Gặp Đỗ Doãn Bách - cháu trai nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, lọt top gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu: Cái mác "con ông cháu cha" là động lực để phấn đấu hơn nữa!
"Tôi đã từng nghĩ rằng, mình phải vượt qua cái bóng của ông bà, cô chú. Nhưng giờ tôi không nghĩ đến điều đó nữa…", Đỗ Doãn Bách nói.
Bác sĩ Đỗ Doãn Bách (sinh năm 1991), Viện Tim Mạch - Bệnh viện Bạch Mai là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021. Anh là thành viên đồng sáng lập và tham gia vận hành mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu. Thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở TP.HCM, bác sĩ Đỗ Doãn Bách đã xung phong tham gia công tác tại Bệnh viện dã chiến 16 để điều trị những bệnh nhân nặng và rất nặng.
Nhân dịp bác sĩ Bách mới được vinh danh trong danh sách 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, chúng tôi đã hẹn anh để có một buổi gặp gỡ và trò chuyện. Anh đến địa điểm hẹn gặp ngay sau khi trở về từ bệnh viện, dù trải qua một ca trực đêm và một ngày làm việc, anh vẫn nhiệt tình chia sẻ, gương mặt không chút mỏi mệt.
Là cháu trai của nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Vừa áp lực vừa là động lực!
Chào bác sĩ Đỗ Doãn Bách, cảm xúc của anh như thế nào khi là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021?
Trong năm vừa qua là năm đại dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, không chỉ mình các nhân viên y tế mà còn rất nhiều các bạn trẻ đã cống hiến trong năm vừa rồi. Khi tôi làm việc trong TP. HCM, tại Bệnh viện dã chiến số 16, bên cạnh các bác sĩ còn có các tình nguyện viên đều rất trẻ. Khi tôi được đại diện cho các bạn trẻ, những bạn làm cùng với tôi nhận đề cử đó, tôi cảm thấy rất bồi hồi và xúc động.
Được biết, ông nội anh là GS Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Sinh ra trong một gia đình truyền thống ngành Y, nhưng lựa chọn ban đầu của anh lại không phải là Y, mà là ngành Giao thông vận tải. Sau đó, anh mới quay trở lại học Y. Vậy lý do gì khiến ban đầu anh không theo nghiệp gia đình, và điều gì khiến anh suy nghĩ lại và học Y?
Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống ngành Y. Ông nội tôi là một bác sĩ, người thầy thuốc rất giỏi. Bố tôi là con cả của gia đình, người thay mặt gia đình vào chiến trường miền Nam, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ năm 1975. Khi bố tôi vào trong chiến trường miền Nam thì các cô, chú trong gia đình mới có thể đi học Y, đều thành công và trở thành giáo sư, bác sĩ.
Khi bố tôi đi chiến trường miền Nam về, bố tôi tham gia giảng dạy tại trường ĐH Giao thông vận tải, bộ môn cơ khí. Thời gian đó, tôi thấy bố hay tự sửa chữa tất cả mọi thứ nên cũng có niềm cảm hứng với máy móc. Đến lúc thi Đại học, tôi nghĩ rằng nghề cơ khí ô tô là một lựa chọn của mình, tôi tham gia thi trường ĐH GTVT.
Nhưng khi tôi thi xong, ông nội tôi đi sang nhà và trao đổi với gia đình rằng, trong đời thứ 3, hoàn toàn chưa có ai tiếp nối truyền thống gia đình. Sau khi nghe những chia sẻ, tâm sự của tôi thì ông mới quyết định khuyên tôi và nói với gia đình rằng tôi nên đi học Y. Thứ nhất, là vì gia đình truyền thống theo ngành Y. Thứ hai, là vì ông nhìn thấy được những tố chất, ông nói rằng chắc chắn tôi sẽ trở thành một bác sĩ thành công.
Chắc hẳn ông là người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của anh? Anh đã học được những gì từ ông?
Đúng là ông nội là người có sức ảnh hưởng rất lớn đến tôi. Ông tôi là một người cực kỳ giỏi. Ông là một bác sĩ có trình độ, đam mê với nghề. Cái mà tôi học được từ ông, bà là sự liêm khiết và lòng thương người.
Ông thường hay kể cho tôi nghe những câu chuyện khi ông làm việc như thế nào, có những tình huống khó khăn ra sao. Ông kể lại về năm 1972, máy bay Mỹ ném bom bệnh viện Bạch Mai. Thời điểm đó, ông phải đưa ra những quyết định đau thương để cứu được những vị khác ở dưới tầng hầm. Nghe những câu chuyện của ông, tôi có nhiều cảm hứng và động lực với nghề Y hơn. Tôi cũng biết được rằng những lý tưởng tốt đẹp của ông, bà như thế nào và mình học tập, noi theo.
Gia đình toàn người là "cây cao bóng cả" trong ngành Y, anh có áp lực không?
Tất nhiên là cũng áp lực. Tôi đã từng nghĩ rằng, mình phải vượt qua cái bóng của ông bà, cô chú. Nhưng giờ tôi không nghĩ đến điều đó nữa, mà nghĩ đến những trải nghiệm của chính mình. Mỗi thời điểm mỗi khác, mình không đi những con đường hoàn toàn giống nhau.
Bác sĩ Đỗ Doãn Bách sinh ra trong một gia đình có truyền thống ngành Y.
Công tác và làm việc tại bệnh viện Bạch Mai, có bao giờ anh nhận được những ưu ái, tình cảm đặc biệt của đồng nghiệp, bệnh nhân bởi vì mình là cháu nội của GS Đỗ Doãn Đại?
Thật ra mọi người không quan tâm đâu. Điều mà tôi nhận được đó là những giá trị vô hình. Khi giới thiệu mình là cháu của một vị lãnh đạo nào đó trước đây, mọi người đều nghĩ rằng: "À, chắc là có nòi thì sẽ phải rất giỏi". Chính điều đó lại là động lực cho để tôi quyết tâm không làm cho gia đình thất vọng về mình. Tôi tự ép bản thân phải phấn đấu nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng, không phải vì mình là "con ông cháu cha" mà mình lại được phép lười hơn, trễ nải hơn, ỷ lại, hoàn toàn không có những chuyện đấy.
Đã bao giờ anh nghe được những lời đồn đoán không đúng như vì mình là "con ông cháu cha" mới có được vị trí như hiện tại?
Tôi cứ mặc kệ thôi. Thực tế, ngay từ thời của ông, ông đã không bao giờ can thiệp bất kỳ điều gì vào công việc của tất cả con, cháu. Ông chỉ hỏi thăm xem làm việc như thế nào. Tôi cũng khá tự hào về tất cả những gì mà tôi đạt được đều do mình nỗ lực.
Bình yên với tôi là biết rằng trong ca trực 8 tiếng, 20 bệnh nhân của mình... còn sống
Năm 2021, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở TP.HCM, anh đã tham gia công tác tại Bệnh viện dã chiến số 16. Chuyến công tác đó diễn ra như thế nào thưa anh?
Khi tôi biết tình hình dịch bệnh trong miền Nam đang căng thẳng, tôi cũng làm đơn tình nguyện để tham gia chống dịch trong miền Nam nhưng không biết là lúc nào sẽ được gọi.
Cuối tháng 7/2021, tôi làm việc với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam để sáng lập, đưa ra ý tưởng và vận hành Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành. Đúng thời điểm này, tôi được gọi vào trong TP.HCM làm việc tại Trung tâm hồi sức tích cực tại Bệnh viện dã chiến số 16. Theo kế hoạch ban đầu, tôi sẽ tham gia vào đợt 2 nhưng một bạn lại gặp vấn đề về sức khỏe nên tôi được tham gia đợt đầu luôn. Ngày hôm đó, đúng 5 giờ sáng, tôi nhận thông báo, 8h sáng thì khởi hành. Lúc đấy cũng hơi hoang mang một chút vì chưa thông báo với ai cả, chưa thông báo với gia đình, chưa thông báo với vợ con.
Khi tôi vào TP HCM thì thấy rằng đúng là người dân cần mình thật. Lúc ấy, tôi chỉ muốn được ra ngay "chiến trường" để điều trị cho người bệnh. Bước chân vào trong Sài Gòn, có một số bác sĩ gần như chưa được tập huấn gì về điều trị Covid cả nên chúng tôi cần phải tập huấn thêm 5 ngày. 5 ngày đó đúng là 5 ngày "như thiêu như đốt trong lòng" vì thấy căng thẳng quá mà mình chưa làm được gì.
Thời gian đó, tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, xe cứu thương đi trên đường đa số không có điểm nhận. Ngay khi chúng tôi mở bệnh viện ra là xe ùn ùn đẩy vào. Nhiều khi họ đẩy vào là đi cấp cứu luôn, nhiều lúc chưa biết tên, tình trạng bệnh nhân như thế nào thì đã phải đưa vào cấp cứu, làm mọi cách để cứu sống bệnh nhân rồi.
Thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở TP.HCM, anh đã tham gia công tác tại Bệnh viện dã chiến số 16 để điều trị các bệnh nhân nặng và rất nặng.
Tham gia công tác chống dịch tại Trung tâm hồi sức, phải chứng kiến sự ly biệt, đau thương, liệu tinh thần của anh có bị ảnh hưởng?
Khi mới vào, tôi cảm thấy sốt ruột và nóng lòng muốn ra "chiến trường". Sau đó, chứng kiến nhiều bệnh nhân tử vong, tinh thần của tôi cũng hơi chùn lại một chút. Biết rằng mình đang làm tốt, dốc hết sức mình để giúp đỡ cho mọi người, tôi vẫn mặc kệ cảm xúc của bản thân và tiếp tục làm. Nhiều khi tôi cũng động viên các đồng nghiệp của mình rằng: "Trong 30 năm thì chắc chắn đây là thời gian có ích nhất". Và tất cả mọi người đều cảm thấy như vậy, đó là động lực để làm việc.
Mọi người cũng hỏi tôi rằng, liệu trải qua những vấn đề đau thương như thế, liệu tôi có ảnh hưởng đến tinh thần hay không? Tất nhiên là có. Thời gian ở bệnh viện dã chiến, tôi chẳng có giây phút nào vui vẻ cả, nhưng giây phút yên bình thì có.
Những giây phút yên bình của tôi là trước khi đi làm, trên đường ngồi xe tới bệnh viện, khi mình biết và động viên tất cả mọi người rằng bây giờ mình đang làm việc có ích, đang giúp đỡ mọi người. Giây phút yên bình tiếp theo là khi tôi biết rằng trong ca trực 8 tiếng đấy, 20 bệnh nhân của mình còn sống, không có ca nào ra đi cả. Giây phút yên bình nữa là được ngồi ăn cơm với gia đình. Bây giờ may mắn là có công nghệ, những bữa tối tôi không phải trực đêm, sẽ để hộp cơm tối trước mặt, video call và nói chuyện như là mình đang ăn cơm cùng gia đình. Đó là những phút giây tôi cảm thấy yên bình nhất.
Thời gian xa gia đình với anh, chắc hẳn cũng không dễ dàng? Anh trải qua cảm giác nhớ nhà ra sao?
Tháng đầu tiên, tôi nhớ nhà kinh khủng. Thời gian đó, tỷ lệ bệnh nhân tử vong cao quá, khiến tôi nhiều khi cũng suy nghĩ, nếu mình bị nhiễm, mình trở nặng rồi nằm ở kia, thì chuyện gì sẽ diễn ra? Một trong những công việc mà tôi cảm thấy đau khổ, áp lực nhất là báo tử cho gia đình bệnh nhân. Bất kỳ thời điểm nào mà bệnh nhân tử vong, chúng tôi đều phải nhấc điện thoại lên và gọi điện cho gia đình. Đấy là cũng là một trong những điều khiến tôi cảm thấy rất nhớ nhà. Nhưng tôi vẫn phải gạt bỏ cảm xúc cá nhân của mình sang một bên, vì lúc này, người dân, bệnh nhân đang rất cần mình.
Tiện đây anh có thể chia sẻ về người vợ - hậu phương vững chắc của mình?
Tôi quen vợ tôi từ năm học cấp 3, chúng tôi yêu xa 6 năm thôi (cười). Cô ấy cũng là một trong những người ủng hộ, động viên và chờ đợi tôi trong suốt khoảng thời gian tôi đi học ở nước ngoài.
Về Việt Nam, tôi tiếp tục lại phải học tiếp trong khi cô ấy đã đi làm rồi. Cô ấy đi làm cũng hỗ trợ rất nhiều, thỉnh thoảng đi chơi là cô ấy trả tiền (cười). Năm 2017, khi tôi vào bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi cũng bàn với gia đình để cả hai trở về một nhà, có thể hỗ trợ nhau nhiều hơn. Cô ấy luôn là người ủng hộ tôi trong thời gian tôi làm nghề. Nhiều đêm tôi có cuộc điện thoại cấp cứu, lập tức phải vào viện ngay, tôi cũng không gặp bất kỳ lời phàn nàn nào từ vợ. Gần như cô ấy đã quá quen với điều đó rồi.
"Bác sĩ chỉ chữa được bệnh chứ không chữa được mệnh"
Ý tưởng nào khiến anh cùng những người cộng sự của mình sáng lập nên Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành? Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" hoạt động như thế nào, thưa anh?
Thời điểm Bệnh viện Bạch Mai phong tỏa vào tháng 03/2020, tôi đã bắt đầu tìm hiểu kỹ về Covid-19 và các phác đồ điều trị ở nước ngoài như thế nào. Khi dịch bệnh diễn ra căng thẳng tại TP.HCM, Trung Ương Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam có phối hợp với Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống Covid-19 khảo sát dịch bệnh trong TP.HCM và phát hiện ra rằng đa số tình trạng quá tải từ hệ thống y tế tại địa phương đều do mất kết nối. Bệnh nhân F0 không được tư vấn kịp thời. Họ cũng không biết phải làm gì và tất cả các bệnh nhân đều mong muốn được vào bệnh viện cho yên tâm, vì vậy mà gây quá tải.
Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành là một trong những ý tưởng đầu tiên được đưa ra. Chúng tôi mới cố gắng lên ý tưởng để làm thế nào tạo dựng ra một mạng lưới kết nối bằng điện thoại, cho các bác sĩ trên cả nước kết nối được với người bệnh F0 ở TP.HCM. Bác sĩ trên cả nước đều muốn cống hiến sức mình chống dịch. Khi đó, chúng tôi có 10 ngày để đưa Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành từ ý tưởng đưa vào vận hành, gọi cuộc gọi đầu tiên cho người bệnh.
Thời gian đó đúng là "ăn ngủ" cùng mạng lưới để đưa ra các phương án hoạt động tốt nhất có thể. Chúng tôi cũng rất may mắn khi tổ chức ra Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, trong một tuần đầu tiên thì cũng có khoảng hơn 2000 bác sĩ và tình nguyện viên tham gia. Lúc ấy, việc mà tôi lo lắng là làm thế nào để đưa ra những quy trình tiếp cận, tư vấn cho bệnh nhân và phân luồng cấp cứu nữa. Khi mình phân tích được bệnh nhân nào nguy cơ cao cần phải vào viện thì làm sao để chuyển họ vào. Mình phải kết nối với y tế địa phương, sở y tế TP.HCM nhằm tìm, có thông tin của các bệnh viện để cố gắng làm sao đưa được bệnh nhân vào viện sớm nhất.
Với khối lượng công việc của một bác sĩ, đã bao giờ anh cảm thấy quá tải?
Những lúc cảm thấy quá tải, tôi sẽ tranh thủ nghỉ ngơi. Tôi học được khả năng ngủ ở bất kỳ lúc nào, chỗ nào, trong mọi tư thế. Tôi muốn chia sẻ với các bạn muốn trở thành bác sĩ, đó là bạn phải có khả năng ngủ trên mọi địa hình, mọi tư thế, mọi lúc, có thể ngủ bao nhiêu phút cũng được, nhưng phải ngủ được khi mình cảm thấy quá tải.
Công việc vốn đã áp lực, nhưng đôi khi, các bác sĩ còn gặp phải những trường hợp bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân có phản ứng, thái độ đặc biệt. Anh đã từng trải qua những trường hợp như vậy chưa?
Tôi cũng đã trải qua những trường hợp như vậy nhưng không có nhiều đâu. Là bác sĩ, lúc nào tôi cũng phải luôn trong tâm thế là người giúp đỡ. Đối với tôi, tất cả những gì mà bệnh nhân thể hiện đều sẽ có những căn nguyên nào đó. Mình là người nên tĩnh lại. Mình cần chậm lại, ân cần hơn và tìm hiểu lý do mà họ như vậy, họ bức xúc với điều gì. Biết được những nguyên do đó, mình sẽ đồng cảm được với họ. Nếu giả sử mình không đồng cảm được thì có thể chia sẻ với họ rằng nó sẽ có góc độ khác nhau để họ cảm thấy an tâm hơn. Tôi nghĩ rằng, không có bệnh nhân nào cảm thấy rằng họ không biết ơn bác sĩ hoặc họ cố tình có thái độ như thế đâu. Mà đa số là do hoàn cảnh, do họ vội, mình phải là người trấn an được họ.
Bác sĩ Bách cho rằng, tất cả những điều mà bệnh nhân thể hiện đều có căn nguyên.
Bác sĩ không được phép mắc sai lầm, anh có nghĩ vậy không?
Đây là một trong những câu hỏi mà tôi luôn tự hỏi bản thân mình. Vì tim mạch, là một trong những chuyên ngành nằm giữa lằn ranh sinh tử. Khi mỗi trường hợp, tình huống không may xảy ra, tôi sẽ luôn phải cố gắng tự vấn lại mình, xem liệu rằng mình có làm gì ảnh hưởng đến bệnh nhân hay không. Một trong những câu đầu tiên trong lời thề Hippocrates là "Không được làm hại". Chúng tôi vẫn luôn hiểu rõ điều đó.
Trong thời gian chống dịch ở TP.HCM vừa rồi, có quá nhiều trường hợp mất đi sinh mạng, tôi cũng suy nghĩ chứ. Nói ra thì hơi tâm linh một chút, nhưng ở trong đấy thỉnh thoảng tôi cũng tự hỏi: "Liệu có ai đang đứng đằng sau mình không?". Mình sẽ phải tự giải tỏa vì nếu không thì nó sẽ gây ra sự căng thẳng dẫn đến việc mình sẽ không bao giờ đưa ra được những quyết định.
Trong nghề Y nhất là tim mạch, chúng tôi cần phải ra những quyết định nhanh chóng, chuẩn xác. Tôi cũng thường đặt cho mình câu hỏi "Liệu rằng mình có làm gì sai hay không?". Lúc đó, tôi tự giải tỏa bằng cách tự trả lời sau rất nhiều ngày trăn trở. Tôi trả lời rằng, tất cả mọi thứ đều phải thuận theo tự nhiên và chọn lọc tự nhiên là một trong những điều tất yếu. Những cá thể bị bệnh, yếu đuối, dần dần sẽ bị loại khỏi tự nhiên. Bác sĩ là một trong những người can thiệp vào quá trình đó, là bác sĩ, mình sẽ cố gắng dốc hết sức để giúp được bệnh nhân. Có một câu nói mà tôi được học là: "Bác sĩ chỉ chữa được bệnh chứ không chữa được mệnh".
Nhìn lại những gì đã trải qua, anh nghĩ gì về nghề nghiệp, con đường mà mình đã lựa chọn, nghề Y - một nghề cao quý, chữa bệnh, cứu người?
Nghề Y là nghề cứu người, mà nghề cứu người thì luôn luôn được tôn trọng. Đôi khi, người ta cũng bảo làm nghề Y có thể sẽ thiệt thòi hơn. Nhưng như đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu nói: "Tôi không thấy bác sĩ nào giỏi mà nghèo cả". Với tôi, nghề Y nghèo về cái gì thì không biết nhưng chắc chắn không nghèo về trải nghiệm.
Nhìn lại quá trình mà mình đã đi qua, tôi thấy rất giàu cảm xúc. Tôi thấy mình không chỉ vượt qua những thăng trầm của cuộc đời, mà còn trải qua thăng trầm của cả đất nước. Tôi nghĩ rằng, sống ở trên đời, mình cần có những trải nghiệm, cống hiến và đưa ra nhiều sáng kiến hơn.
Hy vọng rằng thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục được cống hiến nhiều hơn nữa. Tuổi trẻ là không giới hạn, vậy nên các bạn trẻ hãy cố gắng trải nghiệm và cống hiến càng nhiều càng tốt.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!