Gặp khủng hoảng kép, PVN vẫn lãi hơn 10.000 tỷ đồng
PVN vừa tổng kết hoạt động 7 tháng đầu năm với doanh thu 327.798 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 10.000 tỷ đồng.Dòng tiền tại PVN và các đơn vị thành viên vẫn đảm bảo tính thanh khoản thông suốt, ổn định.
Ngày 7/8, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) họp giao ban trực tuyến với các đơn vị thành viên về kết quả sản xuất kinh 7 tháng, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp 5 tháng cuối năm 2020.
Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng phát biểu. |
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo PVN cho biết tổng sản lượng khai thác quy dầu tháng 7 đạt 1,78 triệu tấn quy dầu, vượt 12% kế hoạch tháng. Lũy kế 7 tháng đạt 12,52 triệu tấn quy dầu, vượt 5,3% kế hoạch 7 tháng và bằng 61,5% kế hoạch năm.
Sản xuất điện 7 tháng đạt 12,75 tỷ kWh, bằng 59% kế hoạch năm. Sản xuất đạm 7 tháng đạt 1,06 triệu tấn, bằng 67,7% kế hoạch năm. Sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn 7 tháng đạt 7,37 triệu tấn, tương đương với 62,4% kế hoạch năm.
Một điểm sáng trong lĩnh vực thăm dò khai thác là phát hiện được trữ lượng lớn dầu khí tại Lô 114, mở ra cơ hội thu hút đầu tư và phát triển Tập đoàn. Một diểm sáng khác là đóng điện thành công Sân phân phối Trung tâm nhiệt điện Sông Hậu, ký hợp đồng thuê quản lý vận hành với Tổng Công ty Truyền tải điện Việt Nam (EVNNPT).
Theo đó, mặc dù giá dầu trung bình 7 tháng đầu năm 2020 của Tập đoàn là 44 USD/thùng (bằng 73% giá kế hoạch năm) nhưng kết quả tài chính của PVN có nhiều kết quả tích cực. Doanh thu toàn Tập đoàn trong đạt 327.798 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 10.000 tỷ đồng...
Lãnh đạo PVN khẳng định dòng tiền của Tập đoàn và các đơn vị thành viên đảm bảo tính thanh khoản thông suốt, ổn định, góp phần quan trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh giữ được nhịp độ phát triển, công tác đầu tư được kiểm soát theo tiến độ và kế hoạch đề ra.
Kết quả có lãi của PVN là khả quan khi các công ty dầu khí hàng đầu thế giới lâm cảnh thua lỗ từ 1,6 – 21 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, buộc phải giảm quy mô hoạt động, cắt giảm nhân sự... Ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu và Việt Nam đang phải tìm cách ứng phó với “khủng hoảng kép” từ đại dịch Covid-19 là giá dầu ở mức thấp.