Giá cà phê lập đỉnh nửa thập kỷ: Thế giới gọi tên Việt Nam và một quốc gia Nam Mỹ

06/12/2024 10:04 AM | Kinh tế vĩ mô

Giá cà phê toàn cầu đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 50 năm khi nguồn cung đang thiếu hụt so với nhu cầu.

Giá cà phê lập đỉnh nửa thập kỷ: Thế giới gọi tên Việt Nam và một quốc gia Nam Mỹ- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo Reuters, do tình hình thời tiết xấu ở Brazil và Việt Nam đã khiến nguồn cung toàn cầu chậm hơn nhu cầu trong ba năm. Điều đó đã khiến nguồn cung cạn kiệt và đẩy giá chuẩn trên sàn giao dịch ICE lên mức đỉnh điểm là 3,36 USD/lb.

Lần cuối cùng giá cà phê được giao dịch ở mức cao như vậy là vào năm 1977 khi tuyết phá hủy nhiều cánh đồng trồng trọt của Brazil. Trong khi đó, các chuyên gia dự đoán sản lượng cà phê sẽ tiếp tục giảm trong năm nay.

Brazil, quốc gia sản xuất gần một nửa lượng cà phê arabica - loại hạt cao cấp chủ yếu được sử dụng để rang và xay - đã trải qua một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất từng được ghi nhận trong năm nay. Mặc dù cuối cùng mưa cũng đến vào tháng 10, độ ẩm của đất vẫn ở mức thấp và các chuyên gia cho biết sản lượng hạt vẫn quá thấp do cây chỉ ra nhiều lá và ít hoa.

Tại Việt Nam, nơi sản xuất khoảng 40% lượng hạt cà phê robusta thường được sử dụng để làm cà phê hòa tan, một đợt hạn hán nghiêm trọng vào đầu năm nay đã kéo theo những trận mưa lớn kể từ tháng 10.

Công ty tư vấn StoneX dự báo sản lượng cà phê arabica của Brazil sẽ giảm 10,5% xuống còn 40 triệu bao vào năm tới, phần nào được bù đắp bởi sản lượng robusta cao hơn, qua đó cắt giảm 0,5% tổng sản lượng cà phê của nước này. Tại Việt Nam, sản lượng vụ mùa có thể giảm tới 10% vào cuối tháng 9 năm 2025, làm gia tăng tình trạng thiếu hụt robusta trên toàn cầu.

Giá tăng cao sẽ có lợi cho người nông dân trong vụ mùa năm nay, nhưng lại gây khó khăn cho các thương nhân khi phải đối mặt với chi phí phòng ngừa rủi ro cao trên sàn giao dịch và phải tranh giành để nhận được lượng cà phê mà họ đã đặt hàng trước.

Ông chủ của Nestle, công ty cà phê lớn nhất thế giới, đã bị cách chức vào đầu năm nay. Nguyên nhân là hội đồng quản trị không hài lòng về doanh số bán hàng yếu kém và mất thị phần do giá tăng khiến người tiêu dùng tìm kiếm sang những thương hiệu rẻ hơn. Các nhà rang xay có xu hướng mua cà phê trước nhiều tháng, điều này có nghĩa là người tiêu dùng có thể sẽ thấy giá tăng đột biến trong vòng 6 đến 12 tháng tới.

Về phía Việt Nam, thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết xuất khẩu cà phê trong tháng 11 tiếp tục giảm so với tháng trước dù vụ thu hoạch cà phê đã bắt đầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu được 45.000 tấn cà phê, trị giá 261,8 triệu USD trong tháng 11.

Lũy kế 11 tháng của năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 1,2 triệu tấn và 4,84 tỷ USD, giảm 15,4% về khối lượng nhưng tăng 32,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4.037 USD/tấn, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Reuters

Theo Như Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM