Gelex: Đặt kế hoạch doanh thu 36.000 tỷ năm 2022, tăng trưởng 26%, niêm yết Gelex Hạ tầng và đầu tư 1.900 ha khu công nghiệp mới
Ngày 5/4, Tổng giám đốc Tập đoàn GELEX Nguyễn Văn Tuấn vừa ký báo cáo trình Đại hội cổ đông kết quả kinh doanh năm 2021 và kế hoạch kinh doanh năm 2022.
Đại hội cổ đông của Gelex sẽ tổ chức vào Thứ Năm, 12/5/2022 dưới hình thức trực tuyến. Ngày chốt quyền tham dự đại hội cổ đông là 31/3/2022.
Cụ thể, nhờ hợp nhất Tổng công ty Viglacera – CTCP (Viglacera), năm 2021 mặc dù nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng bởi Covid song GEX hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh với doanh thu thuần hợp nhất đạt 28.578 tỷ đồng, tăng 59,2% so với năm 2020, LNTT hợp nhất đạt 2.057 tỷ đồng, vượt kế hoạch 60% và tăng trưởng gần 72% so với năm 2020.
Gelex tái cơ cấu tập đoàn chia làm 2 mảng: Sản xuất công nghiệp (CTCP Thiết bị điện Gelex – Gelex Electric) và Lĩnh vực hạ tầng (CTCP Hạ tầng Gelex).
Với mảng sản xuất công ngiệp, Gelex Electric hiện quản lý vốn tại các đơn vị thành viên về 2 mảng: công nghiệp thiết bị điện và nguồn phát điện.
Mảng thiết bị điện ghi nhận doanh thu 18.539 tỷ đồng, tăng 15% so với 2020. Biên lợi nhuận của mảng này giảm nhẹ so với 2020 do giá nguyên vật liệu, đặc biệt là kim loại màu (đồng, nhôm..) tăng mạnh, chính sách phong toả, giãn cách xã hội kéo dài làm giảm cầu thị trường và tăng chi phí phòng chống dịch.
Mảng nguồn phát điện ghi nhận tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, đóng góp 608 tỷ đồng doanh thu, tăng 67% so với năm 2020.
Trong lĩnh vực hạ tầng, quý II.2021 Gelex đã chi phối Tổng công ty Viglacera, qua đó nâng tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực hạ tầng vào kết quả sản xuất kinh doanh chung của tập đoàn.
Cụ thể, mảng bán và cho thuê BĐS, hạ tầng khu công nghiệp đóng góp 2.937 tỷ đồng, mảng vật liệu xây dựng đóng góp 5.806 tỷ đồng vào doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn.
Về bất động sản, Gelex đã khởi công và thi công theo tiến độ dự án "Tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê" tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27-29 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Năm 2021, CTCP Viglacera Tiên Sơn (Công ty con của VGC) đã mua lại nhà máy Bạch Mã, đầu tư bổ sung cho dự án nhà máy Viglacera Eurotile (nhà máy Mỹ Đức 2)
Mảng nước sạch đóng góp 525 tỷ đồng vào doanh thu hợp nhất của tập đoàn, giảm nhẹ so với 2020.
Với mảng năng lượng, năm 2021 Gelex đã hoàn thành đầu tư cụm 5 dự án điện gió tại huyện Hương Hoá, tỉnh Quảng Trị (tổng công suất lắp đặt 150mW) trước 31/10/2021, đủ điều kiện để được hưởng giá điện ưu đãi của Chính phủ
Năm 2022 đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 27%
Năm 2022, Gelex đạt mục tiêu 36.000 tỷ đồng doanh thu và 2.618 tỷ đồng LNTT hợp nhất, tăng lần lượt 26% và 27,2% so với thực hiện 2021.
Tập đoàn đề nghị không chia cổ tức năm 2021, đặt mục tiêu chi cổ tức năm 2022 tỷ lệ 15%/năm
Tìm các các hội M&A, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng tái tạo
Tập đoàn tiếp tục theo đuổi chiến lược tăng trưởng các mảng kinh doanh cốt lõi thông qua hoạt động M&A (qua Gelex mẹ và các đơn vị thành viên).
Tiến hành niêm yết hoặc đăng ký giao dịch với cổ phần tại Gelex Hạ tầng và tăng vốn, đăng ký niêm yết với cổ phần Gelex Electric khi cần thiết trên cơ sở Tập đoàn mẹ vẫn nắm tỷ lệ chi phối (Gelex Electric đã giao dịch trên Upcom vào 8/3/2022).
Với lĩnh vực hạ tầng, năm 2022 Gelex sẽ phát triển có chọn lọc và giải ngân đầu tư theo từng giai đoạn để phát triển dự án trong danh mục các dự án chuẩn bị đầu tư như: Cụm Điện gió ngoài khơi Vĩnh Hải (800MW), Điện gió Gia Lai (100MW), Điện gió ĐakLak (200MW), Điện mặt trời trang trại Bình Phước 1,2 (480MW), LNG Long Sơn và các dự án khác.
Năm 2022, Gelex dự kiến tìm kiếm các cơ hội M&A các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án năng lượng sạch như thuỷ điện, điện sinh khối…
Với mảng sản xuất và cung cấp nước sạch: Tiếp tục triển khai đầu tư các hạng mục còn lại giai đoạn 2, nâng công suất Nhà máy nước sạch Sông Đà lên 600.000 m3/ngày đêm, mục tiêu hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng vào quý 4/2024.
Với mảng BĐS khu công nghiệp: Tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật/dịch vụ tại các KCN đang triển khai, chuẩn bị đầu tư gần 1900 ha các khu công nghiệp mới. Khảo sát, nghiên cứu một số địa điểm để phát triển khoảng 4.300 ha khu công nghiệp/Tổ hợp KCN, dịch vụ, đô thị mới tại các địa phương có vị trị có lợi thế về hạ tầng, thu hút đầu tư và khả năng kinh doanh.