Gazprom: Nga tạm dừng dòng chảy khí đốt sang EU qua Nord Stream 1
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom sẽ tạm dừng dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 để sửa chữa, bắt đầu từ ngày 31/8.
Hôm 19/8, tập đoàn năng lượng nhà nước của Nga Gazprom thông báo việc vận chuyển khí đốt tự nhiên đến Liên minh châu Âu (EU) qua đường ống Nord Stream 1 (Phương Bắc 1) sẽ bị tạm dừng từ ngày 31/8 đến ngày 2/9 để bảo trì.
“Vào ngày 31/8, tổ máy nén khí Trent 60 duy nhất đang hoạt động sẽ tạm ngừng trong ba ngày để bảo trì”, Gazprom cho biết, đồng thời lưu ý quá trình sửa chữa sẽ được thực hiện cùng với các chuyên gia đến từ nhà sản xuất thiết bị Siemens của Đức.
Theo tập đoàn Gazprom, "sau khi hoàn thành hoạt động sửa chữa và đảm bảo không có trục trặc kỹ thuật của tổ máy, việc vận chuyển khí sẽ được khôi phục ở mức 33 triệu m3/ngày”. Công suất này chiếm khoảng 20% công suất toàn tuyến của đường ống Nord Stream 1.
Tổ máy Trent 60 là tuabin cuối cùng trong số sáu tuabin của đường ống vẫn còn duy trì hoạt động, các tuabin khác đang được đại tu. Một trong những tuabin hiện mắc kẹt ở Đức do lệnh trừng phạt của phương tây đối với Nga sau khi hoàn tất quá trình bảo trì trước đó.
Ở diễn biến khác giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt sau thông báo tạm dừng Nord Stream 1 của Gazprom, tăng 7% lên trên 2.600 USD/1.000 m3.
Xuất khẩu khí đốt của Gazprom sang châu Âu đã giảm mạnh trong năm nay do các lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột Nga - Ukraine và những vấn đề kỹ thuật.
Tháng trước, nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho EU thông qua Nord Stream 1 đã giảm xuống 20% so với mức tối đa. Theo Gazprom, cần có 5 tuabin hoạt động để bơm khí hết công suất.
Từ đầu năm tới 15/8, xuất khẩu khí đốt của Gazprom đã giảm 36,2%, xuống mức 78,5 tỷ m3. Sản lượng khai thác khí đốt của công ty cũng giảm 13,2% so với một năm trước, xuống mức 274,8 tỷ m3.
EU phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Trước bối cảnh dòng chảy khí đốt của Nga sang châu Âu giảm, các quốc gia EU nhất trí giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt để đảm bảo dự trữ cho mùa đông. Mỹ cũng đã đồng ý cung cấp cho châu Âu 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm nay.