GDP tính lại tăng 25,4%: Cẩn trọng với chỉ số nợ công, lạm phát

05/09/2019 09:45 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo Tổng cục Thống kê, sau khi tính lại, GDP Việt Nam tăng thêm 25,4%, khiến thu nhập bình quân đầu người tăng lên 3.000 USD/năm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tính toán lại GDP cần cẩn trọng với các chỉ số kinh tế vĩ mô khác như lạm phát, nợ công.

Tổng cục Thống kê cho biết, sau khi đánh giá lại, GDP của Việt Nam giai đoạn 2011-2017 đã tăng thêm 25,4%/năm. Đây là kết quả của quá trình tính toán chi tiết đến 88 ngành trong gần 1 năm. Với tổng quy mô kinh tế đến cuối năm 2017 đạt khoảng 220 tỷ USD, theo con số mới, quy mô GDP ước tính tăng lên 275 tỷ USD. Tính cả tốc độ tăng trưởng năm 2018 và nửa đầu năm 2019, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã vượt con số 300 tỷ USD. GDP bình quân đầu người của Việt Nam nhờ đó tăng lên ngưỡng 3.000 USD, thay vì 2.590 USD.

Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, quá trình đánh giá lại quy mô GDP đã bổ sung thông tin của 76.000 doanh nghiệp (DN). Đây là những DN đang hoạt động nhưng không cung cấp thông tin và DN vừa đi vào hoạt động (trước đây chưa thống kê). Với những DN không thu thập được từ hồ sơ hành chính, Tổng cục Thống kê bổ sung số liệu từ cơ quan thuế.

Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), về việc tăng thêm tỷ lệ GDP sau đánh giá lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia. Tính toán của Tổng cục Thống kê nên đưa ra thảo luận, trao đổi minh bạch.

“Có rất nhiều câu hỏi đặt ra? Con số bổ sung 76.000 DN tăng thêm 25,4% GDP là những DN nào. Cần phải công bố danh sách các DN này và lý do vì sao trước đây không tính toán được. Bởi vì số DN cũ trước đây, đóng góp GDP không lớn như vậy?”, ông Doanh nói.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc thay đổi GDP là thống kê, hạch toán chưa đầy đủ nền kinh tế thời gian qua. GDP tăng lên sẽ khiến cho một loạt cân đối vĩ mô của nền kinh tế thay đổi. GDP Việt Nam lớn lên có thể khiến lạm phát, thâm hụt ngân sách nhà nước, thâm hụt cán cân thương mại…thay đổi.

“Xuất nhập khẩu, lạm phát, vay nợ công đều tính trên GDP. Tỷ lệ lạm phát, nợ công phải trả trên tổng GDP sẽ nhỏ đi. GDP lớn lên, nợ công nhỏ đi có thể xảy ra tình trạng “ru ngủ nhà quản lý”. Thậm chí có thể khiến cơ quan quản lý vay nợ thêm. Điều này cần cẩn trọng”, ông Thịnh cảnh báo.

Ông Thịnh cho rằng, nợ không chỉ tính dựa trên GDP, cần phải tính khối lượng nợ công, khối lượng nợ nước ngoài trên đầu người. Điều này cho thấy, khối lượng nợ lớn, nếu tiếp tục vay thêm sẽ rất khó trả nợ.

Theo Quỳnh Nga

Cùng chuyên mục
XEM