm 1 ha mắc ca cho thu nhập khoảng 300 triệu, gấp 3 lần cây chè, nếu chăm sóc tốt có thể hơn. Không những thế, do mắc ca trồng xen với chè, cây chè vẫn cho thu hoạch bình thường nên thực ra trên cùng một diện tích, giá trị đã tăng 4 lần. Nhờ mắc ca, gia đình ông Nguyễn Xuân Cát thoát cảnh chật vật, đời sống trở nên khá giả.
Nhớ lại những ngày đầu tiên được vận động trồng mắc ca, ông Cát nói: “10 năm trước, sau khi tìm hiểu và biết mắc ca cho hiệu quả kinh tế cao. Là người đầu tiên trồng, tôi cũng sợ nhưng đã mạnh dạn trồng thử nghiệm. Loài cây này chịu hạn, ưa sáng, khá phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Tân Uyên". Ông nói thêm, trong vài năm tới, khi lượng mắc ca thu hoạch tăng lên, đầu ra tiêu thụ sản phẩm sẽ cần được hỗ trợ nhiều hơn.
Ngoài trồng mắc ca xen chè, ông Nguyễn Xuân Cát đã có xưởng chế biến mắc ca với chi phí đầu tư ban đầu là 1 tỷ đồng. Mắc ca thành phẩm gồm các sản phẩm: nhân hạt, bột, tinh dầu có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Trong thời gian tới, huyện Tân Uyên tiếp tục vận động người dân trồng mới mắc ca, mục tiêu phủ thêm 1.500 ha mắc ca giai đoạn 2021 - 2023 bên cạnh tập trung chăm sóc diện tích đã trồng.
Cây mắc ca có nguồn gốc từ Châu Đại Dương, có quy trình chăm sóc đơn giản và lợi nhuận cao. Theo đề án Phát triển Bền vững Mắc ca của bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm 2021 thì giá mắc ca đã tăng mạnh từ khoảng 20.000 đồng/kg năm 1990 lên 100.000 đồng/kg vào năm 2021. Trong tương lai, nhu cầu dùng hạt mắc ca trên thế giới sẽ tăng khoảng 12% mỗi năm trong khi khả năng đáp ứng chỉ tăng 9% do diện tích đất phù hợp để trồng mắc ca có hạn.
Việt Nam có nhiều điện kiện thuận lợi để phát triển “cây quý tộc" này nhưng đến năm 2020 diện tích trồng mắc ca chưa đến 10.000 ha. Vì vậy, đề án đặt mục tiêu phát triển 130.000-150.000 ha vào năm 2030 và tiếp tục mở rộng lên 250.000 ha vào năm 2050, tập trung chủ yếu ở Tây Bắc và Tây Nguyên.
Bên cạnh mắc ca, huyện Tân Uyên còn có khoảng 3.200 ha chè. Được trồng từ 60 năm trước, chè nhanh chóng trở thành mũi nhọn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của huyện. Năng suất chè búp tươi bình quân của huyện đạt 12 tấn/ha/năm. Nhiều diện tích chè trồng lâu năm, chăm sóc tốt cho thu từ 25 – 30 tấn chè búp tươi/ha/năm. Giá bán chè búp tươi trên địa bàn huyện dao động từ 5 – 7.000 đồng/kg. Ngành chè tạo việc làm ổn định cho khoảng trên 1.000 người dân địa phương. Cây chè ngày càng được định hướng theo hướng sản xuất hàng hóa. Các hợp tác xã, công ty và hộ gia đình liên kết khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hỗ trợ người nông dân.
Nhờ trồng và chế biến chè, kết hợp kinh doanh vật liệu xây dựng, phân bón nông nghiệp, từ hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Xuân Khá (khu 5, thị trấn Tân Uyên) có mức thu nhập hơn 2 tỷ mỗi năm. Ông Khá cũng mạnh dạn đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng nhà máy, trang bị máy móc hỗ trợ các khâu sản xuất chế biến chè. Nhà máy của ông thu mua chè góp phần giải quyết đầu ra cho bà con nông dân trong vùng. Ông Khá hồ hởi chia sẻ: "Những năm gần đây, các khâu thu hoạch và chế biến chè được hỗ trợ bởi máy móc nên năng suất tăng lên. Nhà máy chế biến chè của tôi cũng tạo thu nhập ổn định cho khoảng 10 lao động trong vùng. Đồi chè của gia đình tôi cũng được trồng xen mắc ca 3 năm. Cây bắt đầu bói quả, dự kiến cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm ngoài chè".
Trong giai đoạn 2020-2025, huyện Tân Uyên sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè mới thêm 400 ha, kêu gọi các các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất đồng thời áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa các khâu chế biến để nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống của người dân.
Bên cạnh đổi mới ngành nông nghiệp chủ lực, huyện Tân Uyên cũng tận dụng sự đa dạng bản sắc văn hoá của người dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú… để phát triển kinh tế gắn với du lịch.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện dự kiến sẽ có 3 bản được xây dựng thành bản du lịch cấp tỉnh: bản Phúc Khoa (xã Phúc Khoa) vào năm 2022; bản Phiêng Phát (xã Trung Đồng) vào năm 2023 và bản Hô Tra (xã Mường Khoa) vào năm 2024. Dự kiến hàng năm, Tân Uyên đón 4.000-5.000 lượt khách tham quan.
Huyện Tân Uyên có diện tích 903 km2. Địa hình phức tạp, nhiều núi cao, độ dốc lớn và chia cắt mạnh. Trung tâm huyện cách Hà Nội khoảng 350 km và có thể đi lại khá thuận tiện bằng ô tô.