Gặp nhiếp ảnh gia Nick Út sau 50 năm bức ảnh "Em bé Napalm" gây chấn động thế giới: "Nếu cô bé ấy chết, tôi cũng sẽ tự sát"
Gặp nhiếp ảnh gia Nick Út sau 50 năm bức ảnh "Em bé Napalm" gây chấn động thế giới: "Nếu cô bé ấy chết, tôi cũng sẽ tự sát"
50 năm của "Em bé Napalm"
Trở lại Việt Nam vào một ngày đầu tháng 4, nhiếp ảnh gia Nick Út đã có những chia sẻ xúc động về bức ảnh "Em bé Napalm" sau 50 năm gây chấn động thế giới tại buổi khai mạc triển lãm của ông tại không gian nghệ thuật Lavelle Gallery.
Không gian của buổi gặp gỡ đặc biệt nhiếp ảnh gia Nick Út tại TP.HCM
22 bức ảnh gắn liền với sự nghiệp phóng viên chiến trường của Nick Út một lần nữa được đông đảo người xem xúc động, đặc biệt là bức ảnh "Em bé Napalm", tác phẩm từng đoạt giải Pulitzer năm 1973.
Trong clip ngắn, nhiếp ảnh huyền thoại Nick Út đã kể về hành trình ông đưa cô bé Kim Phúc (nhân vật chính trong bức ảnh Em bé Napalm) bị bỏng, da bị lột từng mảng, đau đớn kêu khóc tới bệnh viện trên chiếc xe của ông. May mắn là nhờ có sự hỗ trợ của Nick Út, cô bé đã lách qua khe cửa hẹp để tiếp tục cuộc sống.
"Lúc đó hoảng loạn lắm, những người dân chạy ra, có gia đình cô Kim Phúc, bà nội ẵm đứa nhỏ 3 tuổi mà cháu đã mất rồi. Tôi thấy cô Kim Phúc run rẩy mới mượn cái áo để che thân thể cho cô ấy, còn mấy đứa nhỏ thì khóc ơi là khóc.
Ông Nick Út kể về thời điểm chụp bức ảnh
Ở đó cũng có rất nhiều phóng viên báo chí, nhưng họ chụp xong rồi phải chạy về để chuyển gấp hình. Tôi nói nếu tôi không được Kim Phúc vô bệnh viện mà bỏ đi, sau này lỡ mà tôi nổi tiếng, cô ấy chết là tôi tự tử liền. Nếu Kim Phúc chết, bức ảnh sẽ chẳng còn giá trị gì nữa…", nhiếp ảnh gia Nick Út tâm sự.
Khi chở Kim Phúc đến bệnh viện gần đó, ban đầu y tá từ chối nhận do họ không có đủ thuốc và phương tiện. Sau khi gây áp lực với bệnh viện, Kim Phúc được tiếp nhận điều trị, dù cho lúc ấy, cả y bác sĩ tại bệnh viện lẫn Nick Út, không ai nghĩ Kim Phúc sẽ sống…, tất cả đều cầu nguyện.
Bức ảnh "Em bé Napalm" gây chấn động thế giới của nhiếp ảnh gia Nick Út
Rất đông người yêu mến Nick Út đã có mặt tại buổi khai mạc triển lãm của ông tại không gian nghệ thuật Lavelle Gallery
Vượt qua được cơn nguy kịch, Kim Phúc may mắn sống sót và trở thành một phần trong gia đình của Nick Út. Suốt 50 năm, hai chú cháu coi nhau như người thân, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi. Sau này, chính Kim Phúc đi khắp thế giới, làm đại sứ hòa bình để lên tiếng bảo vệ trẻ em trên thế giới.
Không ai muốn chiến tranh xảy ra…
Dù đã qua 50 năm nhưng với nhiếp ảnh gia Nick Út, những hình ảnh tại Trảng Bàng năm 1972 chỉ mới thoáng qua khiến ông luôn ám ảnh về chiến tranh, về những mất mát, đau thương.
Mỗi lần về lại Việt Nam, ông đều ghé thăm ngôi làng cũ, nhìn sự phát triển của Trảng Bàng từ một vùng đất đau thương khiến ông vô cùng vui mừng, hạnh phúc.
Nhiếp ảnh gia kể về quá trình tham gia tác nghiệp tại chiến trường
"Năm 1975, khi chiến tranh chấm dứt, tôi rất mừng, tôi cũng mong không có chiến tranh ở bất kỳ đâu nữa", nhiếp ảnh gia Nick Út tâm sự.
Dù đã hơn 70 tuổi nhưng niềm nhiệt huyết, đam mê với nghề vẫn luôn rực cháy trong con người của ông. Nhớ lại thời điểm tác nghiệp tại chiến trường, ông Nick Út cho biết đã bị thương 3 lần, nhưng đến khi khỏe lại vẫn tiếp tục tới chiến trường để ghi lại những câu chuyện, hình ảnh chân thật nhất để mong chiến tranh có thể kết thúc.
Việc có được bức ảnh cũng như thước phim tư liệu quý giá về Kim Phúc, nhiếp ảnh gia Nick Út cho rằng đó không phải là sự may mắn. Dựa vào những kinh nghiệm tác nghiệp tại chiến trường, chỉ riêng duy nhất mình ông còn "phim" để có thể ghi lại hình ảnh chân thật đó.
Nghệ sĩ Quốc Trung đặt câu hỏi cho nhiếp ảnh gia Nick Út
Trước câu hỏi của Nghệ sĩ Quốc Trung: "Việc sau khi chụp xong, ông liền đưa cô Kim Phúc đi bệnh viện, trong khoảnh khắc ấy, điều gì đã khiến anh làm như vậy trong khi tất cả các báo đều vội về để gửi hình. Đó có phải là bản năng của anh hay không?", nhiếp ảnh gia Nick Út chia sẻ.
"Lúc đó tôi chỉ mới 21 tuổi, tôi thấy Kim Phúc da thịt bị cháy, tôi không nghĩ được nhiều hơn ngoại trừ suy nghĩ phải cứu được đứa bé này. Tôi cũng sợ AP nếu không gửi hình lẹ về sẽ đuổi việc mình nhưng tôi lựa chọn cứu cô bé quan trọng hơn. May mắn là khi đưa Kim Phúc vô bệnh viện, cô bé đã được cứu sống, đó là điều hạnh phúc lớn nhất của tôi".
Những ký ức về chiến tranh vẫn luôn ám ảnh Nick Út
Dù đã trải qua 50 năm nhưng sự ám ảnh về chiến tranh vẫn luôn thường trực trong tâm trí của nhiếp ảnh gia Nick Út. Không chỉ bản thân ông mà còn rất nhiều cựu chiến binh, họ không hề muốn chiến tranh xảy ra.
Chuyến trở về Việt Nam lần này và những lần sau nữa, nhiếp ảnh gia dành nhiều thời gian để làm từ thiện, hiện những người cựu chiến binh cũng đang có dự án xây dựng thư viện cho trẻ em, ông Nick Út sẽ cùng họ tham gia vào công việc ấy.
"Những người trải qua chiến tranh họ sống bị ám ảnh, khủng hoảng nhiều về tinh thần lắm, tôi cũng bị như vậy cho nên tôi rất ít xem phim chiến tranh. Sự khốc liệt của chiến tranh không nằm ở chiến trường mà nằm vào những người bị kéo vào nó, cô Kim Phúc là một ví dụ", nhiếp ảnh gia Nick Út chia sẻ.
Nhiếp ảnh gia Nick Út xúc động trong buổi trò chuyện thân mật nhân kỷ niệm 50 năm bức ảnh "Em bé Napalm" gây chấn động thế giới.
Phóng viên ảnh Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út, sinh năm 1951 tại Long An. Năm 1973 ông giành được giải thưởng danh giá Pulitzer nhờ bức ảnh Em bé Napalm. Bức ảnh chụp cô bé Kim Phúc, 9 tuổi, gào thét chạy ra quốc lộ, quần áo và da thịt bị cháy sau trận dội bom napalm của quân đội Mỹ, đã làm chấn động thế giới.
Nick Út đã nhập quốc tịch Mỹ và là cựu phóng viên của hãng AP tại Los Angeles, Mỹ, theo dõi tất cả loại tin tức từ động đất, cháy rừng cho đến thể thao, ngôi sao điện ảnh.
Nick Út đã nhập quốc tịch Mỹ và là cựu phóng viên của hãng AP tại Los Angeles, Mỹ, theo dõi tất cả loại tin tức từ động đất, cháy rừng cho đến thể thao, ngôi sao điện ảnh.