Giả mạo website, fanpage VNPT, Thế giới di động, Điện máy xanh ... lừa đảo người tiêu dùng
Nhiều doanh nghiệp như VTVCab, VNPT, Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh, website các ngân hàng… đã trở thành nạn nhân của vấn nạn website, fanpage giả mạo, khiến người truy cập lầm tưởng đó là website của doanh nghiệp lớn.
Theo nhận định của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia), những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của CNTT, thương mại điện tử tại Việt Nam đã phát triển đáng kể.
Các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến và đang đem lại những giá trị, lợi ích lớn cho doanh nghiệp, người dân. Thông tin từ các cuộc khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử cho thấy, ước tính tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 tăng trên 25% và năm 2018 tăng trên 30% so với năm trước.
Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, thương mại điện tử cũng đang phát sinh nhiều rủi ro làm mất lòng tin với người tiêu dùng.
Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Trong đó nổi lên tình trạng rất nhiều website giả mạo doanh nghiệp uy tín để cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa, dịch vụ lừa dối người tiêu dùng, thậm chí lợi dụng phương thức này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân khác.
Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã trở thành nạn nhân của vấn nạn website, fanpage giả mạo như VTVCab, VNPT, Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh, website các ngân hàng… Nhiều đối tượng đã mạo danh uy tín của doanh nghiệp lớn để lập web bán hàng, khiến người truy cập lầm tưởng đó là website của doanh nghiệp lớn.
Cũng theo Ban chỉ đạo 389, hiện rất nhiều website, mạng xã hội, các tổ chức tài chính nước ngoài... đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nhưng chưa được kiểm soát đầy đủ, gây thất thu thuế, tạo cơ hội để thao túng hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh an toàn thông tin, thanh toán bất hợp pháp xuyên biên giới.
Hàng hóa, dịch vụ vi phạm chủ yếu là thuốc lá, xì gà, rượu ngoại, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ tiện tử, phụ tùng ôtô, dịch vụ quảng cáo trực tuyến, đặt vé máy bay, du lịch, thời trang, hàng tiêu dùng, các dịch vụ thanh toán trong hoạt động thương mại điện tử...
Dù các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng đấu tranh, ngăn chặn, tuy nhiên số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn rất thấp, các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật còn khá phổ biến.
Nhiều đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận.
Hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian, đồng thời các trang website được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến các lực lượng chức năng khó kiểm soát cũng như xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.
Trước thực trạng trên, hiện Ban chỉ đạo 389 đang hoàn thiện dự thảo Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phối hợp với các bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ TT&TT, Bộ Công an… để xử lý những tồn tại, bất cập.
Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm gồm có rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý về lĩnh vực thương mại điện tử. Kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo.
Đẩy mạnh các biện pháp quản lý, các giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật.
Bộ Công an tổ chức đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, tập trung điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu.